Lập danh sách án trọng điểm để tập trung chỉ đạo giải quyết

Để tăng cường công tác kiểm sát góp phần đảm bảo việc thực hiện Nghị quyết số 128-NQ/TW của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 20/10/1982, VKSND tối cao ra Chỉ thị số 04/VTH yêu cầu toàn ngành Kiểm sát tập trung kiểm sát việc thực hiện ở các ngành, các cấp tám biện pháp cấp bách. Chỉ thị nêu rõ: Viện kiểm sát các cấp căn cứ vào nghị quyết, tình hình, đặc điểm của địa phương mà cùng với các ngành hữu trách xác định địa bàn, đối tượng, phạm vi hoạt động và cùng thống nhất hoạt động theo một kế hoạch chung, theo chức năng của ngành, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương. 

Phối hợp chặt chẽ cùng ngành Công an làm tốt việc phát động quần chúng bảo vệ trị an; phân loại các đối tượng nguy hiểm trong xã hội để xử lý đúng chính sách. Đề phòng việc truy quét, bắt bớ tràn lan, sai đối tượng và sai chính sách quy định. Yêu cầu và hỗ trợ tích cực để các cơ quan thanh tra thực hiện nghiêm ngặt chế độ thanh tra, kiểm tra nhằm phát huy hiệu lực cao nhất của công tác này. Cùng các ngành hữu trách, thống nhất lên danh sách án trọng điểm hiện có để tập trung việc chỉ đạo giải quyết. Phối hợp với các cơ quan Công an, Toà án để chọn một số vụ phạm tội điển hình đưa ra xét xử trước đông đảo quần chúng, vận dụng mọi phương tiện thông tin để tuyên truyền, giáo dục rộng rãi, đề cao ý thức pháp chế trong quần chúng; lên án và đánh mạnh vào bọn phạm tội và ý đồ của bọn mưu toan phạm tội. Đồng thời, phải bảo đảm cho việc xử lý được nghiêm minh, kịp thời, chính xác, tránh kéo dài làm cho quần chúng hoài nghi đối với chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Ngoài việc xử lý bằng biện pháp phạt tù, phải coi trọng việc xử lý về kinh tế; phải tích cực thu hồi đến mức tối đa số tài sản xã hội chủ nghĩa đã bị xâm phạm. Đó là những định hướng chỉ đạo quan trọng của Ngành nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát điều tra án hình sự trong thời kỳ này.

Nhằm tăng cường chỉ đạo công tác kiểm sát điều tra, công tác điều tra và công tác kiểm sát giam giữ, cải tạo, tháng 1/1983, ngành Kiểm sát tổ chức Hội nghị chuyên đề về các công tác này. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Hồng - Phó Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, công tác kiểm sát về lĩnh vực hình sự có vai trò rất quan trọng, là trách nhiệm nặng nề nhất và khó khăn nhất của Ngành. Công tác tổ chức cán bộ cũng cần tập trung vào việc bảo đảm nhiệm vụ trong lĩnh vực này.

Để thực hiện Nghị quyết số 03 của Bộ Chính trị về toàn Đảng, toàn dân kiên quyết đập tan kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, ngày 23/3/1983, Viện trưởng VKSND tối cao ra Chỉ thị số 37/CT-V2 về công tác kiểm sát, trong đó nêu rõ: Công tác kiểm sát cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan an ninh, Toà án và các ngành hữu quan khác kiên quyết đấu tranh chống các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm hình sự khác; kết hợp chặt chẽ giữa việc đấu tranh chống các tội xâm phạm an ninh quốc gia với đấu tranh chống các loại tội khác; vận dụng tổng hợp các khâu công tác và cùng các ngành phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chuyên chính vô sản nhằm tăng cường pháp luật, kỷ luật trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội; cần chú ý tới những địa bàn vùng biển, biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, vùng Tây Nguyên và các thành phố lớn; vấn đề tổ chức và bố trí cán bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Đẩy mạnh và kết hợp đồng bộ các mặt công tác kiểm sát

Về nhiệm vụ, kế hoạch công tác kiểm sát năm 1983, Chỉ thị số 01/VKS ngày 26/3/1983 của Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ: Đẩy mạnh và kết hợp đồng bộ các mặt công tác kiểm sát, kết hợp chặt chẽ giữa ba cấp kiểm sát nhằm ngăn chặn, hạn chế có hiệu quả những tội phạm và vi phạm trong các lĩnh vực kinh tế, trị an, an ninh và quyền làm chủ của nhân dân; phối hợp cùng các ngành, nhất là ngành tư pháp, các cơ quan bảo vệ pháp luật và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cán bộ và nhân dân; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cải tiến nền nếp công tác, nhất là bộ máy Viện kiểm sát cấp huyện và một số công tác nghiệp vụ ở các tỉnh phía Nam, bảo đảm hoạt động của toàn Ngành được đồng bộ và có hiệu quả.

