Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc hoạt động của ngành Kiểm sát năm 1976; Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng và việc Quốc hội bầu đồng chí Trần Hữu Dực làm Viện trưởng VKSND tối cao giai đoạn 1976-1981.

Tập trung làm tốt các khâu công tác kiểm sát

Năm 1976, ngành Kiểm sát vận dụng đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc xoá bỏ Tư sản mại bản phản động, tham gia giải quyết các tệ nạn của xã hội cũ để lại, nhằm giữ vững trật tự trị an, củng cố chính quyền cách mạng, tích cực phục vụ chủ trương, chính sách thống nhất tiền tệ, cải tạo công thương nghiệp Tư bản tư doanh và thực hiện cách mạng quan hệ sản xuất ở nông thôn.

Cuối những năm 70 đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn. Ở miền Bắc, nền kinh tế nhỏ, yếu, cơ sở vật chất, kỹ thuật thấp kém, tổ chức quản lý phân tán, kém hiệu lực. Do chưa lường được các quy luật khách quan về kinh tế - xã hội, cùng với việc tiếp tục duy trì cơ chế quản lý kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp dẫn đến tập trung cả về bộ máy hành chính, sát nhập các đơn vị hành chính, từ Hợp tác xã, huyện đến tỉnh làm cho năng lực quản lý không bắt kịp cuộc sống, tính chất quan liêu của các cơ quan công quyền gia tăng, dẫn đến tình trạng xâm phạm của công diễn ra ở nhiều nơi, cơ sở vật chất không được quan tâm phân bổ đồng đều giữa các vùng, miền. Đời sống nhân dân vô cùng khó khăn do khủng hoảng kinh tế, lạm phát, đồng tiền mất giá hết sức trầm trọng. 

Ở miền Nam, bọn phản động và các thế lực thù địch vẫn tiếp tục chống phá ta về mọi mặt, chúng lợi dụng các tôn giáo, ngụy quân, ngụy quyền không chịu cải tạo, tập hợp lực lượng chống phá ta quyết liệt, khuyến khích dân di tản, kích động hoạt động phỉ gây bạo loạn... Từ năm 1975 đến năm 1979, Đảng lãnh đạo quân và dân ta tiến hành hai cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Bị thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh xâm lược, Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu lật đổ, phá hoại cách mạng Việt Nam, lợi dụng triệt để sự bất đồng trong nội bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa, tiến hành phong toả tài sản của Việt Nam, tuyên bố cấm vận thương mại, phủ quyết Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Trong khi đó, những tên phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài, làm gián điệp cho Mỹ, tìm mọi cách trở về Việt Nam, liên lạc với FULRO để hoạt động chống phá cách mạng...

Quán triệt mục tiêu phục vụ đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, ngành Kiểm sát tập trung phục vụ các mục tiêu phát triển sản xuất, giữ vững kỷ luật trong phân phối, lưu thông, tăng cường chế độ trách nhiệm trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội; trấn áp kiên quyết, mạnh mẽ bọn phản động, trừng trị nghiêm khắc tội phạm kinh tế và các tội phạm khác, tập trung làm tốt các khâu công tác kiểm sát, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Hoạt động của Viện kiểm sát quân sự trong giai đoạn này cũng được mở rộng hơn trước, cả về địa bàn và nội dung công tác. Viện kiểm sát đã có nhiều cố gắng trong việc bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, đấu tranh chống các tội phạm về kinh tế, tội phạm về chức vụ, nâng cao sức chiến đấu của quân đội. Hoạt động kiểm sát đã góp phần đấu tranh chống bọn tội phạm phản cách mạng, bọn Tư sản mại bản phản động, phục vụ việc thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh phía Nam.

Viện trưởng VKSND tối cao Trần Hữu Dực giai đoạn 1976-1981

Trước tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, tại Kỳ họp thứ nhất (từ ngày 24/6 đến ngày 3/7/1976), Quốc hội khóa VI của nước Việt Nam thống nhất ra tuyên bố, trong đó nêu rõ nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là: "Hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, miền Bắc phải tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, miền Nam phải đồng thời cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội". 

Tuyên bố cũng nêu rõ nội dung cơ bản của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước, đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, những nhiệm vụ cụ thể và chính sách đối ngoại của Nhà nước.

Quốc hội quyết định lấy tên nước là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết định về quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, Thủ đô và quyết định thành phố Sài Gòn - Gia Định được vinh dự mang tên TP Hồ Chí Minh; công nhận Quốc hội này là Quốc hội khoá VI, thành lập Uỷ ban Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Trong khi chờ đợi Hiến pháp mới, Nhà nước tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp năm 1959 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quốc hội bầu Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng; Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh; Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Hữu Thọ; Chánh án TAND tối cao Phạm Văn Bạch; Viện trưởng VKSND tối cao Trần Hữu Dực.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trần Hữu Dực ký thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ với Viện kiểm sát tối cao Liên Xô trong chuyến thăm và làm việc tại Liên Xô (tháng 5/1980). (Ảnh: tư liệu)

Để đánh giá kết quả công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc hơn 20 năm (1954-1975) và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân cả nước, đồng thời, xác định đường lối xây dựng đất nước trong giai đoạn mới của cách mạng, từ ngày 14 đến ngày 20/12/1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng họp tại Hà Nội.

Đại hội xác định: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước chuyên chính vô sản, có sứ mệnh lịch sử là thực hiện quyền làm chủ tập thể của Nhân dân lao động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; vạch ra đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước ta với việc xác định Nhà nước quyết định nền kinh tế quốc dân theo nguyên tắc kế hoạch hoá tập trung với hai thành phần kinh tế chủ yếu: Kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và kinh tế Hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể của Nhân dân lao động; cụ thể hoá đường lối chung và xác định các mục tiêu kinh tế - xã hội trong giai đoạn cách mạng mới, nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

leftcenterrightdel
 Viện trưởng VKSND tối cao Trần Hữu Dực, giai đoạn 1976-1981 (Ảnh: VKSNDTC)
Đồng chí Trần Hữu Dực sinh ngày 15/1/1910 tại  xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đồng chí tham gia cách mạng từ khi 15 tuổi, năm 1929, gia nhập Đảng Cộng sản. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách: Đổng lý sự vụ Bộ Nội vụ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Đảng đoàn Chính phủ, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Quân đội nhân dân Việt Nam, Uỷ viên Quân uỷ Trung ương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Trưởng Ban Công tác nông thôn Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông trường, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Bí thư Khu ủy Trị Thiên, Trưởng Ban Công tác đặc biệt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng VKSND tối cao (1976-1981), Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khoá I đến khóa IV, đại biểu Quốc hội Việt Nam từ khoá I đến khoá VI. Đồng chí được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba. Đồng chí Trần Hữu Dực mất ngày 21/8/1993.


(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL