Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc việc xây dựng hệ thống tổ chức VKSND các cấp từ năm 1976 đến năm 1981; ngành Kiểm sát tổ chức Hội nghị về công tác tổ chức và cán bộ tháng 10/1978; Hội nghị tập huấn về công tác kiểm sát phục vụ việc xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện ở hai miền Nam, Bắc năm 1979.
11 đơn vị trực thuộc VKSND tối cao năm 1976
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngành Kiểm sát hết sức chú trọng xây dựng hệ thống tổ chức VKSND các cấp. Từ năm 1976 đến năm 1981, VKSND tiếp tục xây dựng và kiện toàn tổ chức theo Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức VKSND năm 1960. Trung ương Đảng và Quốc hội hết sức quan tâm và thường xuyên chỉ đạo đối với ngành Kiểm sát.
Hệ thống tổ chức của VKSND từ Trung ương đến địa phương gồm: VKSND tối cao; VKSND các tỉnh, thành phố; VKSND các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân sự cấp thứ hai, Viện kiểm sát quân sự khu vực.
Cơ cấu tổ chức của VKSND tối cao gồm: Đồng chí Trần Hữu Dực - Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao. Các đồng chí Phó Viện trưởng: Trần Hiệu, Nguyễn Quốc Hồng, Huỳnh Lắm, Lâm Văn Thê, Nguyễn Văn Nam. Ủy ban Kiểm sát gồm các đồng chí lãnh đạo VKSND tối cao và một số Kiểm sát viên VKSND tối cao. Cán bộ lãnh đạo cấp vụ và đội ngũ cán bộ của Viện được kiện toàn.
Năm 1976, VKSND tối cao có 11 đơn vị trực thuộc, gồm: 1. Vụ Kiểm sát chung; 2. Vụ Kiểm sát điều tra hình sự 1, hình sự 2; 3. Vụ Kiểm sát xét xử hình sự; 4. Vụ Kiểm sát xét xử dân sự; 5. Vụ Kiểm sát giam giữ cải tạo; 6. Vụ Tổ chức và cán bộ; 7. Vụ Tổng hợp; 8. Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát; 9. Phòng Điều tra thẩm cứu; 10. Phòng Tiếp dân; 11. Văn phòng. Trong đó, Viện trưởng VKSND tối cao trực tiếp lãnh đạo Viện kiểm sát quân sự Trung ương.
Để tăng cường hoạt động kiểm sát, năm 1977, VKSND tối cao tích cực xây dựng và kiện toàn các đơn vị trong Viện, thành lập thêm một số đơn vị: Vụ Kiểm sát điều tra án kinh tế, Vụ Kiểm sát điều tra án trị an (Vụ 2B), Vụ Kiểm sát điều tra án an ninh (Vụ 2C).
VKSND các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tổ chức cán bộ. Lực lượng Kiểm sát viên ở VKSND các cấp từ tỉnh, thành đến quận, huyện còn quá mỏng, nhất là cấp huyện ở phía Nam. Nhiều Viện kiểm sát còn thiếu cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, chưa bảo đảm việc thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ công tác kiểm sát.
|
|
Khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VI (2/6/1976). (Ảnh tư liệu) |
Do những khó khăn khách quan, công tác tổ chức và chỉ đạo của VKSND tối cao chưa chuyển biến kịp với tình hình mới, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý tình hình vi phạm, tội phạm. Công tác kiểm sát trước đây chỉ hoạt động trong phạm vi ở các tỉnh, thành miền Bắc, nay thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo quản lý trên quy mô cả nước. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách của VKSND tối cao là phải sắp xếp lại lực lượng, tăng cường tổ chức theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị.
Tăng cường 377 cán bộ từ các Viện kiểm sát phía Bắc cho các Viện kiểm sát phía Nam
Viện trưởng VKSND tối cao xác định rõ nhiệm vụ của công tác tổ chức cán bộ là: Phải điều động cán bộ nghiệp vụ cho các Viện kiểm sát phía Nam và phải chú ý thay thế những cán bộ được điều đi công tác, phải đặc biệt chú ý xây dựng Viện kiểm sát cấp huyện; phải chuyển kịp với yêu cầu chính trị, bảo đảm công tác chỉ đạo thực hiện được nhạy bén, sâu sát, nâng cao tính khoa học.
Đồng thời, sớm thực hiện thống nhất điều lệ chức trách của Kiểm sát viên, cán bộ, nhân viên nghiệp vụ, cải tiến tổ chức và lề lối làm việc để tăng cường sự chỉ đạo đồng bộ các mặt công tác ở các cấp, bảo đảm quản lý chặt chẽ hoạt động của các Viện kiểm sát trong cả nước; phải nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ; bên cạnh việc đào tạo và mở rộng quy mô cấp tốc, cần nâng cao chất lượng đào tạo dài hạn, chất lượng giảng viên và chuẩn bị điều kiện vật chất để nâng Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát lên trình độ cao đẳng.
Thực hiện chủ trương của VKSND tối cao, nhằm đáp ứng nhu cầu cán bộ cho các tỉnh phía Nam, ngay từ năm 1976, một số lượng lớn cán bộ từ phía Bắc được điều chuyển công tác vào các Viện kiểm sát phía Nam. Năm 1977, số cán bộ được tăng cường từ các Viện kiểm sát phía Bắc cho các Viện kiểm sát phía Nam là 377 người.
Tháng 10/1978, ngành Kiểm sát tổ chức Hội nghị về công tác tổ chức và cán bộ. Đồng chí Trần Hữu Dực - Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì và quán triệt Nghị quyết số 10-NQ/TW của Trung ương về kiện toàn tổ chức, cải tiến chế độ làm việc và Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư về xây dựng quy hoạch cán bộ để đáp ứng yêu cầu của tình hình nhiệm vụ mới.
Hội nghị thảo luận báo cáo về kiện toàn tổ chức, cải tiến chế độ làm việc của Ngành; về tiêu chuẩn Kiểm sát viên; về kế hoạch xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý của ngành Kiểm sát, nhằm phát huy hiệu lực bộ máy tổ chức của VKSND. Về cơ cấu tổ chức, đối với VKSND cấp huyện, cần hình thành tổ chức theo khâu nghiệp vụ và các khối công tác kiểm sát chung, dân sự, văn phòng và giải quyết đơn, có Kiểm sát viên phụ trách. Bộ máy của VKSND các cấp vẫn không thay đổi.
Tiếp đó, tháng 3/1979, ngành Kiểm sát tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác kiểm sát phục vụ việc xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện ở hai miền Nam, Bắc. Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 21/1/1978 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện và Nghị quyết số 33-CP ngày 4/2/1978 của Hội đồng Chính phủ về việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp huyện trong lĩnh vực quản lý kinh tế.
Hội nghị chỉ ra các mặt công tác cần chú trọng là: Công tác kiểm sát phục vụ việc bảo vệ và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; công tác kiểm sát phục vụ việc thực hiện kế hoạch Nhà nước; công tác kiểm sát phục vụ việc tăng cường quốc phòng, củng cố vùng biên giới, vùng có chiến sự; công tác kiểm sát phục vụ việc tăng cường an ninh chính trị và trật tự xã hội; công tác kiểm sát phục vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; yêu cầu Viện kiểm sát huyện tăng cường công tác kiểm sát việc thi hành Nghị quyết số 228-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 159 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục cải tiến công tác nghiệp vụ kiểm sát và kiện toàn tổ chức VKSND cấp huyện.
Sang năm 1979, do yêu cầu công tác kiểm sát phục vụ vùng có chiến sự, các Viện kiểm sát huyện biên giới phía Bắc được tăng cường 53 cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng kịp thời các yêu cầu đặt ra trong tình hình chiến sự. Tính đến năm 1981, hầu hết các tỉnh, thành phía Nam đã được bổ sung gần đủ cán bộ cho các bộ phận nghiệp vụ, góp phần ổn định tương đối bộ máy tổ chức Viện kiểm sát trong cả nước.
Công tác điều động cán bộ nghiệp vụ cho các Viện kiểm sát phía Nam được chú ý; kịp thời thay thế những cán bộ được điều đi công tác, đặc biệt chú ý bổ sung cho Viện kiểm sát cấp huyện, để chuyển kịp với yêu cầu chính trị.
Để chỉ đạo kịp thời công tác kiểm sát ở các tỉnh phía Nam, VKSND tối cao thành lập đại diện tại TP Hồ Chí Minh. Phân công một đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao trực tiếp phụ trách công tác ở miền Nam tại TP Hồ Chí Minh, điều chuyển một số đồng chí là lãnh đạo cấp vụ thuộc VKSND tối cao, nhất là các Vụ hình sự, Vụ 2A, 2B, Vụ 4 và chuyên viên nghiệp vụ có kinh nghiệm vào công tác ở miền Nam để kiểm tra và hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ ở các VKSND cấp tỉnh, thành phố và các Viện kiểm sát cấp huyện phía Nam.
VKSND tối cao lập kế hoạch bố trí cán bộ, từng bước bảo đảm yêu cầu về tính đồng bộ, về chuyên môn nghiệp vụ, trước hết, tập trung cho các vùng quan trọng, chú ý vùng thành phố đông dân nơi tập trung giáo dân, giáo phái, vùng biên giới, nơi cơ sở yếu, có lực lượng phản động hoạt động.
(Còn tiếp)
Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).