Là đơn vị được giao chủ trì xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, VKSND tối cao đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan tiến hành tổng kết toàn diện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) liên quan đến nội dung sửa đổi lần này, đồng thời, báo cáo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa Dự án Luật vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2021.
Theo đó, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS lần này đã đáp ứng 2 yêu cầu: Thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là CPTPP) và việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy, nội dung sửa đổi chỉ tập trung vào 2 nội dung này.
|
|
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. |
Ngày 12/11/2021, với 466/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS đã được thông qua với tỉ lệ nhất trí cao.
Sau khi được Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS, VKSND tối cao đã tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng và ký kết 2 thông tư liên tịch đó là: Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-VKSTC-BCA-BQP-BNN&PTNT ngày 29/11/2021 quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh theo điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 và điểm d khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSTC ngày 29/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Tiếp đó, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS. Tại buổi họp báo đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao giới thiệu Luật số 2/2021/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS.
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS gồm 2 điều. Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS. Trong đó, Điều 1 quy định 3 nội dung lớn như sau:
Tại khoản 1, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, đồn Công an).
Tại các khoản 2, 5 và 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án; sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 229 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc điều tra nhưng đã hết thời hạn điều tra; sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 247 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án hình sự vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.
Bên cạnh đó, tại khoản 3 và khoản 4 Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự để cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại. Luật sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 157 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, Luật sửa đổi theo hướng thực hiện cơ chế này đối với cả chỉ dẫn địa lý, để bảo đảm tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý tương tự như đối với nhãn hiệu, bảo đảm công bằng, thống nhất trong áp dụng chính sách hình sự và kỹ thuật lập pháp; phù hợp với xu thế tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, nhất là trong bối cảnh ngày càng hội nhập toàn diện vào nền kinh tế thế giới như hiện nay.
Điều 2 bao gồm 2 nội dung lớn như sau:
Khoản 1 sửa đổi, bổ sung Điều 44 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã nêu tại khoản 1 Điều 1 của Luật, bảo đảm đúng theo quy định tại Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Khoản 2 Điều 2 quy định về thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2021.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao VKSND tối cao (cơ quan chủ trì soạn thảo) và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra) trong việc chuẩn bị Tờ trình, Hồ sơ dự án Luật và Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét; đồng thời, cơ bản thống nhất với nội dung trong các báo cáo.
|