(BVPL) - Hát lượn là một thể loại dân ca đặc sắc của dân tộc Tày, có thể ví hát lượn với hát quan họ, hát ví dặm của người Kinh, hay hát khắp của người Thái… Xa xưa, dưới những khóm tre lả lơi bên dòng sông Kỳ Cùng của Xứ Lạng, điệu lượn giao duyên tình tứ thường vang lên vào những đêm trăng thanh gió mát, cuốn hút bao nam thanh nữ tú. Từ những cuộc hát lượn, nhiều đôi bạn hát đã “say” nhau mà nên vợ nên chồng. Bây giờ, những đôi bạn hát lượn năm xưa người còn người mất, và họ đã mang điệu hát đi theo, để câu hát lượn mãi dần xa…

Nét văn hoá người Tày

Chúng tôi đến Bản Ngà (xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) vào một ngày giữa tháng giêng. Nhà ông Đặng Xuân Ấm nằm bên quốc lộ 4B, ngay trên bờ sông Kỳ Cùng. Ông Ấm năm nay 85 tuổi, là một người Tày cao tuổi nhất ở xã. Ông cũng là một trong số rất ít những người biết hát lượn còn sống ở vùng này. Trong hương thơm nồng cảm giác lâng lâng của men rượu Mẫu Sơn, ông Ấm đã nói về hát lượn và kể chuyện thời trai trẻ đi hát của ông.

 

Ông Đặng Xuân Ấm và cháu nội
Ông Đặng Xuân Ấm và cháu nội - Ảnh: ĐS.


Hát lượn là một loại hình văn nghệ dân gian, được  người Tày sử dụng như một ngôn ngữ giao tiếp. Thông qua hát lượn, con người có thể thổ lộ tâm tư, tình cảm, tâm sự những vấn dề trong cuộc sống, đồng thời cũng là những phút thư giãn, giải trí sau những ngày lao động vất vả, để họ hoà mình vào thế giới tự nhiên. Hát lượn thường được diễn ra trong các dịp lễ hội, chợ phiên, lễ cưới, lễ mừng nhà mới, hoặc vào những đêm trăng sáng của thời kỳ nông nhàn… Thông thường, hát lượn là cuộc hát đối giữa một nam và một nữ hoặc một tốp nam và một tốp nữ với nhau, cũng có thể là giữa làng này và làng kia. Khi cuộc hát lượn bắt đầu, xung quanh các “nghệ sĩ” là đông đủ dân làng cùng nghe và tán thưởng. Nếu cuộc hát lượn diễn ra trong nhà, thì thời gian có thể kéo dài từ đêm đến gần sáng.


Theo ông Ấm, các bài hát lượn chủ yếu thường được truyền miệng, trước đây thi thoảng có bài được chép bằng chữ nôm Tày; cũng có nhiều bài lượn bằng tiếng Việt (lượn thơ tiếng Kinh), khi hát lượn thì người hát chỉ cần học thuộc lòng và luyện âm để hát cho hay và diễn cảm. Nhưng trong những cuộc hát lượn đối đáp thì khó hơn, ngoài việc hát hay thì người hát phải có tài “xuất khẩu thành thơ”, sáng tác ngay tức thì những câu lượn đủ điệu đủ vần, có nội dung phù hợp với thời gian, địa điểm, sự việc hoặc đề tài mà bạn lượn thách đố.


Để chuẩn bị cho một cuộc hát lượn tại một gia đình hay một làng nào đó, người đại diện của bên đứng ra tổ chức phải đến báo với gia chủ hoặc làng bên về lý do, mục đích, thời gian của cuộc lượn; nếu được chấp thuận, cuộc lượn sẽ diễn ra sau đó vài hôm. Lời mời hát lượn có thể thể hiện bằng lời nhắn gửi viết thư tay, trao gửi khăn tay hoặc hẹn đối tượng trong các cuộc thi đấu giao hữu trò chơi: ném còn, đánh yến… Trong những cuộc lượn thường mỗi bên có từ 2 đến 5 người, mỗi đoàn có một người người làm “nhóm trưởng”, là người có uy tín về kiến thức, hát lượn hay, nói năng khéo léo, xã giao lịch thiệp. Cũng có thể vào những dịp lễ hội hoặc việc làng, khách ở làng này thường đến chơi và nghỉ qua đêm ở các làng khác. Lúc này, chủ làng thường trao đổi thống nhất với chủ nhà có khách trọ nghỉ. Sau đó, thanh niên trong làng sẽ đến và hát những lời lượn nài mời khách tham gia cuộc lượn. Nếu khách mời có lời đáp lai là bắt đầu cuộc lượn giữa hai bên.

