Hướng tập trung chú ý vào án kinh tế
Trước tình hình công tác kiểm sát thi hành án còn nhiều hạn chế, thiếu sót, VKSND tối cao đã cùng với TAND tối cao và Bộ Nội vụ họp bàn xem xét nguyên nhân và tìm biện pháp giải quyết.
Năm 1978, VKSND tối cao xác định: Xây dựng công tác kiểm sát chấp hành án thành một khâu công tác nghiệp vụ chuyên như các khâu khác, nhằm tạo ra một cơ chế hoàn chỉnh, cân đối về mặt tổ chức để đảm bảo thực hiện chức năng và hoạt động đồng bộ của Ngành.
Vụ Kiểm sát chấp hành án ở VKSND tối cao ngày càng được kiện toàn. Ở các cấp thành, tỉnh, huyện, công tác kiểm sát chấp hành án đã bắt đầu được chú ý đến, hoạt động kiểm sát chấp hành án đã bước đầu đạt kết quả nhất định. Một số Viện Kiểm sát địa phương đã chú trọng thúc đẩy việc thi hành án có kết quả tốt như: VKSND tỉnh Nghệ Tĩnh, trong sáu tháng đầu năm 1979, đã nắm được 100% số án chưa thi hành và cùng với Toà án, Công an thi hành xong các án phạt giam.
Năm 1979, công tác kiểm sát chấp hành án hoàn thành việc đúc kết kinh nghiệm để chỉ đạo chung, bước đầu kiểm sát việc thi hành các bản án và quyết định về bồi thường thiệt hại về tranh chấp tài sản hoặc trợ cấp sau ly hôn được quan tâm. Một số Viện kiểm sát địa phương phối hợp với Toà án để nắm được một số án có hiệu lực mà chưa thi hành, để phân biệt và giải quyết. VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn kiểm sát chấp hành án các tỉnh, thành phía Bắc (ngày 24/8/1979) nhằm bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về công tác kiểm sát chấp hành án, trao đổi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả chất lượng công tác này.
Trong các năm 1980-1981, công tác kiểm sát thi hành án đã đạt nhiều tiến bộ hơn so với các năm trước. Đáng chú ý là VKSND các địa phương đã cùng các ngành Công an, Toà án hướng dẫn chính quyền, đoàn thể nhân dân 2.588 xã, phường và tương đương về việc quản lý, giáo dục các đối tượng cải tạo tại chỗ, tù hình sự được tha về. Nhiều VKSND kiểm sát việc xét duyệt đưa đi cải tạo số phần tử nguy hiểm cho xã hội. Qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát các cấp có một số kiến nghị với ngành Công an về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong việc chấp hành chế độ, tiêu chuẩn đối với người thi hành án phạt tù.
Trong những năm 1982-1986 tình hình chấp hành các loại án bị trì trệ ở nhiều nơi và kéo dài. Năm 1982, án hình sự chỉ mới chấp hành được 59%, án dân sự 57%; số án có hiệu lực pháp luật còn tồn đọng từ lâu vẫn chưa có biện pháp tích cực để giải quyết. Năm 1983, vẫn còn nhiều người bị án tù giam đã có hiệu lực pháp luật vẫn chưa được chấp hành. Nhiều khoản phạt tiền, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt cũng chưa được thu nộp; việc cưỡng chế thi hành án có những trường hợp chưa đảm bảo đúng pháp luật.
Trước tình hình phức tạp của thi hành án, VKSND tối cao chỉ đạo phải tăng cường công tác kiểm sát thi hành án, hướng tập trung chú ý vào án kinh tế, góp phần thu hồi hàng trăm triệu đồng và các vật tư, hàng hoá về cho công quỹ Nhà nước. Chủ động phối hợp với các ngành, các tổ chức xã hội mở hội nghị pháp chế bàn biện pháp phòng ngừa. VKSND tối cao phối hợp với TAND tối cao tổ chức các đoàn kiểm tra, giải quyết án đọng tại các tỉnh, thành phố, đạt kết quả tốt.
Công tác kiểm sát chấp hành án dân sự đã được tăng cường hơn, nhiều địa phương có chuyển biến tốt. So với năm 1982, năm 1983 hoạt động chấp hành án dân sự có hiệu quả hơn, đã kiến nghị xử lý hành chính 44 vụ, hình sự 28 vụ; kháng nghị 23 vụ, khởi tố dân sự 62 vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Năm 1984, Viện kiểm sát các cấp tiến hành kiểm sát và phát hiện nhiều vụ việc có vi phạm và kịp thời yêu cầu sửa chữa, khởi tố, kháng nghị và có đề nghị truy cứu trách nhiệm hành chính, hình sự đối với những vi phạm thường xảy ra như: Xâm tiêu tiền thi hành án hoặc dùng tiền thi hành án để liên hoan hoặc cho vay vô nguyên tắc, tham ô, sử dụng tiền thi hành án làm việc riêng; thi hành án trái với nội dung bản án đã tuyên, không thực hiện chế độ tài chính, gây thiệt hại đến quyền lợi của đương sự, có nơi, có lúc có việc khá nghiêm trọng.
VKSND tối cao tổng hợp các dạng vi phạm pháp luật trong việc thi hành án và kiến nghị với TAND tối cao và Bộ Tư pháp chỉ đạo việc khắc phục, đồng thời, có văn bản hướng dẫn Viện kiểm sát các cấp thực hiện công tác chấp hành án, định kỳ ra thông báo rút kinh nghiệm trong Ngành về công tác này, góp phần làm cho cơ quan hữu quan chú trọng công tác chấp hành án hơn trước.
Thông qua công tác kiểm sát thi hành án, Viện kiểm sát các cấp đã ban hành hàng trăm văn bản kiến nghị việc chấp hành án, văn bản thông báo kết quả chấp hành án và kiến nghị xử lý hành chính những trường hợp có sự sai phạm trong chấp hành án; khởi tố vụ án dân sự, hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Tuy nhiên, tình hình chấp hành án vẫn còn một số tồn tại, phần lớn án tử hình đã có hiệu lực nhưng đến khi thi hành còn để kéo dài. Nhiều khoản tiền bồi thường, tiền phạt và tài sản tuyên tịch thu nhưng không được thu giữ, xử lý. Một số lớn tài sản, tiền bạc thu hồi được bị thất thoát nghiêm trọng. Việc cưỡng chế thi hành án có những trường hợp chưa bảo đảm đúng pháp luật.
|
|
Viện kiểm sát kiểm sát trực tiếp tại Cơ quan Thi hành án hình sự. (Ảnh minh hoạ) |
Tình hình này là do sự thoái hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ thi hành án. Sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp chưa được chú ý đúng mức, phương thức hoạt động còn lúng túng, việc xâm tiêu tiền thi hành án nhiều, nhưng việc phát hiện xử lý còn ở mức độ, nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành, nhất là án tranh chấp nhà, án đóng góp phí tổn nuôi con và bồi thường công sức; sự tác động của kiểm sát còn hạn chế, số án thi hành mới đạt 14%-15% về dân sự, 18%-19% về hôn nhân và gia đình.
Khắc phục tình hình buông lỏng công tác kiểm sát chấp hành án
Để tăng cường công tác kiểm sát thi hành án, ngày 23/5/1985, Viện trưởng VKSND tối cao ra Chỉ thị số 09/VKSTC, trong đó chỉ rõ: Cần khẩn trương khắc phục tình hình buông lỏng công tác kiểm sát chấp hành án, nhất là ở cấp tỉnh, thành, đặc khu; nơi nào chưa có cán bộ chuyên trách phải kịp thời bố trí, chấn chỉnh hệ thống sổ sách, ghi chép.
Bước sang năm 1986, công tác chấp hành án tuy có được chú trọng hơn nhưng vẫn còn một số tồn tại như: Việc bắt người bị kết án phạt tù đi thụ hình vẫn còn chậm, tang vật, tiền bạc thuộc án có hiệu lực còn tồn đọng rất lớn ở nhiều nơi, cách thức quản lý, giải quyết còn tùy tiện. Nguyên nhân là do công tác kiểm sát chấp hành án làm chưa chặt chẽ và chưa thường xuyên, quan hệ giữa Toà án và Công an thiếu chặt chẽ.
Cùng với đó, trước tình hình quá tải về trại giam, công tác quản lý, giáo dục phạm nhân không đáp ứng yêu cầu, ngày 24/12/1976, Viện trưởng VKSND tối cao ra Chỉ thị số 02/1976 về công tác kiểm sát giam, giữ, cải tạo, trong đó nêu rõ: Phải tăng cường công tác kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong các trại giam và trại cải tạo, phối hợp với ngành Công an có kế hoạch giải quyết kịp thời tình trạng ứ đọng trong các trại giam, nhất là phía Nam.
Thực hiện Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao, Viện kiểm sát các cấp đi vào kiểm tra trại giam, chỉ đạo uốn nắn công tác bắt giam có kết quả. Viện kiểm sát thường xuyên kiểm tra hoạt động giam, giữ, hạn chế tạm giam quá hạn, cùng cơ quan Công an tìm nguyên nhân, điều kiện và trách nhiệm của các cơ quan trong việc bắt, giữ, tạm giam trái pháp luật, xây dựng hoặc bổ sung quy chế của nhà tạm giữ, trại tạm giam, ngăn ngừa vi phạm; kiến nghị cải tiến chế độ quản lý và sinh hoạt trong trại tạm giam; việc xét đặc xá được tiến hành đúng tiêu chuẩn, thủ tục, đã xét tha và giảm thời hạn chấp hành án cho hàng nghìn người cải tạo tốt.
Từ năm 1977, công tác kiểm sát việc tạm giữ từng bước được chấn chỉnh. Viện kiểm sát tiến hành phân loại xử lý vụ việc ngay từ khi nhận được quyết định tạm giữ, ngăn chặn kịp thời và hạn chế những sai trái trong tạm giữ của ngành Công an. Có 133 huyện, thị xã ở 15 tỉnh, thành phố thực hiện kiểm sát tạm giữ hàng ngày và phân loại xử lý vụ việc. Có 106 huyện, thị xã phối hợp với ngành Công an và Toà án bồi dưỡng cho 559 đơn vị chính quyền xã, tiểu khu và Đồn Công an biết phân loại, xử lý vụ việc xảy ra ở cơ sở và đã có nhiều kết quả, một số nơi đúc rút kinh nghiệm để chỉ đạo thực hiện. Nhờ đó, các vi phạm nhỏ xảy ra ở cơ sở được giải quyết kịp thời, tình hình trật tự xã hội dần dần được ổn định.
Năm 1978, có tới 89% số người bị tạm giữ được xem xét và tha 50%, chuyển sang tạm giam 24%, hầu hết là ở các tỉnh phía Nam. Kết quả thực tế của các địa phương cho thấy, việc thực hiện công tác kiểm sát tạm giữ được phân loại hàng ngày, giải quyết kịp thời những trường hợp không cần tạm giữ, hạn chế được việc tạm giữ tràn lan, kéo dài và đây được coi là một trong những biện pháp công tác kiểm sát tiến hành có kết quả.
(Còn tiếp)
Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).