leftcenterrightdel
  Một phiên tòa xét xử vụ án cố ý gây thương tích (ảnh minh họa)

Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết án hình sự, VKSND huyện Cần Giuộc nhận thấy tội phạm về “Cố ý gây thương tích” trên địa bàn thời gian qua có chiều hướng gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng và phức tạp hơn.

Trong các vụ việc, những đối tượng thường thực hiện hành vi phạm tội một cách manh động, thể hiện thái độ xem thường pháp luật. Có những vụ việc chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống mà các đối tượng sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải quyết, dẫn đến những sự việc đau lòng cũng như để lại hậu quả hết sức nặng nề.

Qua nghiên cứu 14 vụ việc “Cố ý gây thương tích” được Cơ quan CSĐT Công an huyện Cần Giuộc thụ lý giải quyết, VKSND huyện nhận thấy các đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa khi đối tượng phạm tội dưới 30 tuổi chiếm đến 52,94%.

Về nguyên nhân dẫn đến tội phạm “Cố ý gây thương tích” ngày càng gia tăng, trước hết là do điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện kéo theo nhiều hệ lụy. Mặt trái của cơ chế thị trường dẫn đến xuống cấp về đạo đức của một bộ phận người dân với nhận thức đồng tiền là trên hết, bất chấp thủ đoạn để thực hiện mục đích của mình, kể cả xô xát, đánh nhau.

Trong khi đó công tác hòa giải tại cơ sở mặc dù đã được chú trọng nhưng vẫn còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương còn chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện những mâu thuẫn nhỏ trong nhân dân để giải quyết triệt để. Khi mâu thuẫn kéo dài sẽ dẫn đến việc sử dụng các hành vi bạo lực để giải quyết.

Về nguyên nhân chủ quan thì có một bộ phận người dân thường xuyên sử dụng rượu, bia, chất kích thích, cũng như chịu tác động tiêu cực bởi phim ảnh có tính chất bạo lực và game online…, từ đó khiến con người trở nên nóng nảy, thiếu kiềm chế, ứng xử không đúng chuẩn mực khi xảy ra mâu thuẫn.

Trong khi đó sự quản lý, giáo dục giữa gia đình, nhà trường cũng như các tổ chức đoàn thể chưa thực sự chặt chẽ, một bộ phận giới trẻ hiện nay có lối sống buông thả, thích khẳng định mình và thích sử dụng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Đánh giá của VKSND huyện Cần Giuộc, hành vi “Cố ý gây thương tích” không chỉ xâm hại đến sức khỏe, tính mạng người khác là khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến nếp sống văn hóa, gây mất trật tự an ninh tại các địa phương, gây hoang mang, bức xúc trong quần chúng nhân dân và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn huyện. Do đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm “Cố ý gây thương tích” là một yêu cầu cấp thiết được đặt ra đối với tất cả cơ quan, ban ngành ở địa phương nói chung và các cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng.

Để bảo đảm phòng ngừa tội phạm cố ý gây thương tích, VKSND huyện Cần Giuộc đã có văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện và các cấp cơ sở đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” trên địa bàn, phát huy vai trò quần chúng nhân dân trong công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội, kịp thời phát hiện báo tin tội phạm cho các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với lực lượng Công an các cấp huyện Cần Giuộc cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, thường xuyên tiến hành tuần tra canh gác, nhất là các khu vực phức tạp về an ninh trật tự để kịp thời phát hiện, xử lý tội phạm; đề cao công tác phòng ngừa, nắm chắc biến động, mối quan hệ và các biểu hiện nghi vấn của các đối tượng có tiền án, tiền sự, các đối tượng hoạt động theo băng nhóm để tổ chức các phương án, kế hoạch thực hiện toàn diện các mặt công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Về phía Đài truyền thanh huyện và UBND cấp xã cần thường xuyên tuyên truyền trong quần chúng nhân dân nâng cao giá trị truyền thống văn hóa, đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh, không sử dụng rượu, bia; xây dựng lối sống đoàn kết tại khu dân cư.

Bên cạnh đó tăng cường công tác hòa giải tại cơ sở, phát huy hơn nữa vai trò của trưởng ấp, trưởng khu phố trong công tác giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa. Kịp thời giải quyết mâu thuẫn phát sinh ở cơ sở cũng như phối hợp với Nhà trường và các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... nắm bắt tình hình, các mâu thuẫn xảy ra trong quần chúng nhân dân. Trên cơ sở đó có biện pháp xử lý kịp thời, thích hợp, không để xảy ra xung đột trên địa bàn.

Đồng thời vận động nhân dân, nhất là lứa trẻ tham gia các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở để tạo ra những hoạt động, những sân chơi lành mạnh, bổ ích, thông qua đó lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân.

Đặc biệt các cơ quan hữu quan, nhất là Cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường phối hợp chặt chẽ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm “Cố ý gây thương tích” và đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án “Cố ý gây thương tích” nhằm đảm bảo tính răn đe phòng ngừa, phục vụ tốt tình hình chính trị địa phương.

Việt An