11 tỉnh và 146 huyện trực tiếp điều tra 145 vụ án

Trong công tác điều tra, hàng năm, Viện kiểm sát các cấp trực tiếp điều tra nhiều vụ phạm pháp, hình sự. Chất lượng và tiến độ thụ lý điều tra đạt nhiều kết quả. Năm 1978, công tác điều tra thẩm cứu của VKSND tối cao đã giải quyết 76% số án có hiệu lực pháp luật mà phải điều tra lại và 72% số án mới, vượt chỉ tiêu tối thiểu đề ra từ 1% - 2%. 

Bước sang năm 1979, công tác điều tra có tiến bộ hơn. Vụ Điều tra thẩm cứu, VKSND tối cao giải quyết 80% - 85% số án có hiệu lực pháp luật mà phải điều tra lại và 75% - 80% số án mới thụ lý. Có 11 tỉnh và 146 huyện trực tiếp điều tra 145 vụ án, gồm 94 vụ án kinh tế, 51 vụ án trị an.

Năm 1980, số vụ do Viện kiểm sát cấp huyện, cấp tỉnh trực tiếp thụ lý điều tra và giải quyết trên 80% số vụ đã khởi tố trong thời hạn từ 2 đến 4 tháng. Đến năm 1981, số vụ do VKSND các cấp trực tiếp điều tra tuy có giảm so với những năm trước nhưng vẫn thụ lý điều tra gần 700 vụ án hình sự, các loại, chiếm trên 2% trong tổng số án do các ngành khởi tố và thụ lý, đã kết thúc xử lý được 72%.

Thực hiện công tác điều tra theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 1981, Viện kiểm sát các cấp vẫn điều tra hàng trăm vụ án về hình sự, kinh tế và đưa ra truy tố trước Toà án. Phần lớn số án này, người phạm tội là cán bộ trong các ngành thuộc khối nội chính, một số án khác do CQĐT chuyển sang vì liên quan đến cán bộ Công an. 

Viện kiểm sát các cấp tập trung trực tiếp điều tra những vụ xét thấy cần thiết để đảm bảo tốt hơn việc thực hành quyền công tố; trực tiếp điều tra những vụ mà công tác kiểm sát chung trực tiếp phát hiện, đề nghị khởi tố. Trong quá trình điều tra, các Viện kiểm sát phối hợp chặt chẽ với CQĐT và kết thúc điều tra với kết quả tốt.

Cùng với đó, với các vụ án mà Viện kiểm sát trực tiếp thụ lý điều tra thì tiến độ điều tra nhìn chung còn chậm, nhất là đối với án lớn, án kinh tế. Công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập, xác minh chứng cứ, giám định tư pháp còn nhiều thiếu sót, chỉ đạo làm án rút ngắn chưa được chú ý. Việc xử lý tang, tài vật còn nhiều thiếu sót. Nhiều tang, tài vật bị mất, thất lạc, bị tráo đổi, sử dụng sai nguyên tắc hoặc để lại xử lý hành chính để trích thưởng, dẫn đến chậm trễ không xử được hoặc phải huỷ án...

Trước tình hình công tác trực tiếp điều tra của Viện kiểm sát các cấp còn tồn tại, hạn chế, tháng 1/1983, trong bài phát biểu tại Hội nghị ngành Kiểm sát về tăng cường công tác điều tra, đồng chí Nguyễn Quốc Hồng - Phó Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ: Về quan điểm nghiệp vụ trong những trường hợp cần thiết để bảo đảm khách quan thì Viện kiểm sát trực tiếp điều tra, những vụ cán bộ điều tra, kiểm sát, toà án phạm tội; cán bộ có chức vụ quan trọng mà cấp uỷ giao; những vụ mà Viện kiểm sát khởi tố yêu cầu cơ quan Công an nhưng cơ quan Công an không thực hiện thì Viện kiểm sát có thể trực tiếp điều tra.

Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại Toà án xét xử sơ thẩm trên 90% số vụ án

Trong công tác kiểm sát xét xử hình sự, những năm 1976-1981, tuy điều kiện tổ chức chưa được ổn định, nhưng đã có những cố gắng vượt bậc để đưa ra xét xử được một số vụ án lớn, những vụ trọng án về chính trị và trật tự xã hội đã được giải quyết kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt đối với những vụ án phản cách mạng, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên toà được chú ý thực hiện tốt ngay từ đầu. Các Viện kiểm sát phối hợp với ba ngành tư pháp, tổ chức họp trù bị để thống nhất biện pháp xử lý và tranh thủ được sự chỉ đạo của cấp uỷ địa phương.

leftcenterrightdel
 Một phiên toà xét xử tội phạm chống phá cách mạng. (Ảnh tư liệu - TTXVN)

Năm 1976, thực hiện Chỉ thị số 01 của VKSND tối cao, công tác kiểm sát xét xử hình sự ở các Viện kiểm sát có nhiều tiến bộ. Ở các tỉnh phía Bắc, trong 9 tháng đã kết luận 1.032 trong số 1.549 bản án do cấp huyện xử sơ thẩm có chống án, kháng nghị, đạt 89%. Công tác kết luận, kiểm tra, được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm. Công tác tham dự phiên toà được các Viện kiểm sát quan tâm, vừa tiếp tục kiểm tra bản án sơ thẩm tại phiên toà công khai vừa thực hiện trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xét xử phúc thẩm. 

