Xét Bản án hình sự sơ thẩm số 106/2023/HS-ST ngày 23/3/2023 của TAND TP HCM đã xét xử vụ án Lý Quốc Thắng cùng đồng phạm (9 bị cáo), về tội “Làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả”. Trong đó, bị cáo Hà Thanh Phương, SN 1971, tại TP HCM, bị tạm giam từ ngày 26/1/2021 tại Trại tạm giam Chí Hòa và T30, Công an TP HCM cho đến nay; bị truy tố về tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả” theo khoản 3, Điều 207 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

leftcenterrightdel
Các bị cáo trong vụ án "Làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả".

Bị cáo Nguyễn Quốc Thuận, SN 2003, tại TP HCM, tạm giam từ ngày 26/1/2021 đến ngày 24/5/2021 được thay thế biện pháp ngăn chặn bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; bị truy tố về tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả” theo khoản 3, Điều 207 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cụ thể, vào khoảng 8h20' ngày 22/1/2021, Công an phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân tiếp nhận tố giác tại Cửa hàng Internet, địa chỉ: 882 đường Tân Kỳ Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân về việc Nguyễn Quốc Thuận sử dụng tờ tiền mệnh giá 500.000đ giả, có số seri KH 1810633 để mua card điện thoại Mobifone 50.000đ. Công an phường Bình Hưng Hòa phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Đội An ninh, Công an quận Bình Tân kiểm tra hành chính phát hiện thu giữ 6 tờ tiền mệnh giá 500.000đ giả, trùng số seri KH 1810633 trong cốp xe mô tô biển số 54N5-9892 của Thuận nên mời về trụ sở cơ quan Công an lấy lời khai làm rõ. Nguyễn Quốc Thuận khai nhận mua tiền giả của một người phụ nữ tên Phương sử dụng số điện thoại 0908845xxx, tài khoản Zalo “Hà Phương”.

Qua truy xét, xác định được Hà Thanh Phương nên Tổ công tác mời về Công an phường Bình Hưng Hòa làm việc. Qua kiểm tra, phát hiện trong túi áo khoác của Phương đang mặc có 9 tờ tiền giả, mệnh giá 500.000đ. Công an quận Tân Phú lập tức tiến hành khám xét chỗ ở của Phương, phát hiện thu giữ 10 triệu đồng tiền giả (20 tờ tiền mệnh giá 500.000đ). Phương khai nhận mua tiền giả của một người có tài khoản Zalo tên “Gia Hùng” sử dụng số điện thoại 0932711xxx, 0934095xxx. Khi cần mua tiền giả, Phương sẽ chuyển tiền vào tài khoản 1012506xxx mang tên Trần Hoàng Hải mở tại Ngân hàng Vietcombank, sau đó “Gia Hùng” thuê xe công nghệ Gojek giao tiền giả cho Phương.

Qua xác minh, truy xét xác định người bán tiền giả tên “Gia Hùng” có tên thật là Lý Quốc Thắng, cơ quan CSĐT Công an quận Tân Phú tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Thắng tại 47/46C Tân Hóa, phường 14, quận 6, thu giữ 41.100.000đ tiền giả (gồm mệnh giá 100.000đ và 500.000đ), 235 triệu đồng tiền thật, 2 gói nylon chứa tinh thể rắn không màu, 3 khẩu súng ngắn, 63 viên đạn cùng nhiều bộ phận súng, 1 máy in cùng nhiều công cụ, phương tiện làm tiền giả.

Từ ngày 26/1/2021 đến ngày và 19/11/2021, CQĐT lần lượt bắt giữ, khởi tố, điều tra xử lý đối với Lý Quốc Thắng, Huỳnh Kiến Quốc, Hà Thanh Phương, Nguyễn Quốc Thuận và Ngô Trọng Hảo về hành vi “Làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả”; Trần Trọng Đại, Nguyễn Văn Toàn, Thân Thị Diễm Quỳnh và Nguyễn Thị Thảo An về hành vi “Lưu hành tiền giả” để điều tra xử lý. Đồng thời, thu giữ nhiều công cụ, phương tiện sử dụng để sản xuất tiền giả, tài liệu, giấy tờ giả gồm máy in màu, máy cắt, máy dập, máy tính, giấy in tiền, giấy ni-lông và nhiều tờ tiền giả. 

Quá trình điều tra và kết quả thẩm vấn tại phiên tòa, xác định hành vi phạm tội của các bị cáo: Lý Quốc Thắng có hành vi làm, lưu hành 1.199.500.000đ tiền giả mệnh giá 500.000đ; lưu hành 100.500.000đ tiền giả mệnh giá 100.000đ; tàng trữ 2.100.000đ tiền giả mệnh giá 100.000đ (mua của đối tượng sử dụng tài khoản Facebook “Pilais”) và 39.000.000đ tiền giả mệnh giá 500.000đ (do Thắng làm). Tổng cộng, Thắng có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành 1.341.600.000đ tiền giả mệnh giá 500.000đ và 100.000đ. Số tiền Thắng thu lợi bất chính là 284.500.000 đồng.  

Huỳnh Kiến Quốc thực hiện nhiều lần giúp sức cho Lý Quốc Thắng cắt các tờ tiền giả in trên giấy A4 thành các tờ tiền riêng lẻ với tổng số tiền giả là 80.000.000đ được Thắng trả công 800.000đ tiêu xài cá nhân.

