Theo kháng nghị của Viện kiểm sát, các đương sự đều thừa nhận ngày 9/3/1993 bố ông D. là cụ N. có mua của vợ chồng ông V., bà A. 1 căn nhà cấp 3 và công trình phụ nằm trên thửa đất diện tích 118,2m².
Khi mua 2 bên có thỏa thuận phần đầu 0,45m ở lối đi rãnh nước thuộc quyền sử dụng của ông N., nhưng không được xây dựng gì làm ảnh hưởng đến lối đi.
Năm 2012, cụ N, tặng cho ông D. toàn bộ nhà ở và diện tích đất mua của ông V. và ông D. được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 119,6m² (trong diện tích 119,6 m² gồm cả phần lối đi 0,45m).
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay ông D. sử dụng nhà và công trình phụ xây trên diện tích đất còn thiếu so với diện tích đã mua của ông V. cũng như diện tích đã được cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên ông D. khởi kiện để đòi bà A. 22,3m² cho đủ diện tích đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án này là “Tranh chấp kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất”.
|
|
Quang cảnh một phiên toà dân sự "Tranh chấp kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất". (Hình minh hoạ). |
Với nội dung vụ án nêu trên, kháng nghị số 660/QĐ-VKS-DS ngày 10/5/2023 của VKSND tỉnh xác định Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp là “ Kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất ” là không chính xác bởi lẽ:
Thứ nhất, giữa ông D. và gia đình bà A. phát sinh tranh chấp xuất phát từ việc mua bán nhà, đất, không phải phát sinh từ việc cho mượn, thuê hay cho ở nhờ.
Thứ hai, phần diện tích đất tranh chấp là một phần của thửa đất số 47 có vị trí nằm giáp ranh giữa công trình nhà ở của ông D. với lối đi vào nhà bà A. nên đây là tranh chấp về ranh giới quyền sử dụng đất.
Thứ ba, trong giấy mua bán nhà ở ngày 9/3/1993 giữa ông V. và cụ N. cũng chỉ thể hiện tứ cận mà không có kích thước đầy đủ các cạnh. Ông D. mặc dù được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 119,6m2 nhưng thực tế ông sử dụng ít hơn diện tích đã mua từ năm 1993 và gia đình ông cũng không xác định được mốc giới thửa đất đã mua nên mới phát sinh tranh chấp.
Ông D. cho rằng phần đất 0,45m đã thỏa thuận thuộc quyền quản lý, sử dụng của gia đình ông nhưng bà A. không đồng ý trả vì bà A. cho rằng diện tích đất ông V. bán cho cụ N. là 118,2m2 chứ không phải 119,6m2 như trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông D.
Mặt khác, phần đất 0,45m khi mua bán hai bên đã thỏa thuận không được xây dựng công trình gì ảnh hưởng đến lối đi nên không đồng ý trả mà để làm lối đi chung. Do đó, trong trường hợp này giữa ông D. và bà A. vẫn đang tranh chấp về số diện tích đất đã mua, bán cũng như tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đối với phần 0,45m đất giáp ranh giữa 2 gia đình nên phải xác định quan hệ tranh chấp là tranh chấp quyền sử dụng đất mà cụ thể là “Tranh chấp ranh giới quyền sử dụng đất”.
Việc xác định sai quan hệ tranh chấp như trên đã vi phạm điểm c khoản 2 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Nội dung điều luật quy định:
“2. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ,
quyền hạn sau đây:
…
c) Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dung”.
Hậu quả của việc Tòa án xác định sai quan hệ tranh chấp dẫn đến việc áp dụng pháp luật không đúng, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự và Nhà nước.
Ngày 12/8/2023, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Vĩnh Phúc chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc, sửa bản án sơ thẩm số 04/2023/DS-ST ngày 10/4/2023 của TAND TP Phúc Yên, sửa quan hệ tranh chấp, từ đó sửa về án phí buộc bên bị đơn phải chịu án phí có giá ngạch đối với diện tích tranh chấp.