Vận dụng đồng thời các phương thức, linh hoạt các biện pháp kiểm sát 

Một điểm nổi bật trong công tác kiểm sát chung của Viện kiểm sát các huyện, thị trong giai đoạn 1982-1986 là hoạt động xây dựng các đơn vị điển hình tiên tiến trong việc tuân theo pháp luật tại cơ sở. Bắt đầu từ các đơn vị hành chính, hợp tác xã, phát triển sang các nhà máy, xí nghiệp, các cửa hàng lương thực, thực phẩm... phục vụ đắc lực cho công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật (trong đó các ngành khác cũng xây dựng điểm tiên tiến tuân theo pháp luật). Đây là một việc làm phát huy được rất nhiều tác dụng của công tác kiểm sát chung, đã trở thành chủ trương chung trong kế hoạch củng cố cơ sở ở địa phương kể cả ba mặt: Xây dựng Đảng, chính quyền và phong trào quần chúng.

Viện kiểm sát các cấp đã sử dụng nhiều tài liệu phản ánh những vi phạm được cung cấp từ nhiều nguồn. Nhiều Viện kiểm sát tỉnh, thành chỉ đạo hướng dẫn các huyện, quận tập trung vào những vấn đề quan trọng theo Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao, vận dụng linh hoạt, đồng bộ các phương thức kiểm sát chung theo luật mới. Vận dụng đồng thời các phương thức kiểm sát đa dạng như: Yêu cầu thông báo vi phạm, yêu cầu cung cấp tài liệu, yêu cầu thanh tra, yêu cầu kiểm tra, từ đó tổng hợp, kết luận nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm. Viện kiểm sát trực tiếp kiến nghị với UBND tỉnh để có biện pháp đồng bộ khắc phục tận gốc.

VKSND tối cao trực tiếp kiểm sát việc chấp hành pháp luật của một số bộ như: Nội thương, Ngoại thương, Công nghiệp nhẹ, Công nghiệp thực phẩm, Cục Vận tải ô tô; ra nhiều kiến nghị, kháng nghị nhằm chấn chỉnh tình trạng quản lý lỏng lẻo, vi phạm ngay từ cấp Trung ương dẫn đến cấp dưới làm trái pháp luật.

Việc vận dụng các biện pháp kiểm sát cũng được linh hoạt hơn, yêu cầu thanh tra nhiều hơn, kiểm sát tại chỗ đã giảm bớt. Nghiên cứu, khai thác kỹ tài liệu của thanh tra, của cơ quan quản lý tổng hợp. Lựa chọn những vấn đề cần thiết để xác minh thêm rồi kiến nghị, nếu có đủ căn cứ vững chắc thì kiến nghị ngay.

Báo cáo tổng kết hàng năm của ngành Kiểm sát đã đánh giá: Công tác kiểm sát chung đã xác định đúng hướng, đúng trọng tâm theo Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao, góp phần lập lại trật tự pháp chế trong phân phối, lưu thông, trong thị trường có tổ chức. Khi thực hiện kiểm sát, trước hết cần chú ý những căn cứ pháp lý, đi vào từng ngành, từng đơn vị ở những khâu quan trọng với yêu cầu cụ thể, do đó mang lại kết quả tốt.

Nhiều kiến nghị của Viện kiểm sát được sự đồng tình, chấp nhận của đơn vị được kiểm sát. Nhiều nơi đi vào phát hiện và giải quyết vi phạm tương đối triệt để, quy trách nhiệm rõ ràng, đề ra yêu cầu xử lý bằng biện pháp hành chính, khởi tố dân sự hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, kiến nghị chấn chỉnh phương thức quản lý và tổ chức cán bộ.

Công tác kiểm sát chung tập trung kiểm sát đúng những ngành kinh tế trọng điểm, góp phần tích cực vào việc bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa mà trọng tâm là lập lại trật tự, kỷ cương trong lưu thông, phân phối. Nhiều Viện kiểm sát chú ý tập trung đi vào kiểm sát một ngành, một trọng điểm, theo một kế hoạch thống nhất ở nhiều cấp kiểm sát, biết huy động lực lượng trong và ngoài ngành cùng làm, nhờ đó năng suất, hiệu quả được tăng lên, thời gian kiểm sát được rút gọn. Nhiều nơi không dừng lại ở từng vi phạm mà còn quy trách nhiệm trong việc quản lý của các ngành có liên quan, yêu cầu chấn chỉnh tình hình vi phạm pháp chế về quản lý, tổ chức cán bộ đồng thời yêu cầu truy thu tài sản bị thất thoát.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trần Quyết, Viện trưởng VKSND tối cao cùng Đoàn đại biểu VKSND tối cao thăm và làm việc tại Liên Xô. (Ảnh tư liệu)

Việc vận dụng các phương thức kiểm sát chung, nhiều nơi cách làm có sáng tạo, linh hoạt hơn trước, đã chú ý kiểm sát văn bản, yêu cầu tự kiểm tra, thanh tra, trả lời về việc làm vi phạm pháp luật... giúp cấp uỷ, UBND mở hội nghị pháp chế ở nhiều ngành, nhiều cấp.

