Qua kiểm sát phát hiện 12.134 việc làm vi phạm

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát chung, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, căn cứ vào nhiệm vụ, kế hoạch công tác kiểm sát năm 1985, Viện trưởng VKSND tối cao ra Chỉ thị số 07/CT-VP về công tác kiểm sát chung, trong đó nêu rõ: Công tác kiểm sát chung phải tập trung bảo vệ cơ chế mới về quản lý kinh tế, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, chống tệ quan liêu, bao cấp và tình trạng phân tán, cục bộ; bảo vệ quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, chống các biểu hiện trù úm, trả thù, lạm dụng quyền hành nhũng nhiễu nhân dân. Qua công tác kiểm sát, cần tổng hợp những vấn đề chung báo cáo với cấp uỷ hoặc thông báo ngay cho cơ quan chủ quản và UBND cùng cấp làm rõ đúng sai để có biện pháp giải quyết, nếu rõ ràng có vi phạm thì cần nhanh chóng ra kiến nghị yêu cầu chấn chỉnh, theo dõi việc khắc phục vi phạm.

Trong năm 1985, công tác kiểm sát chung tập trung phục vụ một số vấn đề trọng điểm, cấp bách và có tính thời sự (lương thực, vật tư nông nghiệp, xuất nhập khẩu, giá, tiền...). Nhiều Viện kiểm sát đã kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn các vi phạm trong phục vụ thu đổi tiền, quản lý thị trường. Nhiều viện kiểm sát còn đi vào một số lĩnh vực cần thiết khác, phục vụ yêu cầu chính trị địa phương và đảm bảo được yêu cầu toàn diện trong công tác kiểm sát.

Theo đó, các Viện kiểm sát đã kiểm sát 4.284 đơn vị kinh tế trọng điểm và đã hoàn thành ở 3.758 đơn vị, trong đó có gần 40% đơn vị thuộc các ngành nội, ngoại thương, trên 20% đơn vị thuộc ngành nông nghiệp, 10% đơn vị thuộc ngành lương thực. Qua kiểm sát phát hiện 12.134 việc làm vi phạm như: Không chấp hành kỷ luật giá, buông lỏng quản lý tài chính, móc nối với tư thương gom hàng, tham ô, đầu cơ, liên doanh, liên kết kinh tế để trốn thuế và rút hàng của Nhà nước. 

Viện kiểm sát các cấp ban hành 2.476 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các đơn vị có vi phạm sửa chữa để khôi phục lại trật tự pháp chế; yêu cầu xử lý hành chính 2.860 cán bộ, nhân viên mắc sai phạm và chủ động khởi tố 669 người phạm tội nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự, khởi tố 303 vụ dân sự để thu hồi tài sản Nhà nước bị chiếm dụng. Các Viện kiểm sát địa phương kiểm sát 5.936 văn bản, phát hiện và kiến nghị 972 văn bản có vi phạm; kiến nghị thu hồi 200 triệu đồng và hàng vạn tấn lương thực cho Nhà nước và tập thể.

VKSND tối cao tiến hành kiến nghị, kháng nghị với 13 bộ, ngành chủ quản, đồng thời, thông báo đến Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng và báo cáo Ban Bí thư để chỉ đạo, uốn nắn những vi phạm pháp chế của các bộ, ngành về việc lập quỹ trái phép, vi phạm về quản lý và sử dụng tiền mặt, vi phạm trong quản lý và kinh doanh lương thực, cắt xén vật tư nông nghiệp, lập quỹ chi tiêu tuỳ tiện, vi phạm nghiêm trọng trong phân phối hàng hoá, quản lý vật tư xăng dầu, nhất là vi phạm trong việc thu đổi tiền. 

Đặt trọng tâm vào công tác xuất, nhập khẩu, phân phối, lưu thông, kỷ luật về giá

Năm 1986, công tác kiểm sát chung của các Viện kiểm sát địa phương tiếp tục đặt trọng tâm vào công tác xuất, nhập khẩu, phân phối, lưu thông, kỷ luật về giá. Ngày 20/1/1986, Viện trưởng VKSND tối cao ra Chỉ thị số 02 về nhiệm vụ, kế hoạch công tác kiểm sát năm 1986. Chỉ thị nêu tóm tắt một số nét về tình hình và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian qua. Bên cạnh đó, căn cứ vào chức năng và tình hình thực tế của Ngành và yêu cầu phục vụ đắc lực hơn nữa các mục tiêu kinh tế - xã hội do Đảng và Nhà nước đề ra, nhằm góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình chung của đất nước. 

leftcenterrightdel
 Các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quốc Hồng, Nguyễn Văn Nam chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu các anh hùng lực lượng vũ trang miền Nam ra thăm miền Bắc. (Ảnh tư liệu)

Trong năm 1986, toàn Ngành cần cố gắng phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ: Hướng toàn bộ hoạt động của Ngành vào trọng tâm là phục vụ Nghị quyết của Quốc hội ngày 28/12/1985 về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1986 và Nghị quyết Trung ương 8 về giá - lương - tiền. Trong mọi hoạt động, công tác kiểm sát phải gắn việc phát hiện vi phạm, tội phạm với việc xử lý nghiêm minh và tác động tích cực để ngăn chặn những nguyên nhân và điều kiện phát sinh, nhằm lập lại trật tự pháp luật, giữ gìn nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực: Kinh tế, an ninh, chính trị, củng cố quốc phòng và trật tự xã hội, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và tham gia xây dựng pháp luật. Cần chú ý trong các khâu công tác nghiệp vụ như: Kiểm sát chung, kiểm sát hình sự, công tác kiểm sát xét xử dân sự, công tác kiểm sát xét giải quyết đơn thư khiếu tố. Tăng cường công tác xây dựng Ngành và quan tâm trong công tác quản lý và chỉ đạo điều hành.

Để phục vụ cho việc thực hiện Nghị quyết số 31 và Nghị quyết số 34 của Bộ Chính trị về làm thử mở rộng quyền chủ động kinh doanh cho cơ sở, VKSND tối cao vận dụng linh hoạt các biện pháp kiểm sát đối với cấp bộ và tổng hợp vi phạm phát hiện được của các Viện kiểm sát địa phương, đã đưa ra một số kiến nghị và được tiếp thu sửa chữa.

Ngày 28/2/1986, VKSND tối cao có báo cáo gửi Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng về tình hình vi phạm thu, chi trong công tác xuất nhập khẩu và xin ý kiến xử lý; kiến nghị với Bộ Ngoại thương yêu cầu rút giấy phép xuất nhập khẩu đã cấp cho Bộ Giáo dục; kiến nghị trực tiếp với Bộ Nội thương về quy định phù hiệu, thẻ kiểm soát thị trường có nhiều sơ hở; kiến nghị gửi Tổng công ty Thiết bị vật tư y tế về biện pháp chấn chỉnh quản lý vật tư y tế.

Ngày 10/11/1986, VKSND tối cao có Công văn số 114/VT gửi Viện trưởng VKSND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang yêu cầu xem xét và kháng nghị đối với UBND và Giám đốc Sở thuỷ sản ba tỉnh về quyết định giá mua tôm trái với Nghị định số 33-HĐBT ngày 27/2/1984 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư liên bộ số 17-LB của Uỷ ban Vật giá Nhà nước và Bộ Thuỷ sản quy định về thẩm quyền quy định giá mua tôm. Để chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về giá và Quyết định số 117-HĐBT ngày 4/10/1986 của Hội đồng Bộ trưởng về thực hiện kết luận Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng và kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị về những biện pháp cấp bách về giá - lương - tiền... yêu cầu xem xét và kháng nghị UBND tỉnh để huỷ các quyết định trái pháp luật nói trên và xử lý người có vi phạm theo Nghị định số 91-HĐBT ngày 4/8/1986 của Hội đồng Bộ trưởng.

