Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc về Hội nghị liên ngành được tổ chức tháng 10/1976 bàn về một số nội dung quan trọng về phối hợp công tác giữa các ngành; đặc biệt là việc Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 02/CT ngày 24/12/1976 về một số nhiệm vụ công tác kiểm sát trong tình hình mới, cùng với việc tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao.

Lựa chọn 25 vấn đề các ngành cần phải phối hợp

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng là Đại hội thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục khẳng định con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn; vạch ra đường lối chung đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Đảng được củng cố về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Các cấp ủy đảng và đội ngũ cán bộ của Đảng được lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng theo đúng đường lối chính trị của Đảng, được bảo đảm về chất lượng, đoàn kết nhất trí, phấn đấu biến các nghị quyết của Đại hội thành hành động cách mạng trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội.

Quán triệt các nghị quyết của Đảng và của Quốc hội, ngành Kiểm sát nhân dân được kiện toàn về tổ chức và tích cực đẩy mạnh hoạt động trên phạm vi cả nước với nhiệm vụ chung là bảo vệ một nền pháp chế thống nhất.

Công tác kiểm sát được tiến hành trong bối cảnh nhiều vấn đề về đường lối, chính sách của Đảng chưa được thể chế hoá thành pháp luật; hệ thống pháp luật còn thiếu và chưa đồng bộ, sự hiểu biết về pháp luật của cán bộ và nhân dân còn thấp, việc chấp hành pháp luật còn nhiều thiếu sót, chưa nghiêm chỉnh và thống nhất. 

Hàng năm, ngành Kiểm sát căn cứ vào chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội làm kim chỉ nam để đề ra kế hoạch, nhiệm vụ và trọng tâm công tác cụ thể, trong đó, chú trọng phục vụ việc bảo vệ và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, trên cả hai mặt quyền lợi và nghĩa vụ, phục vụ việc thực hiện kế hoạch Nhà nước mà trọng tâm là nông nghiệp, lương thực, giao thông vận tải, thương nghiệp..., phục vụ an ninh trật tự và củng cố quốc phòng, phục vụ việc xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện.

Do bước đi của cách mạng ở hai miền còn khác nhau nên nhiệm vụ công tác kiểm sát và hoạt động công tố ở mỗi miền cũng có những đặc điểm riêng. VKSND các tỉnh phía Bắc tập trung thực hiện ba nhiệm vụ: Bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và chế độ quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ các quyền dân chủ của nhân dân; bảo vệ trật tự xã hội và an ninh chính trị. 

VKSND các tỉnh phía Nam tập trung vào việc đấu tranh xoá bỏ giai cấp Tư sản mại bản phản động, đầu cơ, tích trữ, phá rối thị trường, chống các tệ nạn do xã hội cũ để lại, tích cực phục vụ chủ trương, chính sách thống nhất tiền tệ, cải tạo công thương nghiệp Tư bản tư doanh và thực hiện cách mạng quan hệ sản xuất ở nông thôn, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu để ổn định tình hình vùng mới giải phóng.

Để đạt hiệu quả cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, từ ngày 26 đến ngày 27/10/1976, Hội nghị liên ngành Kiểm sát, Thanh tra, Hội đồng trọng tài, Toà án, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Ban kiểm tra, Ban tổ chức, do đồng chí Trần Hữu Dực - Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trần Hữu Dực - Viện trưởng VKSND tối cao cùng cán bộ cơ quan VKSND tối cao. (Ảnh: tư liệu)

Hội nghị bàn về một số nội dung quan trọng trong phối hợp công tác giữa các ngành và đường lối xử lý, giải quyết án; coi sự cần thiết của việc phối hợp công tác giữa các ngành là một nguyên tắc, một yêu cầu trong phong cách làm việc, nhằm tạo điều kiện cho các ngành làm tốt trách nhiệm của mình, đoàn kết, nhất trí, thông cảm, đôn đốc lẫn nhau, tránh được những việc làm không ăn khớp, chồng chéo, trùng lắp, gây khó khăn không đáng có. Vì thế, các ngành từ Trung ương đến các địa phương và cơ sở trong cả nước đã chủ động cùng nhau thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ngành.

Về phạm vi phối hợp công tác: Hội nghị lựa chọn 25 vấn đề các ngành cần phải phối hợp. Trong 25 vấn đề đó, trước hết tập trung giải quyết các vấn đề: Về chủ trương xử lý các loại vụ việc mà giữa các ngành, các cấp có ý kiến khác nhau; việc tập trung cải tạo; những vụ đã tuyên án nhưng không thi hành; một số vụ án cần xét thêm theo tinh thần không rũ rối; khắc phục xu hướng trừng trị nặng đối với nhân dân lao động; giải quyết khiếu tố; một số vấn đề cấp bách về trật tự an ninh Thủ đô Hà Nội; vấn đề phối hợp công tác giữa các ngành có liên quan ở các tỉnh phía Nam...

Hội nghị ủy nhiệm đồng chí Trần Hữu Dực - Viện trưởng VKSND tối cao triệu tập và chủ trì các cuộc họp định kỳ và bất thường để phối hợp giữa các ngành.

Chỉ thị của Viện trưởng về một số nhiệm vụ công tác kiểm sát trong tình hình mới

Trước những yêu cầu mới của cách mạng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát hết sức nặng nề. Ngày 24/12/1976, Viện trưởng VKSND tối cao ra Chỉ thị số 02/CT về một số nhiệm vụ công tác kiểm sát trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ: Công tác kiểm sát cần phải cùng với các ngành tập trung vào việc bảo vệ và không ngừng phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động, chống chủ nghĩa quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, chống cục bộ, bản vị, địa phương chủ nghĩa và các quan điểm lệch lạc... 

Đồng thời, tập trung lực lượng bảo vệ chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa và chế độ quản lý kinh tế, nhằm đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất lao động và cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ an ninh chính trị, nhất là ở những nơi trọng tâm, ở vùng trọng điểm như TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác, vùng có bọn phản động, đội lốt tôn giáo, dân tộc và các vùng cơ sở còn yếu.

Về nhiệm vụ của các công tác kiểm sát, Chỉ thị nêu rõ: Công tác kiểm sát chung phải tăng cường kiểm sát tuân theo pháp luật trong các văn bản có tính chất pháp quy của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, các cơ quan Nhà nước địa phương; công tác kiểm sát điều tra phải bảo đảm việc phê chuẩn bắt giam có đủ cơ sở pháp lý, đúng pháp luật, khách quan.

Công tác kiểm sát xét xử phải tăng cường công tác phúc thẩm và giám đốc thẩm, nhất là ở phía Nam; công tác kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong các trại giam và trại cải tạo cần được tăng cường hơn nữa; công tác kiểm sát xét xử dân sự phải được chú ý hơn nữa đến việc yêu cầu khởi tố hoặc trực tiếp khởi tố hành vi vi phạm pháp luật dân sự gây thiệt hại lớn đến tài sản xã hội chủ nghĩa, đến quyền lợi và lợi ích của công dân. Chỉ thị nhấn mạnh đến công tác xây dựng tổ chức Ngành, công tác thông tin khoa học, đào tạo cán bộ.

Tháng 11/1977, ngành Kiểm sát tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao tại TP Hồ Chí Minh, nhằm xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương hướng, phương châm công tác kiểm sát để đi đến thống nhất hoạt động trong toàn ngành Kiểm sát từ sau khi nước nhà hoàn toàn thống nhất. Dự hội nghị có đồng chí Trần Hữu Dực - Viện trưởng VKSND tối cao, các đồng chí Phó Viện trưởng, các đồng chí lãnh đạo cấp vụ thuộc VKSND tối cao, các đồng chí lãnh đạo VKSND tỉnh, thành trong cả nước. 

Hội nghị thảo luận những vấn đề lớn như nhiệm vụ, phương hướng công tác kiểm sát 5 năm (1976 - 1980); quy hoạch cán bộ 1976 - 1980; kế hoạch xây dựng cơ bản, trang bị phương tiện làm việc của Ngành trong 5 năm; một số vấn đề về tổ chức và cán bộ trong giai đoạn mới. 

Hội nghị cũng tập trung thảo luận nhiều về các công tác nghiệp vụ kiểm sát như: Phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trọng tâm là phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp; công tác kiểm sát phục vụ việc thực hiện Nghị quyết số 228-NQ/TW của Bộ Chính trị; bàn biện pháp giải quyết án tồn đọng và vấn đề bắt, giam, tha. 

Về mối quan hệ giữa ngành Kiểm sát với các ngành Công an, Toà án, Thanh tra và các ngành khác; về sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng đối với công tác kiểm sát; về xây dựng cấp huyện; về chức trách, nhiệm vụ của các cấp kiểm sát và mối quan hệ giữa các cấp; tổ chức ở Viện kiểm sát tỉnh, thành; công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, phẩm chất đạo đức của cán bộ Kiểm sát; vấn đề quản lý tình hình, công tác kiểm sát. 

Hội nghị nghe 16 bản báo cáo điển hình về công tác thực hiện chức năng kiểm sát, về xây dựng điểm pháp chế, kiểm sát hình sự, về kinh nghiệm công tác kiểm sát... Cụ thể, VKSND tỉnh Lâm Đồng báo cáo về kinh nghiệm kiểm sát Lâm nghiệp; VKSND tỉnh Bình Trị Thiên báo cáo việc xây dựng điểm tiên tiến; VKSND TP Hải Phòng báo cáo về kiểm sát việc làm án; VKSND tỉnh Nghệ Tĩnh báo cáo kinh nghiệm xây dựng cấp huyện; VKSND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng báo cáo kinh nghiệm công tác giải quyết đơn từ, khiếu tố; VKSND tỉnh Hà Nam Ninh báo cáo kinh nghiệm phục vụ Nghị quyết số 228-NQ/TW; VKSND tỉnh Vĩnh Phú báo cáo kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới...

Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ, Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao, việc thực hiện nhiệm vụ của ngành Kiểm sát hàng năm có những biến chuyển đáng kể, góp phần củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong những năm đầu đất nước hoàn toàn thống nhất. 

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL