Cụ thể, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có Công văn chỉ đạo phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán thực phẩm là cà phê bột giả gửi đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành các địa phương tăng cường phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán thực phẩm là cà phê bột như đề nghị của VKSND tỉnh Đắk Lắk.

leftcenterrightdel
 Cơ quan điều tra tổ chức khám nghiệm hiện trường.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trên cơ sở kiến nghị của VKSND tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các Sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã và thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cà phê bột, cụ thể như:

Đối với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Quản lý Nông lâm và Thủy sản tăng cường công tác quản lý chuyên ngành, giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê bột, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nói chung và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cà phê nói riêng. Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Y tế, Công an tỉnh và Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk xây dựng tài liệu về nội dung hướng dẫn cách nhận biết cà phê bột giả, cách kiểm tra và đánh giá về chất lượng cà phê.

Với Sở Y tế, chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tăng cường công tác quản lý chuyên ngành, giảm sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê bột, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nói chung và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cà phê nói riêng;

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ như: Thanh tra; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê bột nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nói chung và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cà phê nói riêng. Chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng tài liệu hướng dẫn người tiêu dùng, các cơ sở kinh doanh cà phê bột, các nhà hàng, quán cả phê không tiếp tay cho các đối tượng sản xuất cà phê giả, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi sản xuất, buôn bán cà phê bột giả.

Công văn nêu rõ, Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chuyên môn, Công an các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực sản xuất cà phê giả, chú trọng đến các đối tượng sản xuất cà phê giả ở ngoài địa giới hành chính tỉnh Đắk Lắk mang vào địa bàn tỉnh tiêu thụ, làm ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong khâu lưu thông và có biện pháp đấu tranh kịp thời, ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển cà phê giả, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Các sở, ban, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong công tác sản xuất, kinh doanh cà phê bột.

Ngoài ra, UBND tỉnh có Công văn giao Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) chủ trì, phối hợp các đơn vị có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, căn cứ ý kiến đề nghị của VKSND tỉnh và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại các Văn bản nêu trên, nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Quốc Quân - Hoài Thu