Kiểm sát chặt chẽ việc điều tra các vụ án điểm trong các năm 1984 - 1986

Trong hai năm 1984-1985, thực hiện Nghị quyết số 03 NQ/TW của Bộ Chính trị, VKSND tối cao chọn 53 vụ án nghiêm trọng làm án điểm đề xuất ba ngành phối hợp điều tra, truy tố, xét xử; đã truy tố, xét xử 43 vụ gồm 284 bị can. Tỉ lệ truy tố 43/53 vụ, đạt 81,5%. Trong số này, có 5 vụ án gián điệp nổi cộm như các vụ: Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh (TP Hồ Chí Minh), Chu Minh (Lạng Sơn), Trần Tuấn Sao (Lai Châu), Ban Văn Tường (Hà Tuyên) và Thái Nhỡ Siêu (Hà Nội). 

Trong số 284 bị can của 43 vụ án nêu trên, có 43 tên hoạt động gián điệp cho bọn phản động, có 25 tên trước là nguỵ quân nguỵ quyền chiếm 57,5%; 7 tên là sĩ quan ác ôn thời Mỹ - Nguỵ; 2 tên tư sản địa chủ cũ. Các vụ án và số bị can đưa ra truy tố, xét xử có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba ngành (Công an, Kiểm sát, Toà án). Một số nơi còn kết hợp với cơ quan báo chí, thông tấn, phát thanh và truyền hình để tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác trong nhân dân.

Năm 1986, Viện kiểm sát các cấp phối hợp cùng các ngành nội chính tăng cường phối hợp giải quyết các vụ phạm pháp trong lĩnh vực kinh tế, quản lý thị trường, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa. Toàn ngành thụ lý 7.762 vụ án kinh tế, truy tố 4.395 vụ, trong đó có 981 vụ án điểm để tập trung phục vụ yêu cầu chính trị địa phương. Riêng VKSND tối cao cùng các ngành Trung ương chỉ đạo giải quyết 20 vụ án trọng điểm về tham ô, hối lộ, buôn lậu, đầu cơ lớn hoặc thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước như: Vụ tham ô xăng dầu ở Hậu Giang, buôn lậu trên các tàu viễn dương... Tuy nhiên, án kinh tế còn bị bỏ lọt nhiều, chưa phát hiện được những vụ tham ô, hối lộ lớn và những tên đầu sỏ gian thương chuyên nghiệp phạm tội. Số vụ phát hiện qua thanh tra, kiểm tra còn ít và việc khởi tố điều tra với những loại án này còn chậm hoặc bị bỏ qua.

Trước tình hình an ninh phức tạp, nhiều vụ nhen nhóm hoạt động lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống đối chế độ, hoạt động gián điệp xảy ra ở biên giới, hoạt động thám báo xâm nhập nội địa từ các hướng đều tăng. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng những sơ hở và sai lầm của ta trong quản lý kinh tế; sử dụng tư sản người Hoa hoạt động lũng đoạn thị trường. Người vượt biên ngày càng tăng, các vụ cháy, nổ các kho vũ khí, đạn dược vẫn còn xảy ra. Viện kiểm sát các cấp tăng cường phối hợp với Công an, Toà án trong công tác điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án gián điệp, hoạt động lật đổ, tuyên truyền chống chế độ, buôn lậu qua biên giới. Riêng án điểm thuộc loại tội này đã truy tố 23/30 vụ.

Tình hình tội phạm về trị an vẫn tăng nhiều so với năm 1985 (tăng 6.973 vụ), nhất là ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, chiếm 38% số vụ trong cả nước. Trọng tội giết người, cướp của vẫn tăng, nhiều vụ phạm tội có tổ chức, có vũ khí, chất nổ. Tình hình gây rối trật tự công cộng, xô xát có đông người tham gia gây thiệt hại nặng về tài sản của nhân dân, làm chết và bị thương nhiều người. Để phục vụ bảo vệ trật tự an toàn xã hội, VKSND các cấp phối hợp với các ngành, các đoàn thể tiến hành công tác giáo dục, phòng ngừa tội phạm; đẩy mạnh công tác giải quyết án.

