Theo nội dung vụ án, bà Hồ Thị Đấy (chết năm 1997) và ông Nguyễn Phúc Dư (chết năm 2008) có 4 người con gồm Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn Út (cả hai chết từ nhỏ), Nguyễn Thông (ông Thông là liệt sỹ, không có vợ, con) và bà Nguyễn Thị Ca. Năm 1954, ông Nguyễn Phúc Dư tập kết ra Bắc. Năm 1995, UBND huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn) cân đối giao quyền cho hộ bà Hồ Thị Đấy thửa đất số 235, tờ bản đồ số 7 tại xã Hoài Xuân (nay là phường Hoài Xuân).

Ông Nguyễn Phúc Dư tập kết ra Bắc có thêm vợ là bà Phạm Thị Nội. Ông Dư, bà Nội có hai người con là Nguyễn Phúc Hà và Nguyễn Phúc Hiền. Năm 1997, sau khi bà Đấy chết thì ông Dư và bà Nội về ở tại thửa đất nói trên. Bà Đấy chết không để lại di chúc, bà Ca khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà Phạm Thị Nội phải trả lại toàn bộ thửa đất số 235, tờ bản đồ số 7 tại phường Hoài Xuân và tài sản trên đất cho bà trọn quyền sử dụng.

leftcenterrightdel
Một phiên xét xử vụ án dân sự do lãnh đạo VKSND tỉnh Bình Định trực tiếp kiểm sát. Ảnh: VKSND Bình Định 

Bà Phạm Thị Nội có đơn phản tố yêu cầu Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất UBND thị xã Hoài Nhơn đã cấp cho hộ bà Hồ Thị Đấy, vì thửa đất này có nguồn gốc là của cha, mẹ ông Nguyễn Phúc Dư và chia di sản thừa kế của ông Dư theo quy định của pháp luật. 

Bản án dân sự sơ thẩm số 108/2021/DS-ST ngày 15/3/2021 của TAND thị xã Hoài Nhơn đã tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Ca. Buộc bà Phạm Thị Nội phải trả lại toàn bộ thửa đất số 235, tờ bản đồ số 7 (nay là thửa 461, tờ bản đồ số 5 VN 2000) phường Hoài Xuân, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho hộ bà Hồ Thị Đấy sử dụng, đại diện là bà Nguyễn Thị Ca người thừa kế theo pháp luật của bà Hồ Thị Đấy. Bà Nguyễn Thị Ca phải trả cho bà Phạm Thị Nội tổng giá trị tài sản của bà Nội trên đất là hơn 64 triệu đồng. Bác yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Phạm Thị Nội vì không có căn cứ. Đình chỉ các yêu cầu của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập ông Nguyễn Văn Những, bà Nguyễn Thị Thương, anh Nguyễn Văn Tâm vì họ rút yêu cầu khởi kiện.

Sau khi xét xử sơ thẩm, VKSND thị xã Hoài Nhơn ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án sơ thẩm số 108/2021/DS-ST ngày 15/3/2021 của TAND thị xã Hoài Nhơn. Theo quyết định kháng nghị của VKSND thị xã Hoài Nhơn, cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật của vụ án là “tranh chấp tài sản là di sản thừa kế” là chưa đầy đủ, chính xác bởi quá trình giải quyết vụ án, bị đơn Phạm Thị Nội và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Phúc Hiền có yêu cầu chia thừa kế của cụ Nguyễn Phúc Dư và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Hồ Thị Đấy. Do đó, quan hệ pháp luật phải được xác định là “tranh chấp tài sản là di sản thừa kế, yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chia thừa kế quyền sử dụng đất”. Hơn nữa, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ giải quyết yêu cầu tranh chấp tài sản là di sản thừa kế mà không xem xét giải quyết yêu cầu chia thừa kế là bỏ sót yêu cầu của đương sự, dẫn đến việc giải quyết nội dung vụ án không triệt để.

Tòa án cấp sơ thẩm nhận định thửa đất mang số hiệu 235, tờ bản đồ số 7 (nay là thửa 461, tờ bản đồ số 5, VN2000) tại Phường Hoài Xuân, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, thuộc quyền sử dụng của gia đình cụ Hồ Thị Đấy. Bà Nguyễn Thị Ca và những người trong hộ là người thừa kế của cụ Đấy tại thời điểm cân đối giao quyền là xác định không đúng hàng thừa kế, người thừa kế. Bởi lẽ, trước năm 1954 cụ Dư kết hôn với cụ Đấy hiện còn một người con còn sống là bà Nguyễn Thị Ca. Sau năm 1954, cụ Dư tập kết ra Bắc kết hôn với cụ Nội có 2 người con là Nguyễn Phúc Hà và Nguyễn Phúc Hiền.Theo hướng dẫn tại Thông tư số 60/TATC ngày 22/02/1978 của TAND tối cao thì quan hệ giữa cụ Dư, cụ Đấy và cụ Dư, Cụ Nội vẫn được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Vì vậy, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 676 BLDS năm 2005 và điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015 thì khi cụ Đấy chết (1997) hàng thừa kế thứ nhất của cụ Đấy là ông Dư và bà Ca. Cụ Dư chết (2008) hàng thừa kế thứ nhất của cụ Dư là bà Nội, bà Ca, anh Hà, anh Hiền. Việc Tòa án cấp sơ thẩm nhận định bà Ca là người thừa kế duy nhất được quyền sử dụng di sản cụ Đấy để lại đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Nội, ông Hà và ông Hiền.

Mặt khác, bà Phạm Thị Nội đã cùng chồng và 2 người con sinh sống trên thửa đất này từ năm 1997 đến nay, riêng anh Hiền, anh Hà (con bà Nội) có bỏ tiền, công sức đóng góp xây dựng căn nhà này, nhưng Bản án cấp sơ thẩm không xem xét về điều kiện chỗ ở của các bên và công sức đóng góp vào việc bảo quản, gìn giữ di sản đối với bà Phạm Thị Nội là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của gia đình bà Nội.  

Từ nhận định của VKSND thị xã Hoài Nhơn, tại phiên xét xử phúc thẩm, HĐXX đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND thị xã Hoài Nhơn. Bản án phúc thẩm số 03/2021/DS-PT ngày 14/10/2021 của TAND tỉnh Bình Định tuyên hủy Bản án sơ thẩm giao hồ sơ vụ án cho TAND thị xã Hoài Nhơn giải quyết lại. Sau vụ án, VKSND tỉnh Bình Định cũng ra thông báo đến các đơn vị VKSND cấp huyện, vụ án dân sự “Tranh chấp tài sản là di sản thừa kế” để rút kinh nghiệm chung.

Mai Thu Hà