Để tăng cường mối quan hệ Kiểm sát - Công an, VKSND tối cao và Bộ Công an ban hành Thông tư số 01/TTLB ngày 23/1/1984 về quan hệ giữa hai ngành Kiểm sát và Công an trong công tác điều tra và kiểm sát điều tra, trong đó quy định: Lấy nguyên tắc pháp chế thống nhất và lợi ích đấu tranh phòng, chống tội phạm làm tư tưởng chỉ đạo cơ bản để thực hiện nhiệm vụ chung và phối hợp công tác; công tác kiểm sát điều tra cần tập trung làm tốt việc quản lý thông tin tội phạm và kiểm sát các biện pháp xử lý thông tin hình sự và chấp hành pháp luật của cơ quan Công an (ở giai đoạn trước khởi tố và khởi tố vụ án); đưa việc thụ lý vụ án hình sự đi vào nền nếp; đề ra yêu cầu điều tra và kiểm sát việc thực hiện; bảo đảm chặt chẽ và chính xác trong việc phê chuẩn hoặc quyết định áp dụng pháp luật, trước hết là việc bắt giam, tạm giam bị can; kiểm sát việc kết thúc điều tra trước khi quyết định xử lý vụ án.

leftcenterrightdel
 Tang vật 300 tấn vũ khí và 14 tấn tiền giả trong vụ án hoạt động chống phá Nhà nước được tập kết tại TP Hồ Chí Minh năm 1984 để phục vụ cho phiên tòa xét xử. (Ảnh tư liệu - Cơ quan an ninh, Bộ Công an)

Nhằm bảo đảm phối hợp đồng bộ các khâu công tác, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước, ngày 15/3/1984, Viện trưởng VKSND tối cao ra Chỉ thị số 02 về nhiệm vụ, kế hoạch công tác kiểm sát năm 1984, trong đó xác định những nhiệm vụ của Viện kiểm sát các cấp là phải đẩy mạnh và kết hợp đồng bộ các mặt công tác kiểm sát, kết hợp chặt chẽ giữa ba cấp kiểm sát nhằm đấu tranh ngăn chặn, hạn chế có hiệu quả những tội phạm và vi phạm trong các lĩnh vực kinh tế, trị an, an ninh và bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, quán triệt và thực hiện tốt yêu cầu xử lý nghiêm khắc với những kẻ bao che. 

Qua xử lý chú ý nghiên cứu, xem xét những vấn đề có liên quan đến đường lối bắt giữ, truy tố, xét xử và đề xuất ý kiến bổ sung những quy định của pháp luật cho sát với thực tiễn công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, góp phần phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và tham gia xây dựng pháp luật. 

Trong năm 1984, thành công nổi bật của công tác kiểm sát điều tra là tham gia điều tra và giải quyết vụ án Kho 5, Cảng Hải Phòng. Đây là vụ án mà quan điểm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có sự khác nhau do xuất phát từ nhận thức, đánh giá khác nhau về chứng cứ của vụ án. Vụ cháy Kho 5, Cảng Hải Phòng xảy ra từ tháng 5/1981. Ban Chuyên án Trung ương được thành lập để điều tra vụ án. Đến năm 1984, Bộ Nội vụ chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND tối cao đề nghị truy tố. Đồng chí Trần Lê - Viện trưởng VKSND tối cao trực tiếp chỉ đạo; các đơn vị nghiệp vụ tập trung lực lượng cán bộ, thực hiện kế hoạch xác minh, phúc cung các bị can, nhân chứng, trưng cầu giám định pháp y lại, trực tiếp xem xét hiện trường, tổng hợp tài liệu, đánh giá chứng cứ để kết luận các vấn đề một cách khách quan, toàn diện. 

VKSND tối cao đánh giá: Vụ án chưa có căn cứ xác đáng,... không có bằng chứng cơ bản để buộc tội những người bị khởi tố về tội trộm cắp và tội hủy hoại tài sản xã hội chủ nghĩa, nên cần phải ra quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho các bị can đã bị bắt giam oan. VKSND tối cao gửi báo cáo lên Ban Bí thư trình bày kết quả kiểm sát điều tra vụ án, đồng thời, đề nghị Ban Bí thư cho chủ trương tạm tha đối với 10 bị can đã bị bắt giam. Đến tháng 11/1985, tại cuộc họp Ban Bí thư, sau khi nghe VKSND tối cao trình bày, Ban Bí thư nhất trí với quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao, trả tự do cho tất cả các bị can vì không đủ chứng cứ buộc tội.

Thực hiện chủ trương và định hướng công tác điều tra trong tình hình mới, Viện kiểm sát các địa phương tăng cường công tác kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố đấu tranh chống tội phạm hình sự. Nhờ đó, khối lượng án hình sự hàng năm được giải quyết tăng cả về án kinh tế, án trị an và án an ninh; số án thụ lý, kết thúc điều tra và truy tố cũng tăng từ 7% - 10%. Nhiều viện kiểm sát chủ động khởi tố điều tra xử lý được một số vụ án lớn về kinh tế, phát hiện qua thanh tra hành chính, kiểm sát chung, đơn tố cáo; kiểm sát chặt chẽ hơn việc phê chuẩn bắt giam, tha, truy tố, miễn tố; quyết tâm thực hiện nghiêm túc việc phân loại xử lý từ cơ sở để hạn chế việc bắt tràn lan.

Các cấp kiểm sát phối hợp với các ngành nội chính xác định những vụ án trọng điểm, những vụ án phá hoại, phản cách mạng của địch; tích cực điều tra, lập hồ sơ đưa truy tố, xét xử kịp thời phục vụ cho yêu cầu và nhiệm vụ chính trị, thời sự của các địa phương.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL