Đầu xuân tôi cùng nhóm bạn tham gia một chuyến du lịch điền dã với mục đích ngược thời gian để sống với bản sắc văn hóa dân tộc của một vùng quê. Quả là khi được đắm chìm trong không khí lễ hội tưng bừng, được xem đấu vật trong tiếng trống rộn ràng, được nghe các bà, các chị hát các làn điệu dân ca quan họ trong trẻo, thiết tha, tình tứ trên các chiếu giữa sân đình; được ngắm nhìn những tà áo, những chùm thắt lưng hoa lý với những màu sắc tươi tươi tắn hài hòa, những chiếc khăn mỏ quạ, nón quai thao... tôi bỗng rưng rưng xúc động. Nhất là khi nhìn những cụ già bảy mươi tuổi móm mém, những cô thôn nữ, các cháu nhi đồng hát một làn điệu quan họ thật hồn nhiên, trong sáng... Tất cả những điều ấy khiến tôi hiểu rất rõ bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam không dễ gì phai nhạt.

Điều thật ngạc nhiên là vùng đất ấy chỉ cách Hà Nội có hơn hai mươi cây số. Đó là làng quan họ Long Khám thuộc xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Lim - Long Khám - Ngang Nội và Phật Tích là một quần thể di tích thống nhất, thế đất là thế rồng cuộn. Truyền thuyết kể lại rằng: Sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, ông quyết định rời khỏi kinh đô Hoa Lư đi dọc sông tìm nơi đóng đô mới. Khi đến thành  Đại La thì ông gặp rồng ở đó bay lên và ông quyết định chọn nơi này làm kinh đô lấy tên là thành Thăng Long. Con rồng ở thành Đại La bay lên rồi có lần đậu xuống vùng Tiên Du nghỉ. Chính vì vậy mà các vua chúa nhà Lý đều chọn vùng này làm nơi nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng cho các Thái Thượng Hoàng sau khi rời ngôi vua nhường lại cho các thái tử. Chùa Phật Tích nằm trên núi Nạn Kha. Phía sau chùa còn lưu giữ lại rất nhiều lăng mộ đá các nhà sư đời Lý. Có thể nói chùa Phật Tích còn tương đối nguyên vẹn. Mười thế kỷ đã trôi qua nhưng các di vật cổ còn lại trọn vẹn. Đặc biệt, Chùa có một pho tượng Adiđà bằng đá xanh cao 2,3m, bệ tượng cao 90cm, trên bệ tượng có nhiều hoa văn hình sóng nước. Dấu tích văn hóa đời Lý vẫn còn rõ nét trong mái chùa thế đầu rồng lượn, trong mái ngói rêu phong, trong các bệ tượng hình hai nửa chiếc trống đồng.

Chùa Phật Tích được xây dựng trên núi cao, dựa lưng vào dãy núi một cách vững chãi. Trên đỉnh Nạn Kha là một bàn cờ mà tương truyền có một người dân leo lên ngồi xem gặp hai vị tiên đánh cờ, hết ván cờ trở xuống đã 5 đời trôi qua. Duy chỉ có hơn chục lăng mộ đã có nhiều thập đá đã bị thời gian làm hư hại cần phải được tôn tạo lại.

leftcenterrightdel

  Pho tượng Adiđà bằng đá xanh có từ thời Lý (ảnh: Đàm Phương)

Thế đất hình rồng cuốn này mà đầu rồng chính là dãy núi thuộc thôn Long Khám còn đuôi rồng nằm ở thôn Ngang Nội. Chùa Bách Môn được xây dựng trên sườn núi giữa trán con rồng. Đất nước chúng tra đã từng có chùa trăm gian, chùa một cột, đình trăm cột và ở đất Long Khám này có chùa trăm cửa (Bách Môn). Chùa Bách Môn tên chữ gọi là Linh Cảm Tự được xây dựng từ đời nhà Lý thể kỷ XI. Năm 1556 đời Mạc Phúc Nguyên cho trùng tu, đến năm 1612 cũng được sửa sang lại nhưng vẫn theo kiểu dáng cũ. Đến đời Trịnh Sâm (1757 - 1782) bà phi Đặng Thị Huệ đã cho đại tu và kiến trúc lại hoàn toàn thành một công trình văn hóa nghệ thuật độc đáo. Chùa có diện tích 924,16 m với bốn cạnh bằng nhau, mỗi mặt làm thành bảy gian đều có chuôi vồ vào giữa chùa. Phía bên ngoài bốn góc chùa xây thành bốn góc hai tầng để treo chuông khánh, trống mõ.

