Trong mấy tháng vừa qua, cộng đồng mạng tràn ngập các buổi livestream của bà NPH tố cáo một số nghệ sỹ, nhà báo… về lối sống cá nhân, ăn chặn, không minh bạch trong việc làm từ thiện. Cùng với việc livestream của bà H. là những cuộc livestream của những người bị bà H.nêu tên, rồi của những người ủng hộ và không ủng hộ bà H., ủng hộ và không ủng hộ những người bị bà H. nêu tên…

Phải khẳng định rằng minh bạch là điều không thể thiếu của một xã hội văn minh, đặc biệt là minh bạch trong việc làm từ thiện. Xuất phát từ tấm long từ bi, “thương người như thể thương thân”; “lá lành đùm lá rách”, nhưng vì nhiều lý do mà những người có tấm long từ thiện đó chưa thể trực tiếp đem đến cho những người cần hỗ trợ nên họ đã gửi gắm tiền của mình cho những người có điều kiện quyên góp, có điều kiện đi trao. Vậy nên bất luận vì lý do gì, nếu những đồng tiền thiện nguyện đó không đến được tay người cần nó thì đều không thể chấp nhận được.

leftcenterrightdel
 Nhiều người livestream sử dụng ngôn ngữ phản cảm, tục tĩu để xuyên tạc, chửi rủa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân đã bị xử lý. Ảnh minh hoạ.
Nhưng liệu cái việc lên mạng xã hội livestream sử dụng ngôn ngữ phản cảm, tục tĩu để xuyên tạc, chửi rủa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân, chỉ trích và cáo buộc nhiều người lừa đảo, ăn chặn tiền, rồi công khai các thông tin bí mật đời tư, chuyện tình cảm, cuộc sống riêng và cả số tiền trong tài khoản ngân hàng của các cá nhân khi chỉ căn cứ vào "giấc mơ" của chính mình mà không hề có bất cứ một bằng chứng nào để chứng minh điều mình nói là đúng. Kể cả khi đã có bằng chứng nhưng chưa được các cơ quan chức năng công nhận thì những hành động đó đã đúng với quy định của pháp luật và quy tắc ứng xử trên mạng xã hội hay chưa?
Trong một diễn biến khác, hôm qua 22/9/2021, trả lời một cơ quan báo chí, đại diện Bộ Công an cho biết đã tiếp nhận đơn tố cáo và điều tra các thông tin liên quan đến vấn đề tiền từ thiện, việc huy động từ thiện của các cá nhân khiến dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua. Cùng ngày, Công an TP.HCM cũng xác nhận cơ quan này đã nhận được một số đơn của các nghệ sĩ tố cáo bà NPH có hành vi vu khống, bôi nhọ họ trong các buổi livestream trên mạng xã hội.

Xây dựng pháp luật là yêu cầu tất yếu của một Nhà nước, “Quốc có quốc pháp, gia có gia phong”. Việc chấp hành pháp luật là ý thức trách nhiệm của mọi công dân, không có bất kỳ ai có quyền đứng trên pháp luật cả. Chính vì thế việc thượng tôn pháp luật có vị trí, vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến anh ninh trật tự và an toàn xã hội. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập, thời đại 4.0 thì mọi người lại càng phải chấp hành pháp luật không chỉ là yêu cầu mà còn là trách nhiệm. Tinh thần thượng tôn pháp luật thể hiện thước đo trình độ phản ánh ý thức chính trị và tầm văn hóa, văn minh của công dân và toàn xã hội.

Điều này rất dễ nhận thấy ở các nước phát triển, khi không may ra đường, lỡ va chạm xe cộ hay gặp một sự cố nào đó, điều đầu tiên là họ gọi cho cơ quan cảnh sát, đơn vị bảo hiểm… rất ít khi thấy xẩy ra xung đột, cãi vã và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhau.

Trở lại việc bà NPH và “hội chứng sao kê” thời gian qua, rất nhiều người đặt câu hỏi là: Tại sao bà NPH không làm đơn và cung cấp chứng cứ đến các cơ quan bảo vệ pháp luật để họ vào cuộc điều tra theo chức năng, nhiệm vụ mà Nhà nước và Nhân dân giao cho họ. Nếu bà H. làm được điều đó thì tin rằng mọi trắng đen đã được rõ ràng từ lâu.

Và những người bị bà H. nêu tên cũng thế, tại sao cho đến thời điểm này mới chỉ có ca sỹ Vy Oanh; nhà báo, luật sư Đặng Thị Hàn Ny, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng (tên thật là Huỳnh Minh Hưng) cho biết đã gửi đơn tố cáo bà NPH về hành vi vu khống và làm nhục người khác đến các cơ quan chức năng. Và phải chăng chỉ có ca sỹ Vi Oanh; ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng và nhà báo, luật sư Đặng Thị Hàn Ny là trong sạch? Là cảm thấy bị xúc phạm? Là biết thượng tôn pháp luật?. 

leftcenterrightdel
 Đàm Vĩnh Hưng gửi đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng vu khống anh ăn chặn tiền từ thiện. Ảnh fanpage Đàm Vĩnh Hưng.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Việc các cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn trong thiên tai, địch hoạ là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện. Tuy nhiên từ “lùm xùm” của nghệ sĩ Hoài Linh cùng những thông tin về tính minh bạch trên mạng về số tiền hàng trăm tỉ đồng được tiếp nhận từ hàng chục ngàn người qua tài khoản cá nhân các nghệ sĩ nổi tiếng đang làm dư luận bức xúc.

Thiết nghĩ đã đến lúc cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc xác minh, điều tra. Nếu có dấu hiệu trục lợi cần xử lý ngay để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, răn đe những kẻ mạo danh từ thiện để trục lợi; đồng thời kết luận trả lại công bằng, uy tín cho các nghệ sĩ nếu họ thực sự bị oan, tránh những dư luận trái chiều tiêu cực khiến những người làm từ thiện chân chính nản lòng.

Việc đúng sai, có tội hay không có tội vẫn phải chờ ở kết qủa điều tra, kết luận của cơ quan chức năng, nhưng “Sống, làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật” là thể hiện tầm văn hóa của mỗi công dân và cả cộng đồng. Xã hội càng văn minh thì tuâm thủ theo hiến pháp và pháp luật lại càng phải được coi trọng.

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng