Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc về tổ chức bộ máy của VKSND tối cao năm 1970; việc tập trung nâng cao chất lượng cán bộ trong ngành; nội dung công tác kiểm sát của ngành từ năm 1969 đến năm 1972.

Tổ chức bộ máy của VKSND tối cao năm 1970 gồm 11 đơn vị

Từ năm 1970, tổ chức bộ máy của VKSND tối cao gồm có: 1. Vụ Kiểm sát chung (kiểm sát việc tuân theo pháp luật); 2. Vụ Kiểm sát điều tra hình sự I, hình sự II; 3. Vụ Kiểm sát xét xử hình sự; 4. Vụ Kiểm sát giam giữ; 5. Vụ Kiểm sát xét xử dân sự; 6. Vụ Tổ chức và cán bộ; 7. Vụ Tổng hợp; 8. Phòng Điều tra thẩm cứu; 9. Phòng Tiếp dân; 10. Văn phòng; 11. Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát.

Là một ngành mới thành lập trên cơ sở Viện công tố, khi mới ra đời chỉ có 847 người, đến năm 1970, ngành Kiểm sát đã có 1.630 người, không kể cán bộ của các Viện kiểm sát quân sự. Nói chung, cán bộ được bổ sung đều được tuyển lựa theo tiêu chuẩn chặt chẽ, bảo đảm phẩm chất chính trị và khả năng tiếp thu nghiệp vụ. 80% cán bộ nhân viên trong ngành là đảng viên, thành phần công nông chiếm tới 85%, đại đa số đã kinh qua cấp uỷ các cấp và từng trải qua hai cuộc kháng chiến. Đội ngũ Kiểm sát viên chiếm 55% tổng số cán bộ. 

Trước nhiệm vụ mới nặng nề và phức tạp, ngành đã chú ý tập trung nâng cao chất lượng cán bộ về lập trường tư tưởng và đạo đức cách mạng đi đôi với việc bồi dưỡng nghiệp vụ và văn hoá. Phần lớn cán bộ đã qua các lớp chính trị sơ cấp và tại trường Đảng. Một số đồng chí viện trưởng VKSND tỉnh và cán bộ cấp vụ ở VKSND tối cao đã qua lớp trung, cao cấp tại Trường Nguyễn Ái Quốc. Ngành cũng đã tổ chức được 8 lớp bổ túc cho 760 cán bộ, 90% cán bộ đã qua lớp bồi dưỡng hoặc bổ túc nghiệp vụ.

Năm 1972, do yêu cầu của công tác bảo vệ pháp chế, ngành Kiểm sát được tăng thêm biên chế 21% so với tổng số biên chế có trước, tuy nhiên ngành mới bổ sung được 58% chỉ tiêu cán bộ theo kế hoạch. 

Việc tăng cường đội ngũ Kiểm sát viên và củng cố lãnh đạo các cấp được quan tâm. Mặc dù tình hình đội ngũ cán bộ có hạn, nhưng do sự cố gắng của VKSND tối cao, nên đến cuối quý III năm 1972, ngành đã có được 64% số Kiểm sát viên theo yêu cầu, bổ nhiệm được 107 viện trưởng, phó viện trưởng và Kiểm sát viên cho các Viện kiểm sát huyện, thị. VKSND tối cao đã điều một số Kiểm sát viên và phó viện trưởng các tỉnh thành lên để tăng cường chất lượng cho các vụ nghiệp vụ. 

leftcenterrightdel
 Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao chụp ảnh với các đồng chí Viện trưởng VKSND các tỉnh miền núi. (Ảnh: tư liệu)

Các vụ nghiệp vụ tại VKSND tối cao và ở các Viện kiểm sát địa phương coi trọng việc bố trí, phân bổ lực lượng để chỉ đạo trực tiếp cấp dưới thực hiện các kế hoạch trung tâm của ngành. Đội ngũ Kiểm sát viên tuy được tăng cường về số lượng nhưng nói chung còn yếu về mặt nghiệp vụ, ít am hiểu kiến thức chuyên môn, kiến thức về quản lý xã hội, nên mặc dù nhiệt tình, hăng say với công tác, nhưng yếu về nghiệp vụ nên hiệu quả công tác còn rất hạn chế. Việc học tập tại chức trong toàn ngành chưa có một chương trình cơ bản thống nhất, nên ngoài những vấn đề lớn do VKSND tối cao chỉ đạo, thì việc học tập tại chức thường xuyên của các Viện kiểm sát địa phương còn lúng túng, chất lượng chưa cao. Các vụ nghiệp vụ chưa làm được việc hướng dẫn, giới thiệu cho các khâu công tác của Viện kiểm sát địa phương nghiên cứu chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác trung tâm. 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã có nhiều cải tiến

Năm 1972, qua phong trào thi đua, nhiều đơn vị vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. VKSND tối cao đã quyết định thưởng cờ cho 5 đơn vị thi đua xuất sắc, thưởng bằng khen cho 12 đơn vị tiên tiến, duyệt 25 tổ lao động xã hội chủ nghĩa, tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cho 36 cán bộ, Kiểm sát viên.  