Ở giữa chùa liền với bốn chuôi vồ là một lầu cao. Bốn góc phía trong chùa cấu trúc thành bốn bể cạn đào sâu bằng đáy hồ dưới chân núi đổ đầy than đá. Mỗi chạn cửa bể là 5m, trên mặt bể được đổ một lớp đất cát để tiêu nước mưa và có tác dụng điều hòa nhiệt độ.

Đặc biệt chùa được cấu trúc một trăm cửa thông nhau. Tượng Phật được bố cục cả bốn chùa, do vậy đi vào hướng cửa nào cũng như hướng chính. Đứng trên nền chùa nhìn ra xung quanh là một vùng đồi núi xen kẽ với những cánh đồng lúa và vườn cây xanh tươi. Những đồi núi đều được mang tên các con vật như : Rồng, rắn, hổ, lợn, rùa, phượng v.v..

Chùa Bách Môn cũng là nơi ở của các cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ và cán bộ Việt Minh về xây dựng cơ sở cách mạng đầu tiên ở trong vùng. Chính đây là nơi gặp gỡ giữa cán bộ Việt Minh với Tri huyện Túy của huyện Tiên Du để buộc chúng phải giao chính quyền cách mạng tháng 8 năm 1945. Chùa Bách Môn còn được chọn làm địa điểm mở các lớp bồi dưỡng chính trị quân sự của các cán bộ Việt Minh cho các lực lượng cách mạng. Đồng thời là nơi cất giấu vũ khí lấy được của quân đội Nhật sau ngày tổng khởi nghĩa ở tỉnh lỵ Bắc Ninh.

Cũng từ đất Long Khám này dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh hơn 400 tự vệ cũ trong vùng đã tập kết tại đình Long Khám để tiến lên thị xã Bắc Ninh giành chính quyền về tay nhân dân. Vì thế, ngày 19 - 8 - 1991 đình Long Khám được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1949 nhân dân phải tự tiêu thổ chùa Bách Môn để phục vụ kháng chiến. Bao nhiêu nước mắt và sự đau xót phải dỡ bỏ một ngôi chùa kiến trúc độc đáo gắn liền với bao sự kiện lịch sử  là cái giá mà chúng ta đạt được độc lập - tự do. Nhưng mọi người dân đều tâm niệm: Thắng lợi rồi chúng ta sẽ xây dựng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Tháng 5/2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ tại di tích chùa Bách Môn, với diện tích khai quật rộng 200m2.

leftcenterrightdel
 Một góc phong thủy hữu tình tại chùa Bách Môn (ảnh: Đàm Phương)
Và ngày 7/1/2018 vừa qua, tại ngôi chùa này đã diễn ra buổi hội thảo với chủ đề “Chùa Bách Môn – Giá trị lịch sử và kiến trúc”. Tham dự hội thảo có các chư Tăng của chùa cùng các học giả, nhà nghiên cứu về nhiều lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, văn hóa, kiến trúc… đã có các ý kiến, tham luận, góp ý – đi tới thống nhất tiến hành phục dựng chùa Bác Môn theo kiên trúc thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Thống nhất tên gọi chùa là “chùa Bách Môn”; nếu cần thiết bổ sung chi tiết cho công việc phục dựng chùa Bách Môn sẽ có các buổi tọa đàm, hội thảo trong thời gian tới…

Ngoài chùa “ trăm cửa”, thôn Ngang Nội còn là nơi sở hữu sân đình với những buổi hát quan họ trên chiếu, những lễ hội linh đình mà ở đây tương truyền là đuôi con rồng. Đặc biệt có một giếng Ngọc mà mọi người cho rằng đó là nơi sinh nở của rồng nên mỗi năm có ba ngày trong tháng 6 giếng nước trở nên đỏ rực. Hiện tượng lạ này các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được.

Ngày xuân về thăm một vùng quê chúng tôi càng thấm thía hơn hồn cốt của một dân tộc. Những gì mà chúng tôi gặp gỡ, chứng kiến không chỉ là niềm tự hào dân tộc, mà còn là cốt cách của dân tộc Việt thấm đẫm trong tâm hồn mỗi người. Nhưng hy vọng không chỉ chiêm ngưỡng trông đợi mà mỗi người sẽ bắt tay vào việc bảo tồn và phát triển những di sản văn hóa và lịch sử của đất nước. Hương sắc của một vùng quê quan họ - đó chính là một phần hồn cốt của nước Việt.

Quỳnh My