Trong 9 tháng đầu năm 1976, Kiểm sát viên kiểm sát xét xử phúc thẩm ở các tỉnh, thành tham dự phiên toà xử 660 vụ án trong số 1.192 vụ, chiếm tỉ lệ 55%, Viện kiểm sát các cấp phối hợp với Toà án trong công tác giải quyết án, nhất là các án trọng điểm; vừa phối hợp, vừa đấu tranh chống vi phạm trong xét xử.

Năm 1977, có 8/18 Viện kiểm sát các tỉnh phía Bắc, 14/20 Viện kiểm sát các tỉnh phía Nam giữ quyền công tố 100% số vụ án xét xử sơ thẩm và trên 80% số vụ án phúc thẩm đã có kết luận của Viện kiểm sát. Có 27 Viện kiểm sát tỉnh, thành phố kiểm tra 3.807 án sơ thẩm của cấp huyện (93%), qua đó kháng nghị 89 bản án trái pháp luật (2,6%). Đây là kết quả mới mà nhiều năm trước đây làm còn yếu. Tính toàn Ngành, các Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố tại Toà án xét xử sơ thẩm được trên 90% số vụ án. Có nơi, Viện kiểm sát có nhiều nỗ lực phân công Kiểm sát viên tham gia phiên toà 100%.

Cũng trong năm 1977, toàn Ngành đã kiểm tra 1.648 trong số 1.779 bản án cần xem xét giám đốc thẩm (92%), báo cáo Viện trưởng VKSND tối cao kháng nghị 15 vụ (3 vụ không có tội và 12 vụ xử quá nặng). So với thực tế, số án có hiệu lực pháp luật mà có sai phạm thì số kháng nghị còn ít. Năm 1978, công tác kiểm sát xét xử hình sự có nhiều tiến bộ so với năm 1977.

Tốc độ giải quyết án ở trình tự sơ thẩm và phúc thẩm chuyển biến đáng kể, án trọng điểm ở nhiều nơi được giải quyết nhanh chóng như: Việc xử lý các án phản cách mạng ở Lâm Đồng, Bến Tre; xử lý án tham nhũng phục vụ nhiệm vụ của địa phương như ở Đồng Nai, Long An, Hải Phòng... Kết quả này có tác dụng phục vụ trực tiếp công tác bảo vệ và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tăng cường an ninh chính trị, trật tự xã hội, củng cố quốc phòng.

Năm 1979, ở cấp huyện, Kiểm sát viên giữ quyền công tố 96% số vụ án được đưa ra xét xử; ở cấp tỉnh, thành phố, tỉ lệ trên là 97%. Một số vụ Toà án chưa đưa ra xét xử đúng thời hạn tố tụng, đến tháng 9/1979, còn đọng ở Toà án 20% số án truy tố chưa được xét xử (cấp tỉnh là 805 vụ, cấp huyện là 1.386 vụ). Ở cấp tỉnh, Viện kiểm sát tham gia 73% số vụ phúc thẩm. Ở ba khu vực là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội, các Viện phúc thẩm tham gia 96% số vụ phúc thẩm. Riêng VKSND TP Hồ Chí Minh dự 100% phiên toà phúc thẩm; kháng nghị 118 trường hợp, xử tăng án 4%, xử huỷ án 3,5% đối với án sơ thẩm của cấp huyện. 

Cấp phúc thẩm Trung ương kháng nghị 217 trường hợp, xử tăng án 18%, huỷ án 3% đối với án sơ thẩm của cấp tỉnh. Công tác xét xử giám đốc thẩm ở VKSND tối cao thụ lý 136 vụ, giải quyết được 91%, số Kiểm sát viên tham dự phiên toà đạt 100%. Năm 1980, 54 tỉnh, thành phố và 380 quận, huyện có Kiểm sát viên dự phiên toà xét xử sơ thẩm, đạt 96%; 27 tỉnh, thành phố đã kết luận 89% án phúc thẩm và Kiểm sát viên dự phiên toà phúc thẩm đạt 80%.

Trong những năm 1976-1981, công tác kiểm sát xét xử còn một số tồn tại, nhất là ở các tỉnh phía Nam còn những vấn đề chưa được quan tâm giải quyết. Công tác kiểm sát xét xử sơ thẩm, khâu yếu nhất là Kiểm sát viên chưa tập trung vào việc xác định, đánh giá và chứng minh chứng cứ của tội phạm và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt. Đối với công tác xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, còn có tình trạng xét xử chậm, quá hạn luật định; chưa tập trung vào các vấn đề mà bị cáo chống án hoặc bị kháng nghị.

Công tác kiểm sát xét xử hình sự chưa được tổ chức thống nhất trong toàn Ngành, có nơi thì tổ chức thông khâu (kiểm sát điều tra đảm nhiệm luôn cả công tác kiểm sát xét xử), có nơi thì chuyên khâu nên việc quản lý và chỉ đạo từ trên xuống chưa thống nhất.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL