Mục đích là nhằm xây dựng Quy chế đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn công tác của VKSND các cấp.

Dự thảo “Quy chế công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết phá sản” do VKSND tối cao (Vụ 10) xây dựng gồm 04 chương, 34 điều. Liên quan đến vị trí công tác, dự thảo nêu rõ: Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết phá sản (công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản) là công tác thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND, nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc theo thủ tục phá sản của Tòa án kịp thời, đúng pháp luật.

Đối tượng của công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản là việc tuân theo pháp luật của Tòa án, người tiến hành thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản khi Tòa án giải quyết vụ việc phá sản.

Về phạm vi công tác, dự thảo Quy chế quy định: Công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản bắt đầu từ khi Tòa án ban hành quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc từ khi Tòa án thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến khi có quyết định giải quyết phá sản của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà không có kiến nghị, kháng nghị, đề nghị xem xét lại theo quy định của Luật phá sản. Đồng thời, Quy chế này được áp dụng trong kiểm sát việc giải quyết phá sản của Tòa án kể cả việc phá sản có yếu tố nước ngoài.

leftcenterrightdel
Phiên họp rút kinh nghiệm giải quyết án hôn nhân và gia đình của VKSND quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh 

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, dự thảo nêu rõ: Khi kiểm sát việc giải quyết phá sản, VKSND có các nhiệm vụ và quyền hạn, đó là:

Thứ nhất, kiểm sát việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (Điều 35).

Thứ hai, kiểm sát việc giải quyết phá sản của TAND, bao gồm: Kiểm sát việc đề nghị xem xét lại, kiến nghị việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (Điều 36); kiểm sát việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (Điều 40); kiểm sát việc mở hoặc không mở thủ tục phá sản (Điều 44); kiểm sát việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 70); kiểm sát Nghị quyết Hội nghị chủ nợ (Điều 84); kiểm sát việc giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ (Điều 85); kiểm sát việc đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản (Điều 86); kiểm sát việc công nhận Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã (Điều 92); kiểm sát việc đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh (Điều 95); kiểm sát việc tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản (Điều 111); kiểm sát việc giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị đối với quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản (Điều 112); kiểm sát việc xử lý tranh chấp tài sản trước khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp hợp tác xã phá sản (Điều 114).

Thứ ba, nghiên cứu hồ sơ vụ việc

Thứ tư, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị theo quy định của Luật phá sản.

Thứ năm, thực hiện quyền kháng nghị đối với quyết định mở thủ tục phá sản; quyết định không mở thủ tục phá sản; quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

Thứ sáu, tham gia phiên họp giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản và quyết định tuyên bố phá sản; Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán hoặc Tổ thẩm phán, thư ký phiên họp; phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết theo thủ tục phá sản.

Thứ bảy, kiến nghị Chánh án TAND tối cao theo thủ tục đặc biệt.

Thứ tám, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản theo quy định pháp luật.

Liên quan đến nội dung kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm, dự thảo Quy chế nêu rõ, khi kiểm sát việc giải quyết phá sản của Tòa án, nếu phát hiện vi phạm pháp luật của Tòa án thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị khắc phục vi phạm và phòng ngừa vi phạm theo quy định tại Điều 5 Luật tổ chức VKSND và Điều 21 Luật phá sản

Ngoài các nội dung trên, dự thảo Quy chế còn đề cập đến các nội dung khác để xin ý kiến như: Việc phân công, thay đổi Kiểm sát viên tham gia phiên họp; xử lý việc khiếu nại, tố cáo; kiểm sát quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; kiểm sát việc giải quyết đơn đề nghị xem xét lại, kiến nghị về việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; kiểm sát việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; kiểm sát quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản; lập hồ sơ kiểm sát; kiểm sát tại phiên họp; kiểm sát việc giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị đối với quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo thủ tục đặc biệt; quan hệ công tác, chế độ quản lý, kiểm tra và báo cáo; hiệu lực và trách nhiệm thi hành...

Theo công văn số 1903/VKSTC-V10 ngày 9/5/2019 của VKSND tối cao, để việc xây dựng Quy chế đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn công tác của VKSND các cấp, đề nghị các đơn vị nghiên cứu, tham gia góp ý kiến đối với dự thảo Quyết định, Quy chế gửi về VKSND tối cao (Vụ 10) trước ngày 15/6/2019 để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao.

 

P.V