Những trường hợp cần thiết phải kháng nghị giám đốc thẩm

Từ năm 1981 đến năm 1986, công tác kiểm sát xét xử hình sự đã chú ý thực hành quyền công tố, phối hợp chặt chẽ cùng Toà án xét xử nhiều vụ án, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đã xử nhanh nhiều vụ, đáp ứng kịp thời phục vụ yêu cầu chính trị của địa phương. Tuy số lượng án tử hình, giám đốc thẩm, án thỉnh thị tăng lên nhưng VKSND tối cao giải quyết nhanh, có chất lượng. Việc mở rộng thẩm quyền cấp huyện được đẩy mạnh, năm 1982, có hơn 40% số quận, huyện thực hiện thẩm quyền mới về xét xử, có tác dụng giảm bớt khối lượng án thuộc thẩm quyền xét xử của cấp tỉnh, thành trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho cấp tỉnh tập trung giải quyết trọng án và tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn quản lý án đối với cấp huyện, có tác dụng thiết thực phục vụ kịp thời yêu cầu chính trị.

Để tăng cường công tác kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, ngày 10/6/1982, VKSND tối cao ban hành văn bản hướng dẫn số 69/KSXX-HS về công tác kiểm sát xét xử hình sự theo thủ tục giám đốc thẩm để hướng dẫn về trình tự, biện pháp và thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Văn bản quy định: Trình tự tiến hành công tác kiểm sát xét xử hình sự theo thủ tục giám đốc thẩm như việc kiểm tra hồ sơ và bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm được tiến hành sau khi VKSND cấp tỉnh nhận được những nguồn phát hiện là bản án đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Về phần kháng nghị, bản hướng dẫn nêu rõ những trường hợp cần thiết phải kháng nghị, bao gồm: Nội dung xét xử không chính xác; oan; lọt người, lọt tội (căn cứ theo hồ sơ vụ án, còn nếu phát hiện vụ án có những tình tiết mới là thuộc phạm vi xét xử theo thủ tục tái thẩm); đánh giá tính chất, mức độ tội phạm không đúng dẫn đến quyết định xử lý quá chênh lệch, quá nặng hoặc quá nhẹ; vận dụng pháp luật không đúng, dẫn đến sai lầm về xác định tội danh và về mức độ hình phạt (kể cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung); vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc vi phạm thường nhưng dẫn đến xét xử sai về nội dung. Cần chú ý, trường hợp xử quá nặng hoặc oan thì mặc dù người bị án đã chết cũng vẫn phải kháng nghị.

Từ năm 1980 đến năm 1982, VKSND tối cao đạt được nhiều thành tích trong công tác kiểm sát xét xử hình sự. Qua nghiên cứu, xác minh chứng cứ hồ sơ nhiều vụ án, phối hợp chặt chẽ cùng Toà án xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, như: Vụ án ở Xa cảng miền Tây tại TP Hồ Chí Minh năm 1980, từ mức án xử tử hình Giám đốc và Phó Giám đốc Xa cảng giảm xuống 20 năm tù; vụ án Lê Văn Tước giết người cướp của ở Kiên Giang (1980-1982), bị kết án tử hình, qua xác minh chứng cứ, đã kết luận Lê Văn Tước bị oan...

Kiểm sát viên tham dự tới 97% số phiên toà sơ thẩm

 Năm 1984, công tác kiểm sát xét xử hình sự của VKSND các cấp được chấn chỉnh một bước trong việc quản lý tội phạm, quản lý án; cải tiến mối quan hệ với cơ quan xét xử; gắn các khâu công tác nghiệp vụ trong khối hình sự với nhau; quan tâm bồi dưỡng, tăng cường việc kiểm tra công tác làm án, rút kinh nghiệm từng chuyên đề (làm Cáo trạng, luận tội) nên ở nhiều Viện kiểm sát đã khắc phục được một số sai sót, nâng khối lượng, chất lượng, tốc độ và tỉ lệ giải quyết án khá hơn năm trước, hạn chế được một phần oan sai, lọt tội và án quá hạn. Kiểm sát viên tham dự tới 97% số phiên toà sơ thẩm.

leftcenterrightdel
 TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử công khai 2 bị cáo Đỗ Trung Hiếu và Trần Ngọc Nghiêm, can tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", tháng 11/1995. (Ảnh: Tư liệu- TTXVN)

Ngày 23/5/1985, Viện trưởng VKSND tối cao ra Chỉ thị số 09/VKSTC về công tác kiểm sát xét xử và kiểm sát chấp hành án hình sự, trong đó nhấn mạnh: Công tác kiểm sát xét xử cần chú ý chỉ đạo làm tốt những quy định về kiểm tra chặt chẽ có tính căn cứ và tính hợp pháp của hồ sơ, chứng cứ, Cáo trạng trước khi chuyển sang Toà án, phát huy mạnh mẽ hiệu quả công tác kiểm sát trước Toà án, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm, bảo đảm tính có căn cứ và tính hợp pháp của bản án phúc thẩm; hạn chế việc xét xử án phúc thẩm quá hạn luật định, chú trọng công tác kiểm sát xét xử giám đốc thẩm và kiểm sát xét xử tái thẩm.

Năm 1985, số án xét xử hình sự sơ thẩm đạt 80% (16.596 vụ) tăng 1,7% so với năm 1984; xử trong hạn luật định 82,5%. Các Viện kiểm sát tỉnh, thành phố đã kết luận phúc thẩm 94% số án (3.321 vụ), Kiểm sát viên dự phiên toà 97%, có 74% án xử trong hạn luật định. Số xử theo thẩm quyền mới ở cấp huyện ít có sai lệch lớn, không bị cấp phúc thẩm cải sửa nhiều. 

Qua kiểm sát xét xử đã góp phần tích cực vào việc uốn nắn những lệch lạc, sai phạm trong công tác kiểm sát điều tra, tránh được một số thiếu sót trong việc thu thập chứng cứ, định tội và vận dụng đường lối truy tố. Các Viện kiểm sát phúc thẩm ở ba khu vực đã kết luận 93% số án phải xử, dự phiên toà 96% số án và có 86% số án đã xử trong hạn luật định. Một số vụ án lớn có nghi oan, sai, Viện Kiểm sát xét xử phúc thẩm 1 chủ động tiến hành thẩm tra cùng với các Vụ kiểm sát điều tra, đảm bảo việc giải quyết được chính xác. 

VKSND tối cao phối hợp với TAND tối cao giải quyết án tử hình, án giám đốc thẩm chặt chẽ hơn, đã kết luận 76% án giám đốc thẩm, 85% án tử hình, tăng cường hướng dẫn chỉ đạo công tác kiểm sát xét xử ở địa phương. VKSND tối cao phối hợp với TAND tối cao xây dựng một số văn bản hướng dẫn có liên quan đến công tác xét xử.

Năm 1986, VKSND các cấp tăng cường phối hợp với Toà án đưa ra xét xử nhiều vụ án gián điệp, hoạt động lật đổ, tuyên truyền chống chế độ, buôn lậu qua biên giới; đưa ra xét xử nhiều vụ án tham ô, hối lộ, đầu cơ lớn hoặc thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa. Thông qua công tác kiểm sát xét xử, một số địa phương, đơn vị chú ý phát hiện những vi phạm trong xét xử của Toà án, tổng hợp vi phạm để kiến nghị được ngành bạn chấp nhận, chỉ đạo uốn nắn.

  (Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL