(BVPL) - Là một người nhiều năm cùng công tác, gắn bó sâu sắc và biết khá rõ về anh Hạ Bá Đoàn, nhưng tôi vẫn hết sức ngạc nhiên khi đọc xong hai cuốn đầu và bản thảo của cuốn thứ ba trong bộ tiểu thuyết có tên “Đi tìm hiện thực của những ước mơ”! Đây là bộ tiểu thuyết mang tính sử thi đồ sộ, tái hiện cả 100 năm, trải dài những sự kiện vinh quang, hào hùng và bi thương của đất nước. Tác phẩm như một bức tranh rộng lớn, nhiều hình, nhiều vẻ, đa sắc mầu, lắm những sự kiện mang dấu ấn không quên; hàng trăm nhân vật sống động, tiêu biểu cho các tầng lớp người trong chiến tranh, xây dựng hòa bình và công cuộc đổi mới. Tiểu thuyết hóa cuộc đời thương đau mà không bi lụy, có thắng lợi và cả chưa thành công mà vẫn lạc quan, thấy rõ hướng đi lên.

 


Gấp sách lại, sau khi đã đọc lần hai hết trang cuối cùng của tập III, Suy nghĩ… với thói quen nghề nghiệp, tôi viết ra đây những cảm xúc “được sống” cùng nhân vật và sự kiện mô tả về ngành Kiểm sát nhân dân. Cảm nhận chung, là những nhân vật Viện trưởng, Kiểm sát viên, Điều tra viên và Thẩm phán hiện lên một cách rất thực, sinh động đến lạ lùng. Nếu tác giả không phải là người có tâm ưu ái thân phận con người, có nhãn quan nhìn tầm xa, lại nắm chắc pháp luật và tinh thông nghiệp vụ, thì dù là người có tài viết văn đến mấy, cũng không dễ gì viết được những trang hay và hấp dẫn như thế.

Để tái hiện một mảng của thời bao cấp, tác giả đã xây dựng nhân vật thị Lan, một cửa hàng trưởng mậu dịch bán thịt. Chỉ bằng những đoạn lòng lợn, thị Lan đã “trói buộc” và điều khiển một loạt cán bộ từ Phó Chủ tịch khu phố (tương đương quận), đến Trưởng phòng nhà đất, cán bộ Công an và Tòa án; biến họ thành tay sai cộng phạm lừa đảo chiếm đoạt căn nhà của cụ họa sỹ Nguyễn An – Đây là câu chuyện cười ra nước mắt dựa trên một vụ án có thật cách đây gần 40 năm. Người bị hại phản ứng, thì bọn chúng “lập hồ sơ” biến họ thành bị cáo (!). May thay, thời ấy, có một “Bao công” là Viện trưởng Hoàng (mà người đọc cảm nhận như bóng dáng của Viện trưởng Hoàng Quốc Việt đương thời). Cụ đã sử dụng uy tín và quyền lực của mình đúng chỗ, chỉ đạo bộ máy mở cuộc điều tra lại, thực hành quyền công tố công minh, khiến cho bọn quan chức xấu cùng thị Lan phải hiện nguyên hình là những kẻ phạm tội, thế chỗ đứng tại vành móng ngựa; còn họa sỹ Nguyễn An và anh thương binh, là những người vô tội bị hại, từ vành móng ngựa bước ra khoảng trời tự do. Nhiều người hồi ấy biết rõ vụ án này và đọc xong đã nói: Đối với ngành Kiểm sát, đây là vụ án nổi tiếng mang dấu ấn mẫu mực của tinh thần công tố bảo vệ pháp luật. Nếu như tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tội phạm ấy tiếp tục được phát huy và nhân lên, thì sự hư hỏng trong cán bộ ta chắc sẽ không đến mức như bây giờ. Nếu Kiểm sát viên, Điều tra viên và Thẩm phán đọc xong, chắc họ cho rằng học được ở phiên tòa chung sơ thẩm này cách thẩm vấn thông minh, lịch sự, hiệu quả và dễ đi vào lòng người.

Ấn tượng và nhiều cảm xúc nhất vẫn là nhân vật Trịnh Đông. Có thể nói, đây là nhân vật điển hình, mô tả rất tự nhiên, người đọc không thể nào quên được. Đọc xong, ta thấy hiện lên hình ảnh con người Kiểm sát đáng quý, cảm phục và yêu thương nhân cách đẹp mà cuộc đời thăng trầm đầy kịch tính. Trớ trêu thay, nhân vật ấy càng có suy nghĩ mới, tìm tòi và hành động rất nhân văn, nâng cao uy lực bảo vệ pháp luật, kiên quyết ngăn chặn cái ác, đưa con người trở lại lương thiện, thì nhân vật tích cực ấy càng bị ghét bỏ và ngăn chặn. Phải chăng đây là hồi chuông báo động: Ngay thời ấy, đã xuất hiện một thế lực tiêu cực mang tính tổ chức, liên kết trong ngoài ngành Kiểm sát, chúng có chỗ dựa từ một số kẻ nhân danh lãnh đạo, nhân danh những mỹ từ cao đẹp để làm những việc xấu xa? Nhân vật tích cực như Trịnh Đông đã bị “dồn xuống đáy”. Lúc này ta vẫn thấy có nhiều người muốn chống lại cái ác, nhưng họ bị đe dọa, bị khống chế và vô hiệu hóa từ phía một số người nắm quyền.  Không ít người tích cực, biết rõ ai là kẻ làm sai, vi phạm pháp luật, mà vẫn phải im lặng. Họ phải “điều chỉnh” lời nói,“điều chỉnh” cách sống,“mài mòn” nhân cách của mình, đến mức mình không còn là mình nữa. Kết cục là đời sống tinh thần trong xã hội như bị “mây mù” che phủ, phải trái lẫn lộn, đen trắng mù mờ; cuối cùng là người dân và công nhân viên chức thuộc loại “thấp cổ bé họng” là chịu thiệt; Một xã hội như thế thì khi đó khó có điều kiện phát triển nhanh được và văn hóa xuống cấp là lẽ đương nhiên. Nhân vật Trịnh Đông, một người có tài, có đức cũng phải “bỏ cuộc”, quay về với gia đình làm “phận sự đàn ông” cứu lấy vợ con đang ốm đau nheo nhóc. May sao khi ấy công cuộc đổi mới của đất nước tạo một phần cơ hội cho mọi người, trong đó có Trịnh Đông. Tuy về nghỉ hưu sớm, nhưng Trịnh Đông đâu có nghỉ. Ngoài việc anh  làm phận sự người chồng, người cha, thì Trịnh Đông vẫn khao khát đóng góp và làm nhiều việc có lợi cho xã hội và cho ngành Kiểm sát nhân dân.

Nhân vật Trịnh Đông được mô tả như trên có quá mức đối với cuộc đời thật hay không, cũng là một tranh cãi. Phải chờ tập III xuất bản, mọi người đọc xem sao. Riêng tôi thì đoán rằng: Có thể, có người chưa tin là một ông Viện trưởng, tài đức là thế mà phải chịu sự thăng trầm ghê gớm như vậy? Có thể nhiều người, nhất là những người sống sát với cuộc đời thực, thì sẽ khẳng định một cách chắc chắn rằng: Trịnh Đông là nhân vật tích cực, tiêu biểu cho cuộc sống đời thường, mang bóng dáng của người nọ, người kia. Nhiều người cũng đã rơi vào tình cảnh ấy, mà họ không giám nói ra, muốn thoát ra mà không được; Vì cuộc sống thiết thân, họ phải cam chịu, cho qua.

Tôi suy nghĩ mãi về đoạn đối thoại, chuyện trò giữa nhân vật Trịnh Đông với nhân vật Trần Quang – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trịnh Đông nói:

- Qua theo dõi các cuộc họp Quốc hội và báo chí, dạo này ít thấy tình trạng đại biểu Quốc hội chất vấn việc bắt oan, giam sai và truy tố người vô tội, xảy ra như trước nữa. Đây là tín hiệu đáng mừng trong giai đoạn đổi mới của ngành Kiểm sát nhân dân – Nói đến đây, Trịnh Đông đắn đo một chút, rồi nói tiếp:

- Đừng vội hài lòng, vì vẫn còn nhiều trường hợp quan chức ở các cấp tham nhũng, đứng ngoài vòng  pháp luật; thì cơ quan công tố Quốc gia chưa thể nói hay được. Việc này đối với ngành Kiểm sát muốn làm cũng không dễ đâu. Trong bối cảnh hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân chỉ có thể làm được việc ấy, khi Đảng ta thật sự ra tay.

Tôi đánh giá cao bộ tiểu thuyết này của Hạ Bá Đoàn ở nhiều góc nhìn khác nhau. Một trong những phương diện nổi bật là chống tiêu cực và thấm đượm tinh thần nhân văn vì con người! Tôi tưởng tượng nhân vật Trịnh Đông tượng trưng đại diện cho Công Lý, đang bị thế lực đen tối chà đạp. Hình tượng ấy là bi kịch của thời cuộc, phát ra tiếng kêu gọi: Hãy chống lại cái ác!- Điều đó chỉ có thể thành hiện thực lớn, khi chúng ta thực sự nắm chặt tay nhau, quyết tâm xây dựng một nền pháp quyền dân chủ - Đương nhiên là dưới sự lãnh đạo của Đảng.
 

TS. DƯƠNG THANH BIỂU
Nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC

.