leftcenterrightdel
 Viện trưởng Viện cấp cao 3 và tập thể lãnh đạo, KSV, Công chức chú trọng nâng cao chất lượng thụ lý kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính.

Thực trạng vận chuyển, đổ bỏ chất thải công nghiệp chưa qua xử lý hoặc sử dụng trái pháp chất thải công nghiệp nguy hại để san lấp mặt bằng không chỉ gây ô nhiễm không khí và tài nguyên đất tại chỗ mà còn là có nguy cơ gây ô nhiễm cả nguồn nước ngầm cho khu vực rộng lớn hơn và đã được các phương tiện truyền thông như báo chí phản ánh trên các kênh truyền thông đa phương tiện để cảnh báo. 

Thực hiện yêu cầu đấu tranh quyết liệt phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại, Công an thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã tổ chức theo dõi, tuần tra để phát hiện xử lý các trường hợp vận chuyển, tập kết, xả đổ chất thải nguy hại trên địa bàn.

Ngày 29/10/2018, lực lượng Công an đã phát hiện và lập biên bản vi phạm đối với ông Nguyễn Văn B. về hành vi điều khiển xe đầu kéo kéo theo Rơ Mooc chở 5.100kg chất thải rắn công nghiệp thông thường (bùn thải công nghiệp) đến đổ xuống khu đất trống trên tuyến đường D9 thuộc khu Công nghiệp Mỹ Phước 1, thị xã Bến Cát.

Căn cứ biên bản vi phạm hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 3208/QĐ-XPVPHC ngày 14/11/2018 xử phạt đối với ông B. về hành vi “đổ chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 5000kg đến dưới 10.000kg trái quy định về bảo vệ môi trường” theo quy định tại điểm e khoản 9 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ.

Hình thức phạt chính đối với ông B. là  phạt tiền 25.000.000 đồng; hình thức phạt bổ sung là tịch thu phương tiện vi phạm hành chính là xe đầu kéo và Rơ Mooc theo quy định tại điểm b, khoản 12 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ.

Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc ông Nguyễn Văn B. chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường cho đơn vị có chức năng để xử lý theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm về Công an thị xã Bến Cát.

Không đồng ý với hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện vi phạm hành chính, ông B. khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu Tòa án giải quyết hủy một phần Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 3208 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về nội dung áp dụng biện pháp xử phạt hành chính bổ sung là tịch thu phương tiện vi phạm.

Ông B. nêu lý do: Phương tiện vi phạm không phải là tài sản riêng của ông B. mà là tài sản chung hình thành trong thời kỳ hôn nhân của ông B. với vợ ông là bà T. nhưng vợ ông không có liên quan đến hành vi vi phạm hành chính nên việc tịch thu tài sản là gây thiệt hại đến quyền lợi của bà T.

Ngoài ra, các tài sản này đều đã được ông B. thế chấp tại Ngân hàng để bảo đảm thanh toán cho khoản vay mua chính xe đầu kéo và rơ-mooc này nên việc tịch thu tài sản thế chấp làm ảnh hưởng đến khả năng đảm bảo nợ vay của ông B. tại Ngân hàng.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 43/2019/HC-ST ngày 27/11/2019 của TAND tỉnh Bình Dương đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 3208 về việc áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu phương tiện vi phạm hành chính là 1 xe đầu kéo và 1 Rơ mooc.

Căn cứ văn bản đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Viện cấp cao 3 đã xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án và đã ban hành Quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm số 211/QĐ-VKS-HC ngày 10/10/2022 đối với Bản án hành chính sơ thẩm số 43/2019/HC-ST ngày 27/11/2019 của TAND tỉnh Bình Dương đã có hiệu lực pháp luật.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 03/2023/HC-GĐT ngày 26/4/2023, TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định chấp nhận kháng nghị của Viện cấp cao 3, sửa Bản án sơ thẩm theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn B.

VKSND cấp cao nhận định: Các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã đủ căn cứ chứng minh quyết định của Bản án sơ thẩm là không phù hợp với các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý môi trường; việc Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện về hình thức xử phạt bổ sung với lý do cần phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà T. (vợ ông B.) và Ngân hàng đã nhận thế chấp tài sản là không căn cứ.

Bởi các lẽ, đối với quyền lợi hợp pháp của bà T. là vợ ông B thì mặc dù bà T. biết việc ông B. sử dụng tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để thực hiện hành vi vi phạm hành chính, nhưng do cả 2 vợ chồng cùng hưởng lợi từ tài sản chung nên phải cùng chịu nghĩa vụ phát sinh theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và đối với quyền lợi hợp pháp của Ngân hàng đã nhận thế chấp tài sản thì việc giao kết hợp đồng thế chấp tài sản không phải là căn cứ pháp lý để không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện vi phạm.

Trong trường hợp giữa ngân hàng và ông B. phát sinh tranh chấp đối với các hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm thì sẽ được giải quyết trong vụ án khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nên không nằm trong phạm vi giải quyết của vụ án hành chính này.

leftcenterrightdel
 Hiện trường thu gom rác thải tại tỉnh Bình Dương

Kết quả công tác thụ lý giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục giám đốc thẩm nêu trên không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo cho việc giải quyết đúng quy định pháp luật đối với nội dung một vụ án hành chính cụ thể; mà đây còn là một căn cứ quan trọng để đảm bảo cho sự công bằng trong xử lý hành chính các hành vi vi phạm hành chính giữa các trường hợp sử dụng tài sản thuộc sở hữu cá nhân người vi phạm với trường hợp sử dụng tài sản thuộc sở hữu chung với người khác.

Ngoài ra, Quyết định giám đốc thẩm này cũng là căn cứ quan trọng để các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đấu tranh phòng chống cũng như xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng cũng như các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc thẩm quyền tố tụng của Viện cấp cao 3 nói chung, góp phần đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững.

Phi Sơn - Chử Định