Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát năm 1970, năm 1971; các kiến nghị, kháng nghị của Ngành trên một số lĩnh vực nhằm yêu cầu khắc phục, chấn chỉnh những vi phạm.

Kiến nghị yêu cầu chấn chỉnh các vi phạm trong quản lý thị trường

Trong năm 1970, tiến hành công tác kiểm sát chung, thực hiện chỉ thị công tác của ngành, VKSND các cấp đã tập trung kiểm sát nhiều lĩnh vực hoạt động như: Quản lý thị trường; ngân hàng; sản xuất nông nghiệp; quản lý lâm sản; chống các hành vi đầu cơ, buôn lậu, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân. 

Ngành Kiểm sát chủ trương lấy việc phục vụ nông nghiệp làm trung tâm, chú trọng kiểm sát việc chấp hành các chính sách và pháp luật về quản lý lao động, ăn chia, phân phối, ổn định nghĩa vụ lương thực, thu mua, dân công; kiểm sát việc thi hành các hợp đồng giữa Hợp tác xã với cơ quan nhà nước nhằm khuyến khích và thúc đẩy sản xuất trong khu vực kinh tế tập thể, đồng thời tiếp tục cuộc vận động đưa Điều lệ vào Hợp tác xã; kiểm sát việc xây dựng nội quy bầu cử các cán bộ chủ chốt của Hợp tác xã. 

Ngành Kiểm sát tiếp tục phát hiện và đấu tranh với một số vi phạm còn tồn tại của ngành Lâm nghiệp trong nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, trong công tác quản lý vận chuyển và phân phối lâm sản. 

Trong lĩnh vực lưu thông, phân phối, ngành Kiểm sát đi vào một số cơ sở của các ngành nội thương, ngoại thương, lương thực, thực phẩm... với nội dung chủ yếu là kiểm sát việc tuân theo các chính sách và chế độ, thể lệ về quản lý vật tư và hàng hoá, tem phiếu, chế độ, thể lệ thu mua, phân phối, góp phần vào việc quản lý thị trường. 

Qua kết quả kiểm sát của các Viện kiểm sát địa phương, VKSND tối cao ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho cấp dưới, đồng thời ban hành nhiều kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để khắc phục và chấn chỉnh cấp dưới. 

Ngày 20/2/1970, VKSND tối cao có kiến nghị số 401/V1 gửi Chủ nhiệm Văn phòng kinh tế Phủ Thủ tướng, yêu cầu chấn chỉnh các vi phạm trong quản lý thị trường. Ngày 10/3/1970, VKSND tối cao có kiến nghị số 577/N1 gửi Ngân hàng Quốc gia. Qua kiểm sát văn bản, VKSND tối cao phát hiện trong Chỉ thị số 18-CT/TN/NH ngày 8/10/1969 của Ngân hàng Quốc gia về công tác cho vay đối với Hợp tác xã mua bán trong tình hình mới có những bất cập cần phải sửa đổi. Ngày 23/10/1970, VKSND tối cao có kiến nghị, đề nghị Phủ Thủ tướng chỉ thị cho Tổng cục Đường sắt kiểm điểm về tình hình quản lý than phế phẩm, phế liệu và chủ trương đổi than lấy vật liệu, kiểm tra toàn bộ việc ký hợp đồng mua bán, trao đổi của xưởng nhiên liệu và có biện pháp xử lý những người đã lợi dụng việc mua bán, trao đổi trên để tham ô, ăn cắp. 

Ngày 26/10/1970, VKSND tối cao có kháng nghị số 2672/V1 gửi Bộ trưởng Bộ Công nghiệp kháng nghị về một số vấn đề Bộ Công nghiệp nhẹ đã có những quy định vượt quá nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ về một số biện pháp thực hiện kỷ luật lao động tại xí nghiệp, công trường, cơ quan thuộc Bộ. Cùng ngày, VKSND tối cao yêu cầu Bộ Lương thực, Bộ Giao thông vận tải kiểm tra kho tàng, bến bãi, nhà ga, có kế hoạch bảo vệ tài sản, lương thực. 

VKSND tỉnh Thái Bình phát hiện có điểm khác nhau, có thể dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau ở các địa phương giữa Nghị quyết số 84-CP ngày 24/4/1970 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định tạm thời số 156-TTg ngày 30/9/1970 của Thủ tướng Chính phủ về mua lương thực ngoài nghĩa vụ. VKSND tối cao đã có Công văn số 3269/V1 ngày 31/12/1970 đề nghị Thủ tướng Chính phủ quy định thống nhất và giải thích cho các cấp chính quyền để tránh những việc thi hành khác nhau, bảo đảm pháp chế thống nhất. Cùng ngày 31/12/1970, Viện trưởng VKSND tối cao ra kháng nghị số 3282/V8 yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp sửa chữa một số vi phạm trong quản lý lâm nghiệp.

Các VKSND địa phương tiến hành nhiều hoạt động kiểm sát 

Bên cạnh những hoạt động của VKSND tối cao, các VKSND địa phương cũng tiến hành nhiều hoạt động kiểm sát việc tuân thủ theo pháp luật trong nhiều lĩnh vực hoạt động. 

leftcenterrightdel
 Hợp tác hóa nông nghiệp ở huyện Đông Anh phục vụ công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. (Ảnh: tư liệu)

Ngày 19/6/1970, VKSND tỉnh Vĩnh Phú có kiến nghị số 27/KN-K8 và kiến nghị số 28/KN-K8 về những vi phạm của Hợp tác xã nông nghiệp Cao Bình. Tháng 6/1970, VKSND tỉnh Lai Châu kiểm sát tại chỗ Hợp tác xã nông nghiệp Ho Cang, xã Lay Nưa, huyện Mường Lay với mục đích làm cho xã viên hiểu rõ và làm đúng Điều lệ mới của Hợp tác xã, phát huy dân chủ, tăng cường chế độ làm chủ tập thể của quần chúng xã viên ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc. Ngày 1/10/1970, VKSND tỉnh Ninh Bình kiến nghị khắc phục những vi phạm trong xây dựng nội quy và thi hành Điều lệ Hợp tác xã.

Nhìn chung, những thiếu sót, tồn tại về công tác quản lý kinh tế, quản lý nhà nước là nguyên nhân phát sinh ra vi phạm pháp luật, chế độ, thể lệ, đồng thời là điều kiện làm cho tình trạng phạm tội tiếp tục xảy ra. Những thiếu sót về quản lý kinh tế có thể quy lại là: buông lỏng quản lý và quản lý theo lối hành chính cung cấp. Nơi nào có chế độ hành chính cung cấp thì trong thực tế cũng ảnh hưởng tới công tác xây dựng Đảng, làm cho nhiều cán bộ đảng viên xa rời quần chúng, xa rời cơ sở. Quản lý theo hành chính cung cấp dẫn đến tâm lý xem thường các chế độ, thể lệ và pháp luật, từ đó phát sinh ra các vi phạm và các tội phạm.

Phương hướng của Đảng và Nhà nước là phải chuyển từ cách quản lý theo lối hành chính cung cấp sang cách kinh doanh, hạch toán. Trong quá trình chuyển đổi đó, biện pháp tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa có một vị trí rất quan trọng.

Tăng cường pháp chế giúp cho việc ổn định tình hình kinh tế và đời sống mau đạt kết quả. Tăng cường quản lý kinh tế bằng pháp luật bảo đảm cho pháp luật thâm nhập vào các mặt quản lý nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng cơ bản, lưu thông tiền tệ, làm cho tất cả các cơ quan nhà nước, các cơ sở quốc doanh và Hợp tác xã đều đi vào quản lý theo pháp luật, thúc đẩy việc chuyển biến từ cách quản lý theo hành chính cung cấp sang cách quản lý kinh doanh hạch toán xã hội chủ nghĩa. 

VKSND các cấp cố gắng nắm chắc sự chuyển hướng về chế độ quản lý kinh tế, thông qua chức năng của mình góp phần vào việc khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý và quản lý theo lối hành chính cung cấp, góp phần phát huy chức năng và hiệu lực của các cơ quan nhà nước, nâng cao vai trò làm chủ tập thể của quần chúng, tạo điều kiện cho nền kinh tế miền Bắc nhanh chóng ra khỏi tình hình khó khăn. 

Năm 1971, ngành Kiểm sát nhân dân đẩy mạnh công tác kiểm sát tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hoạt động của nhà nước, qua đó ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu có biện pháp khắc phục các vi phạm. Tuy đã có nhiều cố gắng nhưng trong lĩnh vực kiểm sát việc tuân theo pháp luật, nhiều VKSND địa phương vẫn còn nhiều bỡ ngỡ về các phương thức kiểm sát văn bản. Để từng bước nâng cao chất lượng công tác này, VKSND tối cao mở 4 cuộc toạ đàm ở 4 vùng để bàn về phương hướng phục vụ công tác trung tâm, về vận dụng chức năng và phương thức công tác kiểm sát chung, xây dựng một số văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ, đồng thời cử cán bộ trực tiếp về giúp một số Viện kiểm sát địa phương. Nhiều Viện kiểm sát đã nghiên cứu và áp dụng đồng đều hơn các biện pháp nghiệp vụ của công tác kiểm sát chung.

Viện kiểm sát các tỉnh, thành đẩy mạnh công tác kiểm sát văn bản pháp quy, chú ý ba loại văn bản: Văn bản mới dự thảo chưa được ban hành, văn bản đã ban hành chưa thực hiện và văn bản đã được thực hiện; mở hội nghị bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị cấp huyện. Những văn bản có nội dung trái pháp luật được Viện kiểm sát huyện báo cáo Viện kiểm sát tỉnh để tổng hợp báo cáo cấp uỷ, kiến nghị ủy ban hành chính cùng cấp ra văn bản uốn nắn, đình chỉ kịp thời những việc làm sai.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL