Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc về chủ trương, chỉ đạo công tác kiểm sát cho phù hợp với tình hình mới của ngành Kiểm sát trong năm 1972; công tác xây dựng ngành cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng trong ngành với việc thành lập Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát.

VKSND tối cao ra Chỉ thị về nhiệm vụ công tác kiểm sát trong tình hình mới

Ngày 1/6/1972, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 220-NQ/TW về chuyển hướng và đẩy mạnh mọi mặt công tác ở miền Bắc để tiếp tục đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nghị quyết chỉ ra nhiệm vụ trước mắt của miền Bắc là: Kiên quyết chiến đấu và đẩy mạnh công tác chuẩn bị chiến đấu về mọi mặt, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, đánh bại cuộc Chiến tranh phá hoại mới của đế quốc Mỹ; bảo đảm trong mọi tình huống chi viện về sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, tiếp tục đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai của chúng.

Chuyển hướng kinh tế cho thích hợp với điều kiện thời chiến, giữ vững giao thông vận tải thông suốt, bảo đảm sản xuất và đời sống trong tình hình chiến tranh, bảo vệ người, thiết bị, vật tư, ra sức lao động với tinh thần kỷ luật và năng suất cao. Tăng cường các mặt quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và thực hành chính sách tiết kiệm thật chặt chẽ; tiếp tục chuẩn bị mọi mặt để khi có điều kiện thì đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, xây dựng chủ nghĩa xã hội được nhanh chóng và bền chắc. 

Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, ngành Kiểm sát đẩy mạnh công tác kiểm sát nhằm hai hướng chính: Một là, phục vụ nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước, bảo đảm việc thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự và việc thi hành các chính sách hậu phương.

Hai là, phục vụ nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, góp phần tăng cường quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, phát hiện và ngăn ngừa những vi phạm chính sách và pháp luật do buông lỏng quản lý và quản lý theo lối hành chính bao cấp. Tiếp tục chú ý việc đấu tranh ngăn ngừa những vi phạm pháp luật và tội phạm để góp phần củng cố pháp chế trong công tác quản lý nông nghiệp.

Phối hợp với các ngành hữu quan trong việc đưa pháp luật vào công tác xây dựng cơ bản. Cùng các ngành Công an, Toà án, đẩy mạnh hơn nữa việc thi hành những biện pháp để tăng cường giữ gìn trị an và an ninh, tích cực để phòng địch phá hoại.

VKSND tối cao có nhiều chủ trương, chỉ đạo công tác kiểm sát cho phù hợp với tình hình mới. Ngày 8/3/1972, VKSND tối cao ra Chỉ thị số 23-CT/TĐ về nhiệm vụ thi đua toàn ngành năm 1972, đề ra những nhiệm vụ, chỉ tiêu và nội dung thi đua cụ thể cho toàn ngành. 

Ngày 21/7/1972, Viện trưởng VKSND tối cao ra Chỉ thị số 75-CT/KS về nhiệm vụ công tác kiểm sát trong tình hình mới, đề ra những nhiệm vụ cần kíp mà VKSND các cấp cần tích cực thực hiện là: Tăng cường công tác kiểm sát giữ gìn an ninh và trật tự xã hội; công tác kiểm sát phục vụ giao thông vận tải; công tác bảo vệ đê đập, công trình thuỷ lợi, phòng chống lũ lụt; phục vụ sản xuất, tăng cường quản lý kinh tế trong thời chiến.

Đồng thời, đề cao kỷ luật và nghĩa vụ công dân thời chiến, bảo đảm các quyền dân chủ và lợi ích chính đáng của nhân dân; tăng cường bồi dưỡng cán bộ trong ngành về tình hình nhiệm vụ chính trị và phương châm công tác của ngành, kịp thời chuyển hướng tổ chức các cấp, nâng cao trình độ tổ chức thực hiện công tác kiểm sát. 

Trong điều kiện đất nước có chiến tranh, Đảng đoàn VKSND tối cao đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường pháp chế. Đây là một đề xuất kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Tại Báo cáo số 03/ĐĐ gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng về kết quả công tác kiểm sát năm 1971, Đảng đoàn VKSND tối cao đề nghị một số biện pháp trước mắt nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp pháp lý song song với biện pháp chính trị và tư tưởng, biện pháp kinh tế và tổ chức theo đường lối Nghị quyết Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Trung ương Đảng như: sớm thành lập một cơ quan chuyên trách giúp Hội đồng Chính phủ quản lý thống nhất công tác pháp chế của Nhà nước, xây dựng chương trình và kế hoạch làm luật một cách có hệ thống, hướng dẫn các ngành, các cấp tổ chức thi hành luật lệ, quản lý công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và quản lý công tác đào tạo cán bộ pháp lý; quy định thống nhất về việc tổ chức một bộ phận công tác pháp chế ở tất cả các bộ, tổng cục, uỷ ban ngang bộ, uỷ ban hành chính tỉnh, thành để giúp các đồng chí thủ trưởng về công tác pháp chế.  

Công tác xây dựng ngành tiếp tục được đẩy mạnh

Trong điều kiện hòa bình lập lại ở miền Bắc, công tác xây dựng Ngành tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 1969, ngành Kiểm sát bước đầu kiện toàn bộ máy ở VKSND tối cao và nghiên cứu bộ máy ở cấp tỉnh, thành; tăng cường việc quản lý cán bộ và thực hiện tốt một số chính sách về đề bạt, nâng bậc lương cho cán bộ. Chú trọng việc giáo dục, bồi dưỡng cán bộ: mở lớp bổ túc 6 tháng và nhiều Viện kiểm sát tỉnh đã phối hợp mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ mới. Chế độ học tập tại chức trong ngành đã bước đầu được xây dựng. 

Ngày 24/12/1969, Ban Bí thư ra Nghị quyết số 1772 việc điều động đồng chí Bạch Thành Phong - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tây về làm Ủy viên Ủy ban Kiểm sát, VKSND tối cao và tham gia Đảng đoàn. 

Năm 1970 là năm có những thay đổi về những quy định của pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của VKSND. Ngày 15/1/1970, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của VKSND tối cao. 

Pháp lệnh này đã sửa đổi, bổ sung Điều 5 và Điều 7, cụ thể như sau: Điều 5 (mới): Bộ máy làm việc và biên chế của VKSND tối cao do Viện trưởng VKSND tối cao định và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Điều 7 (mới): Để tăng cường hiệu lực của công tác kiểm sát, nay thành lập ngạch Kiểm sát viên gồm có Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp. 

Ngày 27/1/1970, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Tôn Đức Thắng ký Lệnh số 18-LCT công bố Pháp lệnh nói trên. Việc thành lập ngạch Kiểm sát viên theo ba ngạch với những tiêu chuẩn cụ thể khác nhau là một thay đổi lớn và quan trọng, tạo điều kiện cho việc từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên. 

Trong Chỉ thị số 176-CT/TW ngày 18/4/1970, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã yêu cầu các cấp, các ngành, trong đó có các Viện kiểm sát, trước hết là ở các cấp khu, thành, tỉnh, bổ sung các cán bộ có năng lực, có tín nhiệm để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. 

Về mặt tổ chức, Lãnh đạo và Ban Cán sự đảng VKSND tối cao đã đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Viện trưởng Hoàng Quốc Việt ký Quyết định số 62/QĐ-TC ngày 21/4/1970 về tổ chức bộ máy của VKSND tối cao, theo đó, Trường Cán bộ kiểm sát được đổi thành Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng VKSND tối cao chụp ảnh với giáo viên và cán bộ Trường bổ túc và đào tạo Kiểm sát năm 1971. (Ảnh: tư liệu)

Ngày 25/4/1970, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 900-NQ/TVQH phê chuẩn Quyết định số 62/QĐ-TC của Viện trưởng VKSND tối cao, Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát chính thức được thành lập. Đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu một bước tiến của ngành Kiểm sát trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. 

Những năm 1970 - 1976 là giai đoạn tổ chức và hoàn thiện bộ máy Trường Trung cấp Kiểm sát, thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở trình độ trung cấp.

Xuất phát từ mục tiêu của ngành là đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ vừa hồng vừa chuyên, kiên định về tư tưởng chính trị, vững vàng về nghiệp vụ kiểm sát, ngày 4/10/1970, Viện trưởng VKSND tối cao ký Quyết định số 116/QĐ-V9 xác định nhiệm vụ thường xuyên của Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát là “mở các khoá bổ túc cho cán bộ và mở các khoá đào tạo mới để bổ sung cán bộ cho ngành”.

Lãnh đạo VKSND tối cao đã quyết định bổ nhiệm đồng chí Bạch Thành Phong giữ chức vụ Hiệu trưởng, các đồng chí Nguyễn Đình Tôn, Nguyễn Việt Hùng giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát.

Về bộ máy tổ chức của trường gồm có: Ban Giám hiệu; 2 tổ bộ môn (Tổ Lý luận về phương pháp cụ thể và nghiệp vụ kiểm sát; Tổ Lý luận cơ bản); 2 phòng chức năng (Phòng Giáo vụ và tổ chức; Phòng Hành chính quản trị). Đầu năm 1973, đồng chí Vũ Quang Chính được lãnh đạo VKSND tối cao bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng thay đồng chí Nguyễn Đình Tôn về VKSND tối cao nhận nhiệm vụ mới. 

Đồng chí Hoàng Quốc Việt đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Trường. Đồng chí thường về thăm Trường và trực tiếp giảng bài cho các lớp học của ngành; chú trọng nội dung về đạo đức cách mạng của người đảng viên, đạo đức của người cán bộ kiểm sát. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến đào tạo thế hệ trẻ trong ngành Kiểm sát. 

Trong hoàn cảnh đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh bắn phá miền Bắc, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, trường lớp chưa ổn định, nhưng chỉ một năm sau ngày chính thức thành lập, tháng 5/1971, Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát đã khai giảng khóa đào tạo trung cấp kiểm sát đầu tiên, gồm 172 học viên. Sự kiện này đánh dấu bước trưởng thành trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ pháp lý của ngành Kiểm sát nhân dân, tạo tiền đề quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, cán bộ từng bước chính quy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL