Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1980
Trong tình hình đất nước có nhiều thay đổi, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, ngày 18/12/1980, Quốc hội khoá VI, kỳ họp thứ 7, thông qua Hiến pháp mới. Hiến pháp năm 1980 gồm 12 chương, 147 điều, với nội dung thể chế hoá đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước; đồng thời, xác định nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động quản lý Nhà nước.
Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp. Hiến pháp còn xác định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước chuyên chính vô sản với sứ mệnh thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, động viên và tổ chức nhân dân tiến hành xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội; quy định nguyên tắc Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
|
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ gặp gỡ các đại biểu Quốc hội khóa VII tại kỳ họp thứ 2, tháng 12/1981. (Ảnh tư liệu - Quochoi.vn) |
Tại Chương 10, Hiến pháp năm 1980, có 5 điều trực tiếp quy định về VKSND, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong bộ máy Nhà nước và bổ sung những quy định mới về VKSND.
Hiến pháp năm 1980 xác định chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND: "Kiểm sát việc tuân thủ theo pháp luật của các bộ và cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và đơn vị vũ trang nhân dân, các nhân viên Nhà nước và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất". Hiến pháp năm 1980 tiếp tục khẳng định các nguyên tắc tổ chức hoạt động cơ bản của VKSND là nguyên tắc độc lập và tập trung thống nhất lãnh đạo trong Ngành.
Tháng 7/1981, Quốc hội khoá VII, kỳ họp thứ nhất, thông qua Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, trong đó có 10 điều quy định về VKSND; thông qua Luật Tổ chức VKSND năm 1981 và được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh công bố ngày 13/7/1981. Tại kỳ họp này, Quốc hội bầu đồng chí Trần Lê làm Viện trưởng VKSND tối cao.
Bổ sung và cụ thể hoá về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND
Luật Tổ chức VKSND năm 1981, một mặt, giữ lại những quy định về chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức hoạt động còn phù hợp của Luật Tổ chức VKSND năm 1960; mặt khác, bổ sung và cụ thể hoá về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND, về mối quan hệ giữa VKSND với các cơ quan, nhân viên Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân, về tổ chức cán bộ của VKSND.
Về chức năng, Điều 1 của Luật Tổ chức VKSND năm 1981 quy định: "VKSND tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các bộ và cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và đơn vị vũ trang nhân dân, các nhân viên Nhà nước và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Các VKSND địa phương, các Viện kiểm sát quân sự kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố trong phạm vi trách nhiệm của mình".
Như vậy, theo Luật mới, đối tượng kiểm sát việc tuân theo pháp luật được thể hiện rõ hơn, bao gồm các bộ, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và đơn vị vũ trang nhân dân, các nhân viên nhà nước và công dân. Đồng thời, lần đầu tiên Luật ghi nhận thực hành quyền công tố như là một chức năng chính của ngành Kiểm sát nhân dân.
Nhiệm vụ của VKSND được ghi rõ trong Điều 2: Bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ tập thể của Nhân dân lao động, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự tôn trọng tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân.
Để thực hiện chức năng của mình, Điều 3 của Luật mới quy định các VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố bằng những công tác cụ thể gồm: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các văn bản pháp quy và biện pháp của các bộ và cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và đơn vị vũ trang nhân dân; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các hành vi của các nhân viên Nhà nước và công dân.
Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của cơ quan Công an và các CQĐT khác; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử của TAND; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc chấp hành các bản án và quyết định của TAND đã có hiệu lực pháp luật; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giam, giữ và cải tạo.
Trong phối hợp hoạt động, Điều 4 Luật mới ghi rõ: Các VKSND có trách nhiệm cùng các cơ quan Công an, Thanh tra, Tư pháp, Toà án, các cơ quan khác của Nhà nước và các tổ chức xã hội tích cực đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các việc làm vi phạm pháp luật; phối hợp trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật; xây dựng pháp luật; thống kê, nghiên cứu các tội phạm và việc làm vi phạm pháp luật; đào tạo cán bộ pháp lý.
Luật Tổ chức VKSND năm 1981 tiếp tục ghi nhận VKSND được tổ chức và hoạt động theo chế độ tập trung thống nhất lãnh đạo trong Ngành, không phụ thuộc vào các cơ quan Nhà nước ở địa phương. VKSND do Viện trưởng lãnh đạo, Viện trưởng VKSND cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng VKSND cấp trên, VKSND địa phương chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao (Điều 5, Điều 25).
Kế thừa các quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 1960, Luật mới bổ sung các quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng VKSND tối cao (Điều 25), về cơ cấu tổ chức của VKSND các cấp, về cơ chế hoạt động và nội dung công tác của Uỷ ban Kiểm sát (Điều 22, Điều 23 và Điều 24).
Đối với công tác kiểm sát chung, Luật mới quy định rõ căn cứ để tiến hành kiểm sát là tính phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, các nghị quyết của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, các nghị quyết, các nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư của Hội đồng Bộ trưởng (Điều 6). Ngoài ra, Luật mới còn cụ thể hoá hơn các quyền của VKSND được tiến hành khi thực hiện công tác kiểm sát chung (Điều 7).
Về công tác kiểm sát điều tra, so với Luật năm 1960 về nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ của VKSND với CQĐT khi thực hiện công tác kiểm sát điều tra, Luật mới được quy định cụ thể hơn và bổ sung một số điều cho phù hợp với pháp luật tố tụng hình sự. Từ thực tiễn công tác kiểm sát và tham khảo kinh nghiệm hoạt động của Viện kiểm sát một số nước xã hội chủ nghĩa, VKSND làm công tác kiểm sát điều tra là chủ yếu; chỉ trực tiếp khởi tố, tiến hành điều tra trong trường hợp thấy thật cần thiết. Công tác kiểm sát điều tra nhằm bảo đảm tính hợp pháp và chính xác của hoạt động điều tra và việc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với công tác kiểm sát xét xử hình sự và dân sự, Luật Tổ chức VKSND năm 1981 bổ sung một số quyền cho các Viện kiểm sát: Tham gia các cuộc họp trù bị phiên toà của TAND cùng cấp; yêu cầu Toà án chuyển hồ sơ vụ án để thực hiện công tác kiểm sát xét xử; yêu cầu các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang khởi tố những vụ án dân sự quan trọng có liên quan đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể và quyền lợi chính đáng của công dân.
|
|
Đồng chí Trần Lê, Viện trưởng VKSND tối cao (giai đoạn từ năm 1981 đến năm 1987). (Ảnh tư liệu) |
Đồng chí Trần Lê (tên khai sinh là Lê Tuệ, bí danh Năm Hoà), sinh ngày 5/2/1921 tại xã Tam An, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Năm 1938, đồng chí tham gia tổ chức Đoàn Thanh niên dân chủ, hoạt động trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương; năm 1941, hoạt động trong phong trào Mặt trận Việt Minh tại tỉnh Quảng Nam. Năm 1943, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách: Bí thư Ban Cán sự Đảng cực Nam Trung Bộ, Bí thư Khu uỷ Khu VI, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Lâm Đồng, đại biểu Quốc hội Việt Nam (khoá VII), Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IV, khóa V), Viện trưởng VKSND tối cao (1981 - 1987). Đồng chí được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huy chương cao quý khác. Đồng chí mất ngày 2/4/2003. |
(Còn tiếp)
Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).