Liên quan đến dự thảo Quy chế tuyển dụng công chức VKSND, dự thảo nêu rõ các nguyên tắc tuyển dụng công chức đó là: Công khai, minh bạch, khách quan, đúng pháp luật và phù hợp với đặc thù của Ngành.
Việc tổ chức thi tuyển, xét tuyển phải được giám sát chặt chẽ; bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng để tuyển chọn công chức có chất lượng; tuyển chọn người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
Ưu tiên tuyển chọn người có tài năng, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện chính sách theo quy định của pháp luật và của Viện trưởng VKSND tối cao.
|
|
nguyên tắc tuyển dụng công chức đó là: Công khai, minh bạch, khách quan, đúng pháp luật và phù hợp với đặc thù của Ngành. Ảnh minh hoạ. |
Về tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển, dự thảo Quy chế quy định: Người đăng ký dự tuyển công chức, ngoài những điều kiện quy định tại Luật cán bộ, công chức, còn phải bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện tại thời điểm đăng ký.
Cụ thể, về chính trị hiện tại, lịch sử chính trị của bản thân và gia đình: Không vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ của VKSND tối cao.
Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Có trình độ đại học trở lên đúng chuyên ngành cần tuyển.
Trường hợp vị trí cần tuyển không yêu cầu trình độ đại học hoặc ở địa bàn, vị trí việc làm chuyên ngành khác có khó khăn về nguồn tuyển dụng thì đơn vị tuyển dụng báo cáo VKSND tối cao xem xét, quyết định.
Về sức khỏe: Có đủ sức khỏe để công tác theo kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền; không bị dị hình, dị tật, khuyết tật; nam cao từ 1,60m, nặng từ 50kg trở lên; nữ cao từ 1,55m, nặng từ 45kg trở lên.
Không áp dụng quy định về chiều cao, cân nặng đối với người được tuyển dụng công chức chuyên môn nghiệp vụ khác.
Về tuổi: Không quá 35 tuổi đối với nam và không quá 30 tuổi đối với nữ.
Đối với những trường hợp tuyển dụng theo khoản 3 Điều 21 Quy chế này hoặc trường hợp cán bộ, công chức từ ngành khác chuyển đến ngành Kiểm sát nhân dân thì độ tuổi không quá 50 tuổi đối với nam và không quá 45 tuổi đối với nữ và phải đảm bảo đến khi đủ tuổi nghỉ hưu phải có đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định hiện hành của pháp luật.
Trong trường hợp đặc biệt, Hội đồng tuyển dụng công chức có thể quy định thêm tiêu chuẩn, điều kiện nhưng phải được VKSND tối cao đồng ý bằng văn bản trước khi thực hiện.
Đối với dự thảo Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, cách chức đối với công chức trong ngành KSND, dự thảo đã đề cập đến các nguyên tắc cụ thể.
Theo đó, Ban cán sự đảng VKSND tối cao lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân. Ban cán sự đảng VKSND cấp tỉnh hoặc lãnh đạo, cấp ủy cơ quan, đơn vị trực tiếp lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ theo quy định.
Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên Ban cán sự đảng, nhất là của người đứng đầu; việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, cách chức đối với công chức phải theo đúng quy định của pháp luật. Công khai minh bạch, khách quan, công bằng.
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và điều kiện, tiêu chuẩn của công chức; bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ công chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Về trách nhiệm và thẩm quyền, theo dự thảo Quy chế: Viện trưởng VKSND tối cao quyết định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, thôi giữ chức vụ, biệt phái, từ chức, cách chức, miễn nhiệm đối với công chức giữ chức vụ, chức danh trong ngành Kiểm sát nhân dân, trừ chức danh Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm tra viên ở VKSND cấp dưới.
Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao có trách nhiệm thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý công chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao đề nghị Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND tối cao tuyển chọn, xem xét việc miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên VKSND tối cao.
Ủy ban kiểm sát VKSND các cấp có trách nhiệm tuyển chọn người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, xem xét người thuộc trường hợp miễn nhiệm, cách chức chức danh Kiểm tra viên các ngạch; cử người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp; đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm lại, không bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên các ngạch theo quy định.
Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND tối cao tuyển chọn, xem xét để Viện trưởng VKSND tối cao trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên VKSND tối cao.
Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp tổ chức các kỳ thi thông báo danh sách những người trúng tuyển và đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm người đã trúng tuyển kỳ thi làm Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp.
Hội đồng thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp tổ chức các kỳ thi thông báo danh sách những người đã trúng tuyển kỳ thi và đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp.
Hội đồng thi tuyển Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp tổ chức các kỳ thi, thông báo danh sách những người trúng tuyển và đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp.
Cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ có trách nhiệm giúp Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND và Ủy ban kiểm sát cùng cấp đề xuất nhân sự, nhận xét, đánh giá, thẩm định, xây dựng hồ sơ và thực hiện các nhiệm vụ về công tác tổ chức cán bộ.
Về thời hạn giữ chức vụ, chức danh, dự thảo Quy chế quy định: Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm. Thời hạn giữ chức danh Kiểm sát viên, Điều tra viên khi được bổ nhiệm lần đầu là 5 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm hoặc cho đến khi nghỉ hưu nếu thời hạn còn lại không đủ 10 năm.
Công chức khi hết thời hạn giữ chức vụ, chức danh thì phải được xem xét để thực hiện quy trình bổ nhiệm lại.
Trường hợp thay đổi tên chức vụ do thay đổi tên cơ quan, đơn vị, hoặc được điều động đến đơn vị mới giữ chức vụ ngang nhau thì thời hạn để bổ nhiệm lại tính từ ngày quyết định bổ nhiệm chức vụ cũ có hiệu lực.
Công chức được giao nhiệm vụ “quyền” hoặc “phụ trách” đơn vị được hưởng phụ cấp chức vụ của cấp trưởng. Thời gian đảm nhiệm “quyền” hoặc “phụ trách” không được tính vào thời hạn giữ chức vụ cấp trưởng.
VKSND tối cao đề nghị, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày đăng dự thảo trên Cổng thông tin điện tử của VKSND tối cao, các đơn vị nghiên cứu, góp ý đối với dự thảo 2 Quy chế và có văn bản gửi về VKSND tối cao (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để tổng hợp, hoàn chỉnh trình Viện trưởng VKSND tối cao xem xét, quyết định ban hành. VKSND tối cao lưu ý, đối với dự thảo Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đề nghị các đơn vị nghiên cứu kỹ cho ý kiến cụ thể (tại bước 2) về việc giới thiệu nhân sự để thực hiện quy trình bổ nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng cấp Vụ và tương đương; VKSND cấp cao; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng VKSND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện. Cụ thể, phương án 1: Nhân sự đã quy hoạch theo nhóm chức danh hoặc theo khối khi thực hiện quy trình bổ nhiệm thì nhân sự đưa ra hội nghị lấy phiếu cũng theo nhóm chức danh hoặc khối đã quy hoạch. Phương án 2: Ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo đơn vị nhận xét, đánh giá nhân sự nổi trội trong số quy hoạch để lựa chọn (có số dư) giới thiệu ra hội nghị để lấy phiếu tín nhiệm và chịu trách nhiệm về nhận xét, đánh giá nhân sự theo quy định.
|