Việc ban hành Quyết định nhằm thực hiện thống nhất trong toàn Ngành về quy mô, tiêu chuẩn trụ sở làm việc, giúp các chủ đầu tư thuận lợi trong công tác lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật các dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc VKSND các cấp trong ngành Kiểm sát nhân dân đảm bảo điều kiện phục vụ cho hoạt động của đơn vị.
Quyết định này quy định quy mô đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân (không bao gồm VKSND tối cao; Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh; các đơn vị sự nghiệp công lập: Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát và Viện kiểm sát quân sự các cấp).
Đối tượng áp dụng gồm: Văn phòng VKSND tối cao; VKSND cấp cao; VKSND tỉnh, thành phố trực Trung trung ương (VKSND cấp tỉnh); VKSND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (VKSND cấp huyện); Văn phòng đại diện VKSND tối cao tại TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và đại diện Cơ quan điều tra VKSND tối cao tại TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; Phòng điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ.
Về căn cứ để xác định quy mô đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, tổng diện tích xây dựng trụ sở bao gồm: Diện tích làm việc theo chức danh, diện tích sử dụng chung, diện tích chuyên dùng (diện tích sử dụng chung chưa bao gồm diện tích chiếm chỗ cột, tường, hộp kỹ thuật, cầu thang, nhà để xe).
Căn cứ để xác định như sau: Căn cứ số biên chế của đơn vị do Viện trưởng VKSND tối cao giao; được tính cho cả số hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo Nghị định của Chính phủ. Từ số cán bộ của đơn vị, căn cứ vào quy định của Thủ tướng Chính phủ về định mức, tiêu chuẩn sử dụng trụ sở làm việc, để xác định diện tích làm việc cho từng chức danh, diện tích sử dụng chung.
Căn cứ vào Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4601:2012 để xác định diện tích cầu thang và diện tích nhà xe.
Căn cứ vào văn bản của Bộ Tài chính và quyết định ban hành quy mô của Viện trưởng VKSND tối cao để xác định diện tích chuyên dùng cho từng đơn vị.
Nhóm quy mô đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, VKSND cấp cao có 2 nhóm. Nhóm 1: VKSND cấp cao tại TP Đà Nẵng; Nhóm 2: VKSND cấp cao tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
VKSND cấp tỉnh có 4 nhóm. Nhóm 1: Có số cán bộ từ 60 người trở xuống; nhóm 2: Có số cán bộ từ 61 người đến 70 người; nhóm 3: Có số cán bộ từ 71 người đến 80 người; nhóm 4: Có số cán bộ từ 81 người đến 90 người.
VKSND cấp huyện có 4 nhóm. Nhóm 1: Có số cán bộ từ 15 người trở xuống; nhóm 2: Có số cán bộ từ 16 người đến 20 người; nhóm 3: Có số cán bộ từ 21 người đến 25 người; nhóm 4: Có số cán bộ từ 26 người đến 30 người.
Đại diện Cơ quan điều tra VKSND tối cao tại TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh có 2 nhóm. Nhóm 1: Có số cán bộ từ 30 người trở xuống; nhóm 2: Có số cán bộ từ 31 người đến 40 người.
Phòng Điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ thuộc Cơ quan điều tra VKSND tối cao có 3 nhóm. Nhóm 1: Có số cán bộ từ 15 người trở xuống; nhóm 2: Có số cán bộ từ 16 người đến 20 người; nhóm 3: Có số cán bộ từ 21 người đến 25 người.
Trường hợp cán bộ của đơn vị có số lượng người vượt trên các nhóm quy định nêu trên thì đơn vị được phép căn cứ số lượng cán bộ được giao thực tế để tính cụ thể diện tích làm việc, diện tích sử dụng chung cho từng chức danh theo quy định và diện tích chuyên dùng theo thỏa thuận của Bộ Tài chính, sau đó trình lãnh đạo VKSND tối cao xem xét, quyết định.
Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh nhóm về quy mô xây dựng cho phù hợp với điều kiện thực tế thì đơn vị phải có đề xuất xin ý kiến và được lãnh đạo VKSND tối cao xem xét quyết định trước khi thực hiện.
Đối với đại diện Văn phòng VKSND tối cao tại TP Đà Nẵng, Hồ Chí Minh; VKSND TP Hà Nội, VKSND TP Hồ Chí Minh; Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh, các đơn vị sự nghiệp công lập: Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát và một số địa bàn có ý nghĩa đặc biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, các địa phương có điều kiện tự nhiên đặc thù thì quy mô đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của các đơn vị này do lãnh đạo VKSND tối cao xem xét, quyết định theo từng trường hợp cụ thể.
Ngoài quy mô đầu tư xây dựng các hạng mục chính được quy định tại phụ lục còn có các hạng mục sau: Cổng, hàng rào; sân, đường nội bộ, cây xanh; hệ thống cấp điện, chiếu sáng ngoài nhà; hệ thống nước nóng, điện năng lượng mặt trời (nếu có); hệ thống chống sét; trạm biến áp, máy phát điện dự phòng; hệ thống cấp, thoát nước ngoài nhà; hệ thống mạng thông tin liên lạc, mạng Internet, Camera; hệ thống mạng truyền hình hội nghị; hệ thống phòng cháy chữa cháy; phòng chống mối; cột cờ, biển hiệu cơ quan, phù hiệu Ngành.