Từ năm 1982 đến năm 1986, Viện kiểm sát các địa phương kiểm sát hàng nghìn đơn vị gồm các ngành thủy sản, lương thực, nông nghiệp, trong đó, xem xét những vi phạm trong việc ký kết hợp đồng hai chiều và thực hiện cung ứng vật tư, hàng hoá tới người sản xuất trong thu mua lương thực, hàng xuất khẩu về hải sản; việc điều chỉnh về ruộng đất gắn với cải tạo quan hệ sản xuất; việc khoán sản phẩm, quản lý ruộng đất, chăn nuôi tập thể... 

Thông qua kiểm sát chung, Viện kiểm sát các cấp chủ động khởi tố hàng trăm vụ án kinh tế mà các đơn vị chủ quản giữ lại để xử lý nội bộ hoặc xử lý hành chính. Hoạt động kiểm sát chung đã khắc phục được những hạn chế trong hoạt động của những năm trước như: Kiểm sát có trọng tâm, phối hợp tốt với các cơ quan có liên quan, chú ý đến công tác hướng dẫn, giáo dục và phòng ngừa chung, chỉ ra được những sai phạm và trách nhiệm của cơ quan cấp trên... VKSND tối cao có nhiều kiến nghị với các bộ, ngành để chấn chỉnh công tác quản lý kinh tế. Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật không chỉ trực tiếp thúc đẩy việc cải tiến và tăng cường các hoạt động quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực mà còn góp phần xây dựng Đảng, bảo vệ tổ chức đảng. Tham mưu với cấp uỷ những vấn đề thuộc về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác pháp chế của Nhà nước.

Hoạt động kiểm sát chung được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm. Xuất phát từ yêu cầu đảm bảo tính thống nhất của pháp chế, đấu tranh để giữ vững tính hợp pháp của các chủ trương và biện pháp của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội đối với một số ngành kinh tế trọng điểm nhằm phục vụ cho việc bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và chế độ quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa như: Nội thương, ngoại thương, giao thông vận tải, công nghiệp, thủ công nghiệp, nông lâm nghiệp, thuỷ sản. Đối với từng ngành, kiểm sát chung cũng chỉ đi vào một số khâu quan trọng và những mặt hàng chính theo yêu cầu cụ thể ở từng địa phương. Từ kết quả kiểm sát chung, một số Viện kiểm sát đã phát hiện ra nhiều án hình sự, dân sự và qua công tác làm án mà thúc đẩy hoạt động kiểm sát chung kết thúc nhanh hơn, nâng cao chất lượng hơn.

Ngoài các ngành trọng điểm trên, Viện kiểm sát các địa phương còn quan tâm kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại một số đơn vị thuộc ngành y tế, giáo dục, văn hoá, thông tin, lao động... Thông qua công tác kiểm sát đã phát hiện được nhiều vi phạm; kiến nghị các sở y tế chỉ đạo đình chỉ mở hiệu thuốc ba lợi ích ở các bệnh viện; đình chỉ kinh doanh dịch vụ hồi, quế ở các công ty dược phẩm và kinh doanh trâu bò ở xí nghiệp.

Một số Viện kiểm sát các tỉnh phía Nam như: Tiền Giang, Thuận Hải, Nghĩa Bình, Lâm Đồng, Phú Khánh... đã kiến nghị những vi phạm về quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân như: Bắt lao động cải tạo tập trung, tra tấn nhục hình người trốn nghĩa vụ quân sự hoặc nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ. Việc mở các hội nghị pháp chế, xây dựng và củng cố tổ chức, tổng hợp tình hình, vi phạm để kiến nghị cùng cấp đã làm được nhiều việc hơn trước. Việc vận dụng các phương thức công tác kiểm sát làm đồng bộ hơn; một số địa phương đã biết tuỳ theo tình hình và yêu cầu cụ thể, vận dụng một cách linh hoạt, sắc bén, nên đã kết thúc công việc được nhanh gọn hơn, sớm phát huy được hiệu quả.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL