Nội dung vụ án thể hiện, Công ty TNHH Orchem nhận gia công các loại hàng hóa là chi tiết các bản mạch FPCB của bộ mạch in điện tử cho Công ty TNHH Eduen, trực tiếp sản xuất tại khu nhà xưởng do Công ty Eduen thuê của Công ty Doosan tại lô XN6-II, khu công nghiệp Đại An, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. 

Ngày 25/4/2021, Công ty TNHH DooSan đã xảy ra hỏa hoạn, toàn bộ tài sản, trang thiết bị, máy móc của Công ty TNHH Orchem nằm trong xưởng của Công ty TNHH Eduen đã bị thiệt hại.

leftcenterrightdel
Vụ hỏa hoạn xảy ra tại Công ty TNHH Doosan vào ngày 25/4/2021.

Theo kết luận giám định điểm xuất phát cháy từ phòng Etching của Công ty Eduen; nguyên nhân cháy do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện làm cháy lớp vỏ cách điện sau đó cháy lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy.

Theo thẩm định giá thì giá trị tài sản trừ khấu hao còn tổn thất là hơn 26 tỉ đồng. Công ty TNHH Orchem khởi kiện đến yêu cầu Công ty TNHH Eduen và Công ty Doosan có trách nhiệm đền bù thiệt hại về tài sản cho Công ty Orchem số tiền hơn 26 tỉ đồng.

Bản án sơ thẩm của TAND TP Hải Dương đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Orchem; buộc Công ty TNHH Eduen và Công ty TNHH DooSan phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho Công ty TNHH Orchem toàn bộ thiệt hại về máy móc, thiết bị số tiền là hơn 26 tỉ đồng. Chia theo tỉ lệ lỗi (Công ty TNHH Eduen Vina phải bồi thường hơn 18,3 tỉ đồng; Công ty TNHH DooSan phải bồi thường hơn 7,8 tỉ đồng).

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan kháng cáo đề nghị sửa bản án sơ thẩm không chấp yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Theo VKSND TP Hải Dương, điểm xuất phát cháy do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện thuộc khu vực của Công ty DooSan nhưng hệ thống điện bên trong nhà xưởng Công ty DooSan không đủ điều kiện là hệ thống điện truyền tải nên không được coi là nguồn nguy hiểm cao độ quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự.

TAND TP Hải Dương cho rằng điện áp dưới 22KW là truyền tải điện nên là nguồn nguy hiểm cao độ. Tuy nhiên, VKSND TP Hải Dương đã căn cứ vào quy định Bộ luật Dân sự, quy định của Luật điện lực và các văn bản liên quan, ban hành kháng nghị phúc thẩm, xác định điện áp dưới 22KW “Không phải là truyền tải điện” thì không phải là nguồn nguy hiểm cao độ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên VKSND tỉnh Hải Dương đã đưa ra những lập luận, chứng cứ, quan điểm để bảo vệ kháng nghị của VKSND TP Hải Dương. Theo khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự xác định hệ thống tải điện là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ.

Căn cứ quy định tại mục 3 Điều 3 Thông tư số 25/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 quy định về hệ thống điện tải của Bộ Công thương giải thích về lưới điện phân phối: “Lưới điện phân phối là phần lưới điện bao gồm các đường dây và trạm điện có cấp điện áp đến 110KV”.

Tại khoản 34 Điều 3 Thông tư số 25/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 quy định: “Lưới điện truyền tải là phần lưới điện bao gồm các đường dây và trạm điện có cấp điện áp trên 110KV”.

Như vậy hệ thống tải điện có điện áp trên 110KV mới được coi là nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự. Trong khi việc chập mạch điện dây cháy xảy ra trong hệ thống nhà xưởng của Công ty DooSan, có điện áp dưới 22KV nên không phải là nguồn nguy hiểm cao độ.

Do vậy không thể áp dụng quy định Điều 601 Bộ luật Dân sự để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hệ thống điện mà việc xác định trách nhiệm bồi thường phải áp dụng quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo đó người gây thiệt hại chỉ chịu trách nhiệm bồi thường khi có lỗi.

Trong 2 ngày 19 và 24/7/2023, VKSND tỉnh Hải Dương đã tham gia phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định chấp nhận kháng nghị của VKSND TP Hải Dương, sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.

P.V