Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc nội dung Sắc luật số 03-SL/76 của Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam; ngành Kiểm sát tổ chức Hội nghị toàn miền Nam để quán triệt nội dung Thông tư hướng dẫn thi hành ba Sắc luật của Chính phủ Cách mạng lâm thời, nghe phổ biến Chỉ thị số 229-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị; nội dung Chỉ thị số 01 ngày 15/2/1976 của Viện trưởng VKSND tối cao...

Hướng dẫn tổ chức và hoạt động của VKSND các tỉnh, thành phố phía Nam

Sắc luật số 03-SL/76 của Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam gồm 4 chương, 12 điều, quy định về các tội phạm và hình phạt, nguyên tắc xử phạt và lượng hình đối với các loại tội cụ thể: Tội phản cách mạng; tội xâm phạm tài sản công cộng; tội xâm phạm đến thân thể và nhân phẩm của công dân; tội kinh tế; tội lạm dụng chức vụ quyền hạn; tội hối lộ; tội xâm phạm tài sản riêng của công dân; tội xâm phạm đến trật tự công cộng, an toàn công cộng và sức khoẻ của nhân dân. 

Trong đó, tội phản cách mạng, tội xâm phạm tài sản công cộng, tội xâm phạm đến thân thể và nhân phẩm của công dân, tội kinh tế có hình phạt cao nhất là tử hình. Nguyên tắc xử lý là nghiêm trị bọn chủ mưu, cầm đầu, tái phạm, phạm tội có tổ chức, dùng thủ đoạn tàn ác, gây hậu quả nghiêm trọng; khoan hồng đối với trường hợp thật thà hối cải, tự thú hoặc tố giác đồng bọn, lập công chuộc tội.

Hệ thống hình phạt gồm hình phạt chính và hình phạt phụ như tước quyền bầu cử, ứng cử đối với tội phản cách mạng, bị quản chế cấm lưu trú hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản đối với các tội có liên quan đến tài sản. Nguyên tắc lượng hình là dựa vào lương tri cách mạng và căn cứ vào điều khoản của Sắc luật, vào tính chất và mức độ nguy hại của tội phạm, vào lai lịch của người phạm tội và những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội để Toà án quyết định hình phạt một cách nghiêm minh. Nội dung Sắc luật đã thể hiện rõ chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong tình hình cả nước thống nhất.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh chung cuộc mít-tinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn, ngày 7.5.1975. Ảnh tư liệu.

Để cụ thể hoá Sắc luật số 01-SL/76, ngày 27/4/1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra Thông tư số 10/BTP/TT hướng dẫn về việc tổ chức và hoạt động của VKSND các tỉnh, thành phố phía Nam.

Trước đó, ngày 23/4/1976, Bộ Tư pháp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ban hành Nghị định số 09/BTP-NĐ, thành lập 21 VKSND cấp tỉnh trực thuộc Trung ương ở các tỉnh, thành phố phía Nam.

Ở các tỉnh phía Nam, các Viện kiểm sát tuy mới được thành lập, lực lượng còn non trẻ nhưng cũng đã tập trung vào việc bảo vệ quyền dân chủ của công dân, coi đó là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để ổn định tình hình vùng mới giải phóng, góp phần đấu tranh xoá bỏ pháp luật cũ, thiết lập và củng cố pháp chế cách mạng. 

Cùng với các ngành chuyên chính, các Viện kiểm sát góp phần trấn áp kịp thời, mạnh mẽ bọn phản cách mạng, bọn gián điệp Mỹ - Nguỵ cài lại, bọn phản động trong các tôn giáo và Tư sản mại bản cấu kết với đế quốc, trừng trị nghiêm khắc bọn cầm đầu các tổ chức vũ trang (bạo loạn), bọn xúi giục, lừa đảo người trốn đi nước ngoài, bọn gian thương phá rối thị trường, các băng ổ lưu manh, côn đồ, giết người, cướp của. 

Vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc xoá bỏ giai cấp Tư sản mại bản, đưa tập trung cải tạo những tên ngụy quân, ngụy quyền có tội ác với nhân dân, tham gia giải quyết các tệ nạn xã hội cũ để giữ vững trật tự trị an, củng cố chính quyền cách mạng. Đồng thời đã tích cực phục vụ chủ trương, chính sách thống nhất tiền tệ, cải tạo công thương nghiệp Tư bản tư doanh và vận động nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể.

Các viện kiểm sát tỉnh, thành phố, quận, huyện miền Nam cần được xây dựng nhanh chóng, vừa xây dựng, vừa chiến đấu để góp phần vào việc bảo vệ và kiện toàn chính quyền cách mạng, thúc đẩy việc thiết lập một trật tự mới, cùng các cơ quan chính quyền, toàn thể nhân dân đấu tranh đè bẹp sự phản kháng của các thế lực phản động, xoá bỏ giai cấp Tư sản mại bản, quét mạnh bọn lưu manh, trộm cướp, thanh toán các tệ nạn xã hội. 

Đồng thời, thông qua việc đấu tranh chống các tội phạm hình sự, các Viện kiểm sát cần làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục mọi người tuân thủ pháp chế, phát hiện kiến nghị cùng các ngành, các cấp, các đoàn thể nhân dân khắc phục những vi phạm chính sách và pháp luật, xâm phạm đến quyền dân chủ và lợi ích chính đáng của quần chúng. Từ đó, các Viện kiểm sát phía Nam cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể là: Trấn áp bọn phản cách mạng; bảo vệ trật tự trị an xã hội, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ việc thi hành các chính sách, luật lệ về kinh tế, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của quần chúng. 

VKSND hai cấp được thành lập và đi vào hoạt động, buổi đầu gặp rất nhiều khó khăn và thử thách. Lực lượng kiểm sát nòng cốt lúc này là những đồng chí từ miền Bắc chi viện và một số bộ đội, cán bộ ngành khác được chuyển sang. Trong những năm đầu mới thành lập, hai cấp kiểm sát có phần lúng túng khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ do mới mẻ, chưa có nghiệp vụ và chưa có kinh nghiệm.

Cơ sở vật chất rất thiếu thốn, phần lớn trụ sở làm việc của Viện kiểm sát được ghép chung một phần với Toà án, có Viện kiểm sát phải làm việc tại nhà dân. Vừa xây dựng bộ máy tổ chức, vừa làm, vừa học, nhân dân còn xa lạ với hoạt động của ngành Kiểm sát, nhưng Ngành vẫn hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho.

leftcenterrightdel
 Nhân dân Sài Gòn - Gia Định chào đón Ủy ban Quân quản thành phố sau ngày giải phóng.

Tổ chức hội nghị quán triệt nội dung Thông tư hướng dẫn thi hành ba Sắc luật

Sau chiến tranh, việc nhanh chóng khắc phục hậu quả của chiến tranh, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và nhất là đẩy mạnh phát triển kinh tế là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. 

Ngày 12/4/1976, lần đầu tiên từ sau ngày miền Nam giải phóng, ngành Kiểm sát tổ chức Hội nghị toàn miền Nam để quán triệt nội dung Thông tư hướng dẫn thi hành ba Sắc luật của Chính phủ Cách mạng lâm thời; nghe phổ biến Chỉ thị số 229-CT/TW của Bộ Chính trị về tình hình và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về quan điểm chuyên chính vô sản và lập trường của giai cấp công nhân, về đường lối quần chúng trong công tác kiểm sát; nghe phổ biến Chỉ thị số 11 của Ban Đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam về tăng cường công tác nội chính và Chỉ thị số 01 của Viện trưởng VKSND tối cao về nhiệm vụ công tác kiểm sát ở hai miền Nam, Bắc. 

Hội nghị xác định: Toàn ngành Kiểm sát phải có những chuyển biến mới trong công tác về mặt tổ chức và chỉ đạo để bảo đảm đưa công tác đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật lên một bước mới, mạnh mẽ và có hiệu quả hơn theo Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 

Hội nghị có tác dụng nâng cao một bước nhận thức về tình hình nhiệm vụ mới, thấu suốt quan điểm của Đảng trong cách mạng miền Nam và chủ trương công tác của VKSND tối cao trong bước đi của ngành Kiểm sát.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, ngành Kiểm sát được tổ chức và hoạt động trên phạm vi toàn quốc với nhiệm vụ chung là bảo vệ một nền pháp chế thống nhất. Nhưng do bước đi của cách mạng ở hai miền còn khác nhau nên nhiệm vụ công tác Kiểm sát và hoạt động công tố ở mỗi miền cũng có những đặc điểm riêng. 

Chỉ thị số 01 ngày 15/2/1976 của Viện trưởng VKSND tối cao về nhiệm vụ công tác Kiểm sát năm 1976 đã chỉ rõ: Viện kiểm sát các tỉnh phía Bắc tập trung làm tốt ba nhiệm vụ là bảo vệ tài sản xã hội và chế độ quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ các quyền dân chủ của nhân dân; bảo vệ trật tự xã hội và an ninh chính trị.

Viện kiểm sát các tỉnh phía Nam tập trung vào việc đấu tranh xoá bỏ giai cấp Tư sản mại bản phản động, đầu cơ, tích trữ, phá rối thị trường, chống các tệ nạn do xã hội cũ để lại, tích cực phục vụ chủ trương, chính sách thống nhất tiền tệ, cải tạo công thương nghiệp Tư bản tư doanh và thực hiện cách mạng quan hệ sản xuất ở nông thôn, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu để ổn định tình hình vùng mới giải phóng.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL