Về vị trí pháp lý, Quy chế nêu rõ, CQĐT được tổ chức tại Viện kiểm sát quân sự trung ương và thuộc hệ thống CQĐT của VKSND tối cao. CQĐT có con dấu riêng; nơi làm việc, phương tiện, kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước bảo đảm.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐT, Quy chế quy định: CQĐT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 20, Điều 21 Luật Tổ chức VKSND; khoản 3 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 8, Điều 31 Luật Tổ chức CQĐT hình sự; khoản 8 Điều 1 Quyết định số 64/QĐ-VKSTC-V15 ngày 25/9/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc quy định cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ công tác của đơn vị thuộc bộ máy làm việc của Viện kiểm sát quân sự các cấp.

CQĐT tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương quản lý tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của CQĐT; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện Quy chế thu thập, tiếp nhận, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của CQĐT Viện kiểm sát quân sự trung ương (ban hành kèm theo Quyết định số 559/QĐ-VKSTC ngày 29/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao).

Xây dựng kế hoạch, chương trình công tác; thống kê, đánh giá, dự báo nguyên nhân, điều kiện nảy sinh vi phạm và tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết để tham mưu, đề xuất với Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương các biện pháp phòng, chống vi phạm và tội phạm, tăng cường thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Phối hợp với cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong phòng ngừa, đấu tranh các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền.

Tổng hợp báo cáo số liệu thống kê theo quy định; tham gia tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra; đề xuất chủ trương, biện pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của CQĐT.

Quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ của CQĐT theo quy định của pháp luật; sơ kết, tổng kết thực tiễn, tham gia nghiên cứu xây dựng pháp luật, đề tài khoa học, đề án, các chuyên đề nghiệp vụ. Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.

leftcenterrightdel
 

CQĐT làm việc theo nguyên tắc, đó là: Mọi hoạt động của CQĐT phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quy định, quy chế của Bộ Quốc phòng và VKSND tối cao. Thủ trưởng CQĐT chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương trong quản lý, chỉ đạo, điều hành về hoạt động của CQĐT.

Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra thuộc thẩm quyền của CQĐT chịu sự kiểm sát của Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Đảm bảo tuân thủ trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết công việc theo đúng quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch, lịch làm việc, trừ trường hợp đột xuất hoặc có yêu cầu khác của Lãnh đạo Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Tăng cường sự phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, minh bạch trong mọi hoạt động của CQĐT.

Trong quan hệ với các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện, Quy chế nêu rõ: Quan hệ giữa CQĐT với các đơn vị thuộc VKSND dân tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện là quan hệ phối hợp hiệp đồng trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật.

Trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố giữa CQĐT và các đơn vị thuộc ngành KSND thực hiện theo Quy chế số 559 và Quy chế tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của CQĐT VKSND tối cao (ban hành kèm theo Quyết định số 565 ngày 29/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao).

Quy chế tổ chức và hoạt động của CQĐT Viện kiểm sát quân sự trung ương gồm 5 chương, 44 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng, Ban điều tra, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Chánh văn phòng, Trưởng Ban điều tra, Điều tra viên và Cán bộ điều tra; các loại kế hoạch công tác; trình tự giải quyết công việc của lãnh đạo CQĐT; tổ chức các hội nghị, cuộc họp; việc ban hành các văn bản; kiểm tra; đi công tác, học tập; công tác tổ chức cán bộ; báo cáo, chấp hành nghiệp vụ, bảo mật, quản lý hồ sơ, công văn, tài liệu, sử dụng Giấy chứng nhận Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên và Cán bộ điều tra; quan hệ công tác…

 

P.V