Một số tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm sát chung 

Tuy nhiên, công tác kiểm sát chung cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Viện kiểm sát một số địa phương tiến hành kiểm sát còn phân tán, dàn đều, thường chỉ phát hiện và giải quyết từng vi phạm theo kiểu thanh tra hành chính, chưa xuất phát từ những vụ việc cụ thể đó mà xem xét trách nhiệm của các ngành tổng hợp và của các cơ quan cấp trên. Một số nơi, khi tiến hành kiểm sát thường nặng truy tìm tội phạm, một số vụ lại quy kết không đúng; coi nhẹ việc nghiên cứu tìm hiểu những chủ trương sai trái và trách nhiệm của các cơ quan chỉ đạo.

Khi đưa nội dung pháp chế vào cơ sở (ở những nơi xây dựng điểm tiên tiến tuân theo pháp luật), một số Viện kiểm sát thường nhấn một chiều về phần nghĩa vụ, hoặc thiên về mặt răn đe trừng trị, mà ít đề cập đến trách nhiệm của các ngành, các cấp, đối với việc chăm lo quyền lợi và đời sống cho quần chúng; do đó, chưa phát huy được tinh thần làm chủ của quần chúng trong việc chấp hành và giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ quan ở địa phương. 

Việc kiểm sát văn bản ở cả ba cấp còn ít và yếu, nhất là ở cấp tối cao và tỉnh. Chất lượng các văn bản kết luận, kiến nghị tổng hợp ở một số nơi còn thấp, ít phúc tra việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị, nên hiệu quả còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào kiểm sát hành vi, xem nhẹ kiểm sát văn bản, chưa kết hợp chặt chẽ giữa kiểm sát văn bản và kiểm sát việc chấp hành pháp luật. 

Kết quả các cuộc kiểm sát mới chỉ dừng lại ở bước phát hiện vi phạm, thiếu tổng hợp, tích luỹ để rút ra những kết luận về quan điểm, về khuynh hướng trái với đường lối, chính sách, pháp luật để kiến nghị khắc phục pháp luật bị vi phạm hoặc đề xuất việc huỷ bỏ, bổ sung, sửa đổi pháp luật hiện hành không còn phù hợp, xây dựng chế định pháp luật mới.

So với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ tính thống nhất của pháp chế, hiệu quả công tác kiểm sát chung còn hạn chế. Một số Viện kiểm sát chưa bám sát Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao, chưa nắm vững yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cấp uỷ và tình hình thực tiễn của địa phương nên việc xác định phương hướng, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện còn tản mạn, thiếu tập trung vào ngành trọng tâm, địa bàn trọng điểm và mặt hàng chiến lược. 

Hoạt động kiểm sát chung ở cả ba cấp còn thiếu gắn bó chặt chẽ, đồng bộ, theo một kế hoạch và sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới; chưa đi vào tìm hiểu nguyên nhân sơ hở trong công tác quản lý, trong những chủ trương sai trái pháp luật, làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tổ chức để kiến nghị với cơ quan có trách nhiệm sửa chữa, phục hồi hiệu lực của pháp luật; hoặc kiến nghị sửa chữa, bổ sung những văn bản đã lỗi thời, những vấn đề chưa được thể chế hoá. 

Việc nghiên cứu, tổng hợp các kết luận, kiến nghị của các địa phương để rút ra những vi phạm phổ biến, kiến nghị với ngành dọc làm chưa được nhiều. Nhận thức và phương pháp công tác theo luật mới chuyển biến còn chậm, nhiều nơi còn làm theo cách cũ như nặng về tiến hành kiểm sát tại chỗ, phối hợp kiểm tra. Việc phối hợp công tác kiểm sát trong lĩnh vực hình sự và dân sự để phát huy đúng mức vai trò, chức năng chung của Viện kiểm sát chưa thể hiện rõ nét.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

 
BVPL