Hà Thanh Phương có hành vi tàng trữ 14.500.000đ tiền giả mệnh giá 500.000đ, lưu hành 688 triệu đồng tiền giả mệnh giá 500.000đ (trong đó mua của Lý Quốc Thắng 683 triệu đồng, mua của đối tượng sử dụng tài khoản Zalo “Uy Tín” 5 triệu đồng) để bán cho các đối tượng khác và sử dụng mua hàng hóa để có được tiền thật. Tổng cộng Hà Thanh Phương đã có hành vi tàng trữ, lưu hành 702.500.000đ tiền giả mệnh giá 500.000đ. Số tiền Phương thu lợi bất chính là 300.000.000 đồng.

Nguyễn Văn Toàn có hành vi lưu hành 102.500.000đ tiền giả mệnh giá 500.000đ và 100.000đ mua của Lý Quốc Thắng để bán lại cho các đối tượng khác trong đó có Nguyễn Thị Thảo An để hưởng lợi 3.500.000 đồng.

Ngô Trọng Hảo có hành vi lưu hành 80.000.000đ tiền giả, mệnh giá 500.000đ mua của Lý Quốc Thắng để sử dụng mua hàng hóa, ăn uống và đổi lấy tiền thật. Tổng cộng Hảo thu lợi bất chính 15.000.000 đồng.

Nguyễn Quốc Thuận có hành vi lưu hành 26.500.000đ tiền giả mệnh giá 500.000đ sử dụng mua hàng hóa, đi ăn uống để được tiền thật; tàng trữ 3.500.000đ tiền giả mệnh giá 500.000đ (mua của bị can Hà Thanh Phương). Tộng cộng Thuận đã tàng trữ, lưu hành 30.000.000đ tiền giả mệnh giá 500.000đ, thu lợi bất chính 10.500.000 đồng.

Trần Trọng Đại đã có hành vi lưu hành 24.000.000đ tiền giả mua của Hà Thanh Phương để mua hàng hóa nhằm thu lại tiền thật tiêu xài cá nhân. Đại thu lợi bất chính 16.500.000 đồng.

Thân Thị Diễm Quỳnh có hành vi lưu hành 5.000.000đ tiền giả mệnh giá 500.000đ mua của Hà Thanh Phương sử dụng mua hàng hóa giá trị thấp để có được tiền thật tiêu xài, thu lợi bất chính 3.000.000 đồng.

Nguyễn Thị Thảo An đã có hành vi lưu hành 6.500.000đ tiền giả mệnh giá 100.000đ mua của Nguyễn Văn Toàn để bán lại cho người khác, thu lợi 400.000 đồng.

Theo bản án hình sự sơ thẩm số 106/2023/HS-ST ngày 23/3/2023 của TAND TP HCM quyết định xử phạt: bị cáo Hà Thanh Phương 12 năm tù về tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả”; phạt bổ sung bị cáo 50.000.000đ; Nguyễn Quốc Thuận 3 năm tù về tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả” nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 5 năm kể từ ngày tuyên án. Ngoài ra, còn tuyên phạt đối với các bị cáo khác mức hình phạt từ 3 năm đến 18 năm tù.

VKSND TP HCM xét thấy, trong vụ án này, các bị cáo có lối sống thích hưởng thụ muốn có tiền nhưng không chịu lao động nên đã thực hiện “Làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả”. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm trực tiếp đến lĩnh vực an ninh tiền tệ, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nền kinh tế của Nhà nước, cần phải xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật để có tác dụng răn đe, giáo dục đối với các bị cáo và phòng ngừa chung.

Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt đối với bị cáo Hà Thanh Phương và Nguyễn Quốc Thuận quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả do các bị cáo gây ra, cũng như không đảm bảo nguyên tắc công bằng trong tố tụng hình sự.

Cụ thể tại Khoản 3, Điều 207 BLHS quy định “phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân”. Bị cáo Hà Thanh Phương thực hiện hai hành vi, vừa tàng trữ, vừa lưu hành số lượng tiền giả tương ứng 702 triệu đồng, gấp 14 lần mức khởi điểm khung hình phạt quy định, nhưng Tòa án sơ thẩm chỉ xử phạt 12 năm tù là chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả do bị cáo gây ra, cũng như chưa công bằng so với các bị cáo khác trong cùng vụ án, cụ thể là bị cáo Ngô Trọng Hảo lưu hành 80.000.000đ tiền giả đã bị phạt 9 năm tù; bị cáo Nguyễn Văn Toàn lưu hành 102.500.000đ tiền giả, gần bằng 1/7 số tiền của bị cáo Phương cũng đã bị phạt 10 năm tù về tội “Lưu hành tiền giả”.

Bị cáo Nguyễn Quốc Thuận thực hiện hai hành vi, vừa tàng trữ, vừa lưu hành tiền giả với số lượng tương ứng 30 triệu đồng tiền thật, phạm tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả” theo quy định tại khoản 2 Điều 207 BLHS có mức hình phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Bị cáo phạm tội 2 lần trở lên, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS. Với số lượng tiền phạm pháp lớn gấp 6 lần so với mức khởi điểm, nếu là người thành niên thì cần xử phạt từ 7 đến 8 năm tù, nhưng do bị cáo phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi nên Viện kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo từ 5 đến 6 năm tù là phù hợp. Nhưng Tòa án xử phạt bị cáo 3 năm tù là dưới mức thấp nhất của khung hình phạt luật định, đồng thời cho hưởng án treo là không đúng quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, VKSND TP HCM quyết định kháng nghị một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 106/2023/HS-ST ngày 23/3/2023 của TAND TP HCM về hình phạt đối với các bị cáo Hà Thanh Phương và Nguyễn Quốc Thuận theo thủ tục phúc thẩm. Đề nghị TAND cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm vụ án Lý Quốc Thắng cùng đồng phạm, về tội “Làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả” theo hướng tăng mức hình phạt đối với các bị cáo Hà Thanh Phương và Nguyễn Quốc Thuận về tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả”./.

Phi Sơn