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã có nhiều cải tiến về việc xây dựng giáo trình, về phương pháp giảng dạy và học tập; tăng cường cho học viên đi thực tập; nhằm đảm bảo cho học viên nắm được những lý luận cơ bản về pháp chế xã hội chủ nghĩa, những đường lối, chính sách có liên quan đến công tác kiểm sát, đồng thời giúp cho họ làm quen với thực tế công tác và kỹ năng nghiệp vụ của mình, đã xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp cán bộ cho miền Nam, chuẩn bị nội dung bồi dưỡng lớp đào tạo cán bộ cho miền Nam. 

Qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, ngành Kiểm sát đã có những bước tiến quan trọng, đặc biệt là về tổ chức xây dựng đội ngũ cán bộ. Thực hiện Nghị quyết 225 của Bộ Chính trị về công tác tổ chức cán bộ, Đảng đoàn VKSND tối cao đã nghiêm túc kiểm điểm và đã có phương hướng cải tiến công tác tổ chức cán bộ trong ngành. 

Về khâu tổ chức, VKSND tối cao đã sắp xếp lại bộ phận quản lý công tác của ngành, xác định thêm một bước về nhiệm vụ chức trách của một số đơn vị, cải tiến lề lối sinh hoạt của Đảng đoàn để tăng sức chiến đấu, đồng thời quan tâm chỉ đạo nắm tình hình công tác, rút kinh nghiệm về công tác kiểm sát cấp huyện nhằm từng bước xây dựng và bồi dưỡng Viện kiểm sát cấp huyện. 

Cùng với việc xác định công tác kiểm sát phải phục vụ kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt rất quan tâm đến việc định hướng công tác kiểm sát nhằm góp phần xây dựng Đảng. Qua việc xử lý các vụ án tham ô, hối lộ mà người phạm tội là đảng viên, đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ thị cho các VKSND địa phương, trong báo cáo hằng tháng phải báo cáo về tình hình đảng viên vi phạm pháp luật. Cấp ủy và VKSND tối cao, thông qua đó nêu lên những thiếu sót trong công tác quản lý đảng viên để có biện pháp chấn chỉnh. 

Đi đôi với công tác tổ chức, bảo đảm nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo nghiệp vụ, nâng cao trình độ kiến thức nghiệp vụ và quản lý kinh tế phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, VKSND tối cao và các Viện kiểm sát địa phương đã quan tâm đến công tác bồi dưỡng cho các đối tượng cán bộ. VKSND tối cao mở 2 lớp tập huấn cho các đồng chí viện trưởng, phó viện trưởng, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên tỉnh; mở 1 lớp bổ túc nghiệp vụ về công tác làm án cho 112 đồng chí viện trưởng, phó viện trưởng và Kiểm sát viên tỉnh, huyện. Kết thúc lớp đào tạo cán bộ kiểm sát khoá I, bổ sung về địa phương để tăng cường lực lượng trẻ, đồng thời khẩn trương khai giảng lớp đào tạo khoá II, bảo đảm từng bước làm trẻ đội ngũ cán bộ. 

Từ năm 1969 đến năm 1972, trong công tác kiểm sát chung, trước tình hình tiếp tục nảy sinh nhiều vi phạm trong kinh tế, toàn ngành đã tiến hành công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để bảo vệ và phát huy quyền làm chủ tập thể của nông dân trong các loại hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, tín dụng và mua bán. 

Để bảo đảm việc tập trung vốn đầu tư vào nông nghiệp, Viện kiểm sát chú trọng đi vào ngành ngân hàng để phát hiện, ngăn chặn hoặc xử lý tình trạng nhiều nơi thủ trưởng và cán bộ ngân hàng huyện cùng với chủ nhiệm hợp tác xã tín dụng cố ý lợi dụng chế độ, thể lệ cho vay và huy động tiền tiết kiệm. 

Đối với ngành thuỷ lợi và vật tư nông nghiệp, Viện kiểm sát đã phát hiện và đấu tranh với tình trạng ở một số ty, phòng, công trường, cửa hàng... dự trù xin cấp phát và phân phối sử dụng vật tư, tiền vốn trái với chính sách, chế độ, qua đó đã kiến nghị với Ngân hàng Trung ương, Bộ Thuỷ lợi, Bộ Tài chính, Văn phòng tài chính thương nghiệp và các uỷ ban hành chính tỉnh, huyện sửa chữa... 

Ngày 18/6/1969, Hội đồng Chính phủ ra Chỉ thị số 94-CP về công tác tuyển quân năm 1969. VKSND các cấp đã tiến hành công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự và đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật, trốn tránh hoặc cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. 

Công tác kiểm sát chung năm 1969 của ngành Kiểm sát có những chuyển biến tốt trong việc phục vụ một số công tác trung tâm, nhiều nơi đã kết hợp tốt yêu cầu của ngành với nhiệm vụ của địa phương, phát hiện được một số văn bản có tính chất quy phạm sai chính sách và pháp luật. Công tác kiểm sát chung đã phát hiện một số tội phạm để chuyển sang khâu kiểm sát điều tra giải quyết về hình sự. 

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL