Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự đã có những đóng góp nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách hình sự, góp phần đảm bảo quyền của bị can, bị cáo và người bị kết án phạt tù; đồng thời phục vụ tích cực cho hoạt động điều tra, truy tố xét xử và thi hành án hình sự. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn công tác này còn có những vi phạm, tồn tại.
 
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, tăng cường trách nhiệm, hiệu quả thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu thủ trưởng các đơn vị nghiệp vụ, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp triển khai thực hiện các nội dung đã được xác định.
 
Cụ thể, thủ trưởng các đơn vị nghiệp vụ, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp quán triệt cho Kiểm sát viên, công chức trong đơn vị nhận thức đầy đủ quy định của pháp luật về áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự (các điều 13, 21, 46 và Điều 49), Bộ luật Tố tụng hình sự (các điều 41, 165, 447, 448, 449, 450, 451, 452, 453 và Điều 454), Luật Thi hành án hình sự (các điều 132, 133, 135, 136, 137, 138, 139 và Điều 140) và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy chế, quy định của Ngành.
 
Đồng thời, bảo đảm Kiểm sát viên, công chức nắm chắc các quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh; nhận thức đúng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh ở các giai đoạn tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật, quy định của Ngành.
 
Trong việc quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh ở giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên được phân công thụ lý vụ án phải kiểm sát chặt chẽ việc trưng cầu giám định pháp y tâm thần của CQĐT về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trong đó tập trung kiểm sát việc thu thập tài liệu, nguồn gốc của tài liệu được sử dụng cho hoạt động giám định, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp đưa tài liệu giả, không hợp pháp vào hồ sơ giám định, bảo đảm kết quả giám định pháp y tâm thần chính xác, có căn cứ theo quy định của pháp luật.
 
Khi Viện kiểm sát trưng cầu giám định pháp y tâm thần và ra quyết định bắt buộc chữa bệnh ở giai đoạn truy tố, Kiểm sát viên cần, bảo đảm chặt chẽ trong việc thu thập tài liệu, lập hồ sơ trưng cầu giám định. Chủ động kiểm tra, đối chiếu kết quả giám định pháp y tâm thần với những nội dung đã trưng cầu giám định; trường hợp Kết luận giám định pháp y tâm thần chưa rõ ràng, chưa đầy đủ thì phải báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để xem xét, quyết định việc trưng cầu giám định bổ sung; trường hợp xét thấy kết quả giám định không chính xác, khách quan thì kịp thời quyết định trưng cầu giám định lại bảo đảm quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đúng đối tượng theo quy định. Thực hiện kiểm sát việc áp giải, lập hồ sơ chuyển giao đối tượng bắt buộc chữa bệnh như đã nêu tại mục 2 Chỉ thị này.
 
Đối với hoạt động kiểm sát việc ra quyết định áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh ở giai đoạn xét xử và thi hành án hình sự, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ việc Tòa án áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, bảo đảm đúng quy định tại Điều 451, Điều 452 Bộ luật Tố tụng hình sự và đúng đối tượng áp dụng. Ngay sau khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Viện kiểm sát phải kịp thời có văn bản yêu cầu Tòa án cung cấp những tài liệu làm căn cứ cho việc ra quyết định; trên cơ sở những tài liệu đó, Kiểm sát viên tiến hành kiểm sát về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đảm bảo việc áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh của Tòa án có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Kiểm sát chặt chẽ các nội dung về trưng cầu giám định pháp y tâm thần, về áp giải, lập hồ sơ chuyển giao đối tượng bắt buộc chữa bệnh như đã nêu tại mục 2 Chỉ thị này.
 
Tiến hành kiểm sát định kỳ, tăng cường kiểm sát đột xuất tại cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh khi xét thấy cần thiết, trong đó chú ý kiểm sát về công tác quản lý, điều trị đối tượng bắt buộc chữa bệnh theo quy định của pháp luật và của ngành Y tế; việc chấm dứt (đình chỉ, hủy quyết định) thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, lưu ý đến kiểm sát biên bản giao nhận đối tượng để xác định thời gian thực tế đã điều trị bệnh bắt buộc.
 
Khi quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc kiểm sát việc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, phải lập hồ sơ riêng gồm đầy đủ tài liệu liên quan để bảo đảm việc quản lý, theo dõi, tránh sót lọt. Đồng thời, rà soát để lập hồ sơ riêng đối với các trường hợp trước đây Viện kiểm sát đã quyết định áp dụng hoặc đã kiểm sát việc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh để phục vụ công tác quản lý và kiểm tra xử lý sau này.
 
Cùng với các nội dung trên, Chỉ thị còn đề cập đến trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và kiểm sát thi hành án hình sự VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp.
 
Ngoài ra, Chỉ thị còn nêu rõ, Viện kiểm sát các cấp thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm về những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế của hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Chỉ thị yêu cầu Tạp chí kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật và Cổng thông tin điện tử VKSND tối cao phối hợp với các đơn vị có liên quan để tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến về vị trí, vai trò, kết quả kiểm sát và trách nhiệm của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh. Vụ 8 chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp kết quả về kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong toàn Ngành, phối hợp với Văn phòng, Thanh tra VKSND tối cao giúp Viện trưởng VKSND tối cao đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Chỉ thị này.
P.V