Kiểm sát THADS- HC là một trong các công tác thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND được quy định trong Luật Tổ chức VKSND, Luật thi hành án Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính. Để thực hiện tốt chức năng này, yêu cầu KSV trong quá trình kiểm sát phải phát hiện được các vi phạm của Toà án, Cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Từ đó kịp thời kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, nhằm đảm bảo hoạt động THADS- HC đúng pháp luật.

Số lượng và tính chất vụ việc THADS- HC ngày càng nhiều và phức tạp. Đặc biệt là thi hành án trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản cho Nhà nước, tài sản liên quan đến các tổ chức tín dụng, việc cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất, việc thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính có liên quan đến trách nhiệm của Chủ tịch UBND... Từ đây đòi hỏi cán bộ, KSV làm công tác kiểm sát THADS- HC bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực, cần phải vững nghiệp vụ, mới có thể thực hiện tốt vai trò, chức năng kiểm sát.

leftcenterrightdel
 VKSND TP Quy Nhơn kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án tại Chi cục Thi hành án dân sự TP Quy Nhơn.

Trước yêu cầu mới, VKSND tỉnh Bình Định đã xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, KSV, trong đó có cán bộ, KSV làm nhiệm vụ kiểm sát thi hành án Dân sự - Hành chính là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết hàng đầu cần tập trung thực hiện, trong nhiệm vụ công tác hàng năm của đơn vị.

Trong hai năm (từ 1/10/2020- 8/2021), trên lĩnh vực kiểm sát THADS- HC, VKSND tỉnh Bình Định đã đạt được một số kết quả như, thụ lý kiểm sát 17.253 việc/2.997 tỉ đồng (trong đó số thụ lý mới 12.151 việc/1.347 tỉ đồng). Đã kết thúc thi hành án 11.751 việc/850 tỉ đồng trên tổng số 14.470 việc/1.722 tỉ đồng có điều kiện thi hành (đạt tỉ lê 81,2% về số việc và 49,3% về số tiền). Trong đó, số thi hành xong 11.520 việc/809 tỉ đồng. Thụ lý, kiểm sát 18 vụ thi hành án hành chính. Đã thi hành 6 việc và hiện đang tiếp tục kiểm sát việc theo dõi 12 việc.

Qua kiểm sát, đơn vị đã ban hành 32 kiến nghị đối với cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án cùng cấp với nhiều dạng vi phạm. Tất cả các kiến nghị đều được đơn vị bạn chấp nhận khắc phục vi phạm. Kết quả trên là thành quả của sự nỗ lực không ngừng của tập thể Lãnh đạo cũng như cán bộ KSV làm công tác kiểm sát thi hành án Dân sự - Hành chính.

Để nâng cao trình độ cũng như kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ KSV làm công tác kiểm sát THADS- HC, VKSND tỉnh Bình Định không ngừng cải tiến các phương thức đào tạo, bồi dưỡng. VKSND tỉnh Bình Định đã thực hiện một số biện pháp và phương thức đào tạo có hiệu quả, chất lượng, phù hợp với tổ chức hoạt động của ngành kiểm sát và được cán bộ KSV trong ngành hưởng ứng như:

Thứ nhất: Kiện toàn bộ máy làm việc, thực hiện chuyên trách nghiệp vụ. Phân công nhiệm vụ chặt chẽ và thống nhất ở cả hai cấp. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Phát huy năng lực, sở trường của từng cán bộ, KSV. Bên cạnh việc bản thân mỗi cán bộ, làm công tác kiểm sát THADS- HC thường xuyên trau dồi đạo đức, tác phong, bản lĩnh nghề nghiệp, thì lãnh đạo Viện, Phòng luôn quan tâm và có sự đánh giá chính xác về năng lực của từng cán bộ, KSV. Kịp thời phát huy được những điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, phân công, phân nhiệm hợp lý, tạo tiền đề để cán bộ, KSV phát huy được nội lực bản thân, thực hiện tốt nhiệm vụ công tác đang đảm trách .

Thứ hai: Coi trọng công tác đào tạo đặc biệt là đào tạo tại chỗ. Thực hiện phương châm "cầm tay chỉ việc", phân công KSV có kinh nghiệm kèm cặp, hướng dẫn KSV mới, KSV kèm cặp, hướng dẫn Chuyên viên, Kiểm tra viên trong công tác nghiệp vụ và gắn với trách nhiệm của người hướng dẫn. Hàng tháng, có nhận xét về hiệu quả công việc và trách nhiệm của người hướng dẫn và người được hướng dẫn. Quan tâm sắp xếp bố trí nhân sự đan xen giữa người có kinh nghiệm và người chưa có kinh nghiệm để đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, thường xuyên sắp xếp, bố trí cử KSV theo học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về công tác kiểm sát THADS- HC do VKSND tối cao tổ chức.

Thứ ba: Định kỳ hàng tháng, hàng quý bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ thông qua công tác tập huấn chuyên đề, các thông báo rút kinh nghiệm của VKSND tối cao và VKSND cấp tỉnh. Nội dung tập huấn cô đọng, chỉ ra được các dạng vi phạm trong từng lĩnh vực, các vướng mắc trong áp dụng pháp luật và hướng chỉ đạo của cấp trên. Chỉ rõ các vấn đề yếu kém cần khắc phục của các đơn vị trong hoạt động kiểm sát, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong công tác phối hợp giải quyết thi hành án.

Thứ tư: Thực hiện phương thức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thông qua việc tổ chức các cuộc thi nghiệp vụ dưới hình thức gameshow. Điển hình cuộc thi "Chúng tôi là Kiểm sát viên". Với kinh nghiệm từ sự thành công của các cuộc thi trước ở lĩnh vực Hình sự, Dân sự, năm 2021, VKSND tỉnh Bình Định tiếp tục tổ chức cuộc thi trên, tập trung vào tìm hiểu về Luật thi hành án Dân sự và Luật thi hành án Hình sự, đưa ra những tình huống pháp lý cần giải quyết, nhằm củng cố kiến thức pháp luật và kỹ năng kiểm sát, giải quyết công việc cho cán bộ, KSV.

Đây là một hình thức đào tạo có tính quy mô, thu hút được nhiều đối tượng tham gia và đạt hiệu quả cao trong việc nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ, KSV trong toàn ngành. Đồng thời là hình thức tuyên truyền kiến thức pháp luật, về ngành Kiểm sát trong nhân dân. Đồng thời, với hình thức gameshow, cuộc thi cũng tạo không khí sôi động, đoàn kết, nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, KSV, công nhân viên của đơn vị.

Với việc áp dụng nhiều biện pháp có tính thực tiễn cũng như đổi mới trong phương thức đào tạo, VKSND tỉnh Bình Định đã từng bước kiện toàn đội ngũ cán bộ, KSV làm công tác kiểm sát THADS- HC, xây dựng  được đội ngũ KSV "vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật" thực hiện tốt vai trò, chức năng kiểm sát của ngành KSND.

Nguyễn Thị Phương Thảo