Một số khó khăn, vướng mắc qua 1 năm thực hiện Quy chế
Thứ nhất, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44 Quy chế 111 chưa đầy đủ vì chưa quy định việc ra và gửi quyết định phân công Phó Viện trưởng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án trong trường hợp Phó Viện trưởng được Viện trưởng phân công; chưa dự liệu trường hợp Viện trưởng trực tiếp tiến hành tố tụng đối với vụ án thì không phải ra quyết định phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra vụ án.
Thứ hai, quy định thiếu thống nhất giữa Quy chế 111 và các Thông tư liên tịch của liên ngành Trung ương
- Tại khoản 1 Điều 7 và điểm a khoản 1 Điều 44 Quy chế 111 quy định, trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận được quyết định khởi tố vụ án, Viện kiểm sát phải ra quyết định phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra; nếu thấy quyết định khởi tố vụ án hình sự có căn cứ và hợp pháp thì gửi quyết định phân công Kiểm sát viên cho Cơ quan điều tra.
Khác với quy định nêu trên, điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 04[1] lại theo hướng chỉ khi thấy quyết định khởi tố vụ án có căn cứ và hợp pháp, Viện kiểm sát mới phải ra quyết định phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra vụ án và gửi cho Cơ quan điều tra.
Như vậy, Thông tư liên tịch số 04 và Quy chế 111 quy định không thống nhất về điều kiện ra và gửi quyết định phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra.
- Quy định tại điểm c khoản 1 Điều 44 Quy chế 111 mâu thuẫn với điểm c khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 04 vì đối với quyết định khởi tố vụ án hình sự của Thủ trưởng Cơ quan điều tra, điểm c khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 04 quy định theo hướng Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ, nhưng điểm c khoản 1 Điều 44 Quy chế 111 lại quy định Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra hủy bỏ, nếu Cơ quan điều tra không nhất trí thì Viện kiểm sát mới ra quyết định hủy bỏ quyết định đó.
|
|
Kiểm sát viên VKSND tỉnh Sơn La chụp ảnh đối tượng. Ảnh Trung Hiếu |
- Trong khi Điều 7 Quy chế 111 quy định thời hạn ra quyết định phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là 3 ngày (không phân biệt ngày làm việc hay ngày nghĩ), kể từ ngày nhận được văn bản thông báo về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan có thẩm quyền điều tra, thì tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2017[2] lại quy định thời hạn Viện kiểm sát phải ra quyết định phân công là 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Như vậy, quy định về việc ra quyết định phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có sự khác nhau giữa Quy chế 111 và Thông tư liên tịch số 01/2017, dẫn đến thực hiện thiếu thống nhất, dù Viện kiểm sát nhận được văn bản thông báo về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cùng hay khác thời điểm nhận được quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra.
Thứ ba, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44 Quy chế 111 thì trong thời hạn 3 ngày, kể từ khi nhận được quyết định khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu liên quan, Kiểm sát viên được phân công phải kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định khởi tố vụ án hình sự; nếu thấy chưa rõ căn cứ để khởi tố vụ án thì yêu cầu cơ quan đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự bổ sung tài liệu, chứng cứ để làm rõ.
Theo chúng tôi, quy định Kiểm sát viên có quyền yêu cầu cơ quan đã ra quyết định này bổ sung tài liệu, chứng cứ để làm rõ căn cứ khởi tố vụ án hình sự là chưa hợp lý và không rõ việc yêu cầu thực hiện bằng hình thức nào. Trong thực tiễn, đối với trường hợp này, Kiểm sát viên đều báo cáo, đề xuất lãnh đạo Viện xem xét, ra văn bản yêu cầu cơ quan đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự bổ sung tài liệu, chứng cứ.
Thứ tư, về yêu cầu kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm của Kiểm sát viên
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Quy chế 111 thì việc đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh là để kiểm tra tính xác thực của tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thu thập, củng cố chứng cứ, tài liệu, đồ vật để làm rõ những tình tiết liên quan đến những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự. Quy định này theo chúng tôi là chưa đầy đủ. Thực tiễn cho thấy, Cơ quan điều tra, Điều tra viên thường chú trọng đến nội dung, hay có vi phạm về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ, tài liệu và nếu không kịp thời yêu cầu khắc phục, hoàn thiện thì chứng cứ, tài liệu đó sẽ không có giá trị chứng minh các tình tiết của vụ việc. Vì thế, chúng tôi cho rằng, việc đề ra yêu cầu củng cố, hoàn thiện thủ tục tố tụng cũng rất quan trọng, cần được bổ sung vào khoản 1 Điều 41 Quy chế 111.
Quy chế 111 cũng chưa có hướng dẫn cụ thể tiêu chí xác định khi nào Kiểm sát viên phải yêu cầu kiểm tra, xác minh bằng văn bản; khi nào thì chỉ cần yêu cầu kiểm tra, xác minh bằng lời nói, dẫn đến thực tiễn thực hiện quyền này thiếu thống nhất. Có nguồn tin về tội phạm phức tạp, Kiểm sát viên không yêu cầu kiểm tra, xác minh bằng văn bản, làm cho việc giải quyết kéo dài; trong khi với nguồn tin về tội phạm đơn giản, rõ ràng, Kiểm sát viên lại ban hành văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh.
Thứ năm, tại Điều 49 Quy chế 111 có quy định trong giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên có quyền trực tiếp tiến hành lấy lời khai của người chứng kiến, thế nhưng, việc triệu tập, lấy lời khai người chứng kiến thực hiện thế nào, nếu họ vắng mặt thì xử lý ra sao…Vấn đề này BLTTHS năm 2015, các văn bản có liên quan chưa có quy định và Quy chế cũng chưa có hướng dẫn.
Thứ sáu, Khoản 2 Điều 52 Quy chế 111 quy định “Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai giữa các bị can, bị hại, người làm chứng, đương sự mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn, Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên tiến hành việc đối chất”. Theo quy định này thì trường hợp có mâu thuẫn giữa lời khai của bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, Kiểm sát viên có quyền yêu cầu Điều tra viên tiến hành đối chất. Thế là trái với quy định của khoản 6 Điều 421 BLTTHS năm 2015: “Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để làm sáng tỏ tình tiết của vụ án trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án”.
Thứ bảy, Điều 45 Quy chế 111 có quy định về việc ra văn bản yêu cầu Cơ quan đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định không khởi tố vụ án hình sự bổ sung tài liệu, chứng cứ nhưng hiện nay chưa có biểu mẫu áp dụng nên thực tiễn thực hiện chưa được thống nhất.
|
|
Quang cảnh phiên toà xét xử vụ án “Buôn bán hàng cấm” và “Tàng trữ hàng cấm” do VKSND huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức. (Ảnh minh hoạ) |
Một số đề xuất hoàn thiện Quy chế 111
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 44 Quy chế 111 theo hướng bổ sung quy định phân công Phó Viện trưởng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án trong trường hợp Phó Viện trưởng được Viện trưởng phân công; bổ sung quy định trường hợp Viện trưởng trực tiếp tiến hành tố tụng đối với vụ án thì không phải ra quyết định phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án, thay vào đó chỉ cần gửi văn bản thông báo cho Cơ quan điều tra.
Thứ hai, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy định của Quy chế 111 và các Thông tư liên tịch của liên ngành Trung ương
- Thông tư liên tịch số 04 và Quy chế 111 quy định không thống nhất về điều kiện ra và gửi quyết định phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra. Chúng tôi cho rằng, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 của Thông tư liên tịch số 04 là không cần thiết, không hợp lý khi phải quyết định phân công Kiểm sát viên kiểm sát quyết định khởi tố vụ án, sau đó tiếp tục ra quyết định phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra vụ án nếu thấy quyết định khởi tố vụ án có căn cứ. Quy định của khoản 1 Điều 7 và điểm a khoản 1 Điều 44 Quy chế 111 là hợp lý, sau khi nhận được quyết định khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra, lãnh đạo Viện ra quyết định phân công Kiểm sát viên kiểm sát quyết định khởi tố vụ án, nếu quyết định này có căn cứ thì Kiểm sát viên đã được phân công tiếp tục kiểm sát việc điều tra, truy tố. Vậy nên, chúng tôi đề xuất giữ nguyên quy định của Quy chế 111 và sửa đổi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 04.
- Để phù hợp với điểm c khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 04 và các quy định khác có liên quan, cần sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 44 Quy chế 111 theo hướng đối với quyết định khởi tố vụ án hình sự của Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì lãnh đạo Viện ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình.
- Để khắc phục quy định thiếu thống nhất giữa Điều 7 Quy chế 111 và Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2017 về thời hạn ra quyết định phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; theo chúng tôi, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần sửa đổi quy định tại Điều 7 Quy chế 111 cho phù hợp với Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2017 của liên ngành Trung ương.
Thứ ba, sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 44 Quy chế 111, từ quy định Kiểm sát viên có quyền trực tiếp yêu cầu cơ quan đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự bổ sung tài liệu, chứng cứ bằng quy định nếu Kiểm sát viên thấy chưa rõ căn cứ để khởi tố vụ án thì báo cáo, đề xuất lãnh đạo Viện xem xét, ra văn bản yêu cầu cơ quan đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự bổ sung tài liệu, chứng cứ.
Thứ tư, bổ sung quy định đề ra yêu cầu cũng cố, hoàn thiện thủ tục tố tụng vào khoản 1 Điều 41 Quy chế 111, ngoài quy định đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh để kiểm tra tính xác thực của tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thu thập, củng cố chứng cứ, tài liệu, đồ vật. Đồng thời, bổ sung quy định hướng dẫn trường hợp bắt buộc Kiểm sát viên phải đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh bằng văn bản, theo hướng: Với vụ việc bị tố giác, báo tin về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ việc thì Kiểm sát viên phải yêu cầu kiểm tra, xác minh bằng văn bản.
Thứ năm, cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục triệu tập, lấy lời khai người chứng kiến để có cơ sở thực hiện.
Thứ sáu, bổ sung vào Điều 52 của Quy chế quy định theo hướng nếu có mâu thuẩn giữa lời khai của bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can thì Kiểm sát viên chỉ yêu cầu Điều tra viên tiến hành đối chất hoặc trực tiếp tiến hành đối chất trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án.
Thứ bảy, bổ sung biểu mẫu văn bản yêu cầu Cơ quan đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định không khởi tố vụ án hình sự bổ sung tài liệu, chứng cứ để việc áp dụng được thống nhất.
_________________________________
Chú thích:
[1] Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khởi tố, điều tra và truy tố (Thông tư liên tịch số 04).
[2] Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-NN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Thông tư liên tịch số 01/2017).