Nhiều giáo viên sau khi được ký theo dạng hợp đồng, phấn đấu rồi bỏ nghề vì… đợi mãