Theo HCDC, một trong những điều kiện để có thẻ xanh là có chứng nhận đã tiêm chủng đủ 2 mũi vắc-xin ngừa COVID-19 hoặc chứng nhận nhiễm COVID-19 (F0) đã khỏi bệnh.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Hiện phần mềm Sức khỏe điện tử vẫn đang cập nhật thông tin người tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Còn với các trường hợp F0 đã hết bệnh, để có chứng nhận nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh, người từng nhiễm (F0) phải được xác nhận bằng một trong các loại giấy chứng nhận như giấy xuất viện, giấy xác nhận hoàn thành cách ly của ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn.

Với các F0 tự làm xét nghiệm, tự cách ly tại nhà không có giấy xác nhận hoàn thành cách ly của ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn cần có giấy xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố/tổ nhân dân hoặc của các tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà.

Tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà bao gồm do các trường đại học y khoa, do các tổ chức thiện nguyện (ATM oxy, các tình nguyện viên là các bác sĩ nghỉ hưu...) đảm trách.

Theo quy định của Bộ Y tế, người có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng. Lý do là vì với những trường hợp này, đã có kháng thể tự nhiên bảo vệ cơ thể trong một khoảng thời gian. Do đó, để bảo đảm an toàn cho bản thân, các trường hợp không thể xác nhận đã từng mắc COVID-19 thì cần phải tiêm vắc xin. Mặc dù đã tiêm vắc xin, chúng ta vẫn cần tuân thủ phòng bệnh theo nguyên tắc 5K.

Cần hiểu thẻ xanh không thay thế cho giải pháp quan trọng hiện nay là 5K và xét nghiệm. Do vậy người dân tránh hiểu lầm là có thẻ xanh thì không cần 5K và xét nghiệm. Vì có thẻ xanh chỉ bảo vệ cá nhân nhưng chúng ta có thể có virus trong người, có thể lây bệnh cho người khác, cho cộng đồng. Vì vậy thẻ xanh phải kết hợp với 5K, xét nghiệm./.

Sơn Tùng