Việc lựa chọn án điểm đưa ra truy tố, giải quyết dứt điểm được những vụ trọng án, góp phần tích cực vào việc ngăn chặn tội phạm, gây lòng tin của nhân dân, đặc biệt góp phần củng cố được phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở một số nơi xung yếu.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo trong vụ án Bàn Văn Tường và đồng bọn phạm tội “Hoạt động gián điệp chống phá Nhà nước Việt Nam”, bị bắt tại xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Tuyên được đưa ra xét xử công khai tháng 5/1984. (Ảnh tư liệu - TTXVN)

Một số Viện kiểm sát đã chú trọng kiểm sát điều tra từ đầu và kiểm sát chặt chẽ đối với việc điều tra các vụ án điểm, án quan trọng, chú ý việc khám nghiệm hiện trường những vụ án nghiêm trọng. Các vụ nghiệp vụ xây dựng một số chuyên đề, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, hướng dẫn làm Cáo trạng cho các địa phương và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát điều tra cho các Viện trưởng cấp huyện. Thông qua làm án, công tác phòng ngừa tội phạm cũng được đẩy mạnh. 

Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1986, ngày 25/7/1986, VKSND tối cao ban hành Thông tư số 02/TT hướng dẫn áp dụng Phần chung của Bộ luật Hình sự và tổ chức cho toàn thể cán bộ trong toàn Ngành nghiên cứu học tập. Hướng dẫn một số vấn đề qua thực tiễn áp dụng của Ngành thấy có nhiều vướng mắc như: Cơ sở của trách nhiệm hình sự; nguyên tắc xử lý; hiệu lực của Bộ luật Hình sự về thời gian; khái niệm tội phạm; những trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự; cải tạo không giam giữ; về những tình tiết giảm nhẹ, những tình tiết tăng nặng; về án treo; miễn trách nhiệm hình sự. Nội dung hướng dẫn của Thông tư làm sáng tỏ một số vấn đề về quan điểm nghiệp vụ cụ thể để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các cán bộ toàn ngành Kiểm sát.

Công tác kiểm sát điều tra ở một số địa phương còn yếu

Bên cạnh những kết quả tích cực là cơ quan, công tác kiểm sát của VKSND các cấp thời kỳ này còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc quản lý tội phạm và quản lý án còn bị buông lỏng, bỏ lọt tội phạm, nhất là các tội về chức vụ. Nhiều vụ án đã được khởi tố mà CQĐT còn bỏ ngoài sổ thụ lý, nhưng Viện kiểm sát vẫn không nắm được. Đồng thời, do không kiểm sát chặt chẽ ngay từ đầu nên nhiều vụ việc chỉ đáng xử lý hành chính nhưng vẫn để CQĐT thụ lý, điều tra để rồi sau đó phải miễn tố, đình cứu. Công tác kiểm sát điều tra ở một số địa phương còn yếu, nhất là trong việc thu thập chứng cứ ban đầu, nhiều vụ vướng mắc về chứng cứ do giám định nên số vụ kết thúc điều tra, xử lý còn chậm.

Hiện tượng CQĐT lạm dụng việc bắt khẩn cấp, quả tang còn xảy ra ở nhiều nơi, có trường hợp bắt giam bị can đến hai, ba tháng sau đó mới xin Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh tạm giam. Nhiều vụ án kéo dài việc tạm giam mà không hỏi cung, thậm chí có trường hợp không có hồ sơ.

Vẫn còn tình trạng CQĐT lạm dụng quyền bắt, tạm giam gây ra tình trạng bắt tràn lan, bắt trước khi có lệnh, tạm giam quá hạn; trách nhiệm của Viện kiểm sát trong phê chuẩn bắt, giam còn thấp, chưa xem xét đầy đủ chứng cứ, chỉ dựa vào tài liệu của CQĐT mà thiếu thẩm tra chu đáo; sau khi phê chuẩn không theo dõi, nắm chắc tiến độ điều tra, gây ra tình trạng án bị kéo dài, án tồn đọng... Nhiều trường hợp tội phạm xảy ra nhưng CQĐT không khởi tố vụ án do chưa phát hiện được thủ phạm, còn thụ động chờ CQĐT gửi hồ sơ sang mới bắt đầu kiểm sát điều tra. Việc kiểm sát điều tra từ đầu chỉ mới chú ý đến một số án trọng điểm, do đó nhiều vi phạm không được phát hiện, xử lý kịp thời. 

Nhìn chung, công tác kiểm sát điều tra ở một số VKS địa phương trong thời kỳ này còn bị động với từng việc cụ thể, công tác kiểm sát khởi tố còn xem nhẹ; công tác phòng ngừa chưa được chú ý, công tác quản lý trong khâu kiểm sát điều tra còn lỏng lẻo, thời hạn tạm giam để kéo dài. Việc phối hợp giữa khâu kiểm sát hình sự (kiểm sát điều tra) và kiểm sát chung chưa được chặt chẽ, chưa đi sâu nghiên cứu, tổng hợp tình hình nguyên nhân và điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm để đề xuất biện pháp giải quyết, phòng ngừa... 

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL