Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng
VKSND tối cao vừa ban hành
Kế hoạch số 70/KH-VKSTC về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2021 - 2025. Theo Kế hoạch, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng là cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân.
Về yêu cầu, Kế hoạch nêu rõ, đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý công chức, viên chức, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực ngành Kiểm sát nhân dân.
Đào tạo, bồi dưỡng chú trọng về chất lượng, không chạy theo số lượng, không dàn trải; tập trung đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm, bồi dưỡng lãnh đạo quản lý trước khi bổ nhiệm, bồi dưỡng kỹ năng, tập huấn nghiệp vụ.
Đồng thời, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm về đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước, đồng thời chủ động nghiên cứu học tập kinh nghiệm của các nước có nền tư pháp tiên tiến, áp dụng phù hợp với thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành Kiểm sát nhân dân.
Mục tiêu chung trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Về mục tiêu cụ thể, Kế hoạch nêu rõ: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế thống nhất, đồng bộ trong đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo tính kịp thời và phù hợp với thay đổi của các quy định của Đảng, Nhà nước và ngành Kiểm sát nhân dân, cũng như yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của ngành Kiểm sát nhân dân, chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên, hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu, cập nhật và phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát đối với công chức, viên chức; xây dựng cơ chế thu hút được đội ngũ giảng viên thỉnh giảng; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tự chủ 50% chi thường xuyên.
Đa dạng hoá các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, trong đó kết hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng tập trung trong Nhà trường với tự đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ tại chỗ. Đổi mới phương pháp dạy và học, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin và mạng truyền hình trực tuyến vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.
Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho 100% công chức có trình độ cử nhân luật
Về các chỉ tiêu cụ thể, theo Kế hoạch, phấn đấu đến năm 2025 đạt được các chỉ tiêu sau: Bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị cho 100% công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, lãnh đạo VKSND cấp cao và lãnh đạo VKSND cấp tỉnh, các chức danh từ ngạch cao cấp trở lên, Trưởng phòng và Viện trưởng VKSND cấp huyện. Bồi dưỡng trình độ trung cấp lý luận chính trị cho 80% - 90% Kiểm sát viên trung cấp và tương đương, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện, Phó Trưởng phòng và tương đương.
|
|
Quang cảnh Lễ khai giảng lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát khóa 28 tại Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa) |
Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp cho 80% công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định và các chức danh từ ngạch Kiểm sát viên trung cấp và tương đương trở lên. Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính cho 70% Kiểm sát viên sơ cấp và tương đương, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện, Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên.
Bồi dưỡng kiến thức quản lý chỉ đạo điều hành chuyên ngành cho 100% lãnh đạo VKSND cấp tỉnh và cấp Vụ; đảm bảo 100% công chức, viên chức được bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.
Đào tạo 15% tổng biên chế có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ để thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, đơn vị nghiên cứu khoa học và các đơn vị tham mưu chiến lược của ngành Kiểm sát nhân dân.
Đào tạo từ 1.500 đến 2.000 cử nhân luật, hệ chính quy tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội để bổ sung đủ nguồn nhân lực cho ngành Kiểm sát nhân dân bảo đảm chất lượng.
Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho 100% công chức có trình độ cử nhân luật (đã hoàn thành tập sự) chưa được đào tạo nghiệp vụ kiểm sát để tạo nguồn bổ nhiệm mới và bổ nhiệm lại các chức danh tư pháp ngành Kiểm sát nhân dân.
Đào tạo nghiệp vụ điều tra cho 80-90% công chức có trình độ cử nhân luật, công tác tại Cơ quan điều tra VKSND tối cao và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương để tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh Điều tra viên.
Bồi dưỡng hằng năm và đào tạo lại cho ít nhất 80% công chức, viên chức để cập nhật kiến thức mới, kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công vụ.
Đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài về ngoại ngữ và kiến thức tư pháp, nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát giỏi về ngoại ngữ, có chuyên môn sâu về luật quốc tế, có đủ khả năng tham gia giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài.
Bồi dưỡng theo vị trí việc làm nhằm trang bị, cập nhật kiến thức về chuyên môn, ngoại ngữ, tiếng dân tộc, công nghệ thông tin, kỹ năng, phương pháp cần thiết để thực hiện tốt công việc được giao.
Nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của đào tạo, bồi dưỡng
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng trong nước, gồm: Đào tạo trình độ sau đại học cho công chức, viên chức; đào tạo trình độ đại học; bồi dưỡng về lý luận chính trị, gồm cao cấp lý luận chính trị và trung cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng lãnh đạo, quản lý; đào tạo nghiệp vụ tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp; bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh; đào tạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ, công nghệ thông tin và tiếng dân tộc.
Đối với nội dung đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, gồm: Đào tạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ chuyên ngành luật; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tư pháp chuyên sâu ở nước ngoài.
Bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kinh nghiệm quốc tế trong các lĩnh vực hoạt động liên quan đến tổ chức, bộ máy, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhân sự, nghiệp vụ và các lĩnh vực khác cần thiết cho công tác xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát nhân dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Đào tạo sau đại học, ngoại ngữ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước hoặc học bổng của các nước và các tổ chức quốc tế.
Tiếp tục chọn cử Kiểm sát viên có trình độ ngoại ngữ và kinh nghiệm công tác thực tiễn làm chuyên gia thỉnh giảng tại Học viện Tư pháp Hàn Quốc và một số nước trên thế giới.
Ngoài nội dung, Kế hoạch cũng nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp. Cụ thể đó là: Xây dựng, hoàn thiện các quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của đào tạo, bồi dưỡng; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng công chức, viên chức trong việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng.
Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực; chính sách tài chính.
Kế hoạch yêu cầu các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp dưới và Viện kiểm sát quân sự Trung ương căn cứ Kế hoạch này xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị mình phù hợp với tình hình thực tiễn tổ chức, hoạt động của đơn vị; cử Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn, bồi dưỡng cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên ngạch thấp hơn, công chức mới được tuyển dụng hoặc mới được bổ nhiệm chức danh tư pháp để nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ của công chức, viên chức trong Ngành; tiếp nhận, phân công công tác cho các giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Ngành đến công tác thực tế, bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và tạo điều kiện để giảng viên tiếp thu được kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát; báo cáo kết quả về VKSND tối cao theo hướng dẫn của Vụ Tổ chức cán bộ. |