 

Sông Kỳ Cùng - Ảnh: ĐS.
Sông Kỳ Cùng - Ảnh: ĐS.


Trình tự của cuộc hát lượn thường diễn ra qua các bước: lượn nài (lượn mời), lượn thuồng (vào nội dung chính, trao đổi tình cảm), lượn giã bạn. Các câu hát lượn thường dùng nhất là thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, cũng có khi là thể thơ tự do để làm đầy đủ nội dung và vần điệu của câu hát; mỗi bên hát mấy câu, thay phiên nhau: “Đêm khuya thanh vắng tiếng khuê minh/ Quá khứ gian truân hữu cảm tình/ Thời thế yêu cầu đồng kết nghĩa/ Hoạ cơ nguy biến bảo tồn sinh…”


Ông Ấm cho biết, lượn chào mời gồm các bài mời, dáp, chúc mừng hoặc tỏ tình… nhằm tác động cho khách chấp nhận cuộc lượn: “Nhìn sang cửa sổ thấy  má đào/ Hoa nở ong bướm lượn xôn xao/ Cá ở dưới nước đua nhảy nhót/ Người gặp nhau xin được hỏi chào”; lượn chúc gia chủ: “Nhất trường nhị dạ dạ nhà minh/ Bắc hướng khai môn quả hữu tình/ “Bạch hổ thành long” “pao” hướng quý/ Chúc thụ nhà này sinh nam tài tử nữ thông minh”; hoặc lượn giã bạn: “Gà gáy réo rắt lúc canh tư/ Thấy nhạn bay qua mong gửi thư/ Thấy nhạn bay qua mong kết bạn/ Nặng chi tờ giấy nhạn chối từ”…  Cách sử dụng các âm điệu: hừ, là, a, ơi, hư, ha, ơi… trong câu hát lượn của ông Ấm làm chúng tôi liên tưởng đến hò sông Mã (Thanh Hoá), hò ca Huế hoặc các loại dân ca đồng bằng Bắc Bộ.

Nỗi lo mai một

Trước đây, hát lượn là một hoạt động văn hoá không thể thiếu ở các bản làng người Tày, khi thanh niên nam nữ đi chơi hoặc thăm hỏi các bản làng khác mà không được mời hát lượn thì coi như mất thể diện, nhưng nếu được mời mà không hát thì càng đáng xấu hổ. Cho nên nam nữ khi trưởng thành thường cố tìm học với các bậc cha chú để hát cho hay, cho giỏi. Ai lượn hay, lượn giỏi hoặc bản làng nào có nhiều người hát lượn sẽ là niểm hãnh diện vô cùng vì được người đời thán phục, truyền tụng.


Về cơ bản, những bài lượn có chung chủ đề về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước. Nội dung của những bài lượn đề cập nhiều vấn đề của cuộc sống: phản ánh hình ảnh thanh bình của các bản làng người Tày, cảnh lao động sản xuất, cảnh đông tàn xuân sang…, mượn hình ảnh của các loài cỏ cây hoa lá, những hình ảnh sự vật, sự việc, những điển tích chuyện xưa để giãi bày tình cảm, tâm tư của các tầng lớp thanh niên nam nữ trong những buổi gặp gỡ ban đầu và những lời hẹn ước về sau…

Những cuộc hát lượn đã tạo điều kiện cho việc giao lưu văn hoá, tình cảm giữa người địa phương này với địa phương khác, từ đó tình cảm giữa các cá nhân cũng như các thôn bản ngày càng thêm gắn bó, đoàn kết; nhiều đôi nam nữ đã yêu nhau, cưới nhau; nhiều đôi bạn đã kết nghĩa thành những đôi bạn tồng, thân thiết như anh em ruột thịt. Hát lượn đã góp phần xây dựng đời sống tinh thần cho các bản làng thêm phong phú. Điệu lượn, lời ca tạo không khí phấn khởi, sảng khoái cho nam thanh nữ tú khi gặp gỡ giao lưu sau những ngày lao động vất vả, giúp họ thêm tin yêu cuộc sống.


 Có một thực trạng đáng buồn là do quá trình để lại từ lâu, nhất là từ sau những năm 1945 đến nay, hát lượn tại các bản làng người Tày vắng bóng và thưa dần. Những người biết hát lượn như ông Ấm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Có thể nói ngoài các giá trị tinh thần, giao lưu cộng đồng, ngữ văn dân gian, âm nhạc, giao lưu văn hoá Tày – Kinh; hát lượn cùng với hát then, đàn tính của người Tày còn góp phần xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, văn hoá – du lịch . Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy bản sắc hát lượn Tày là việc làm cấp thiết.


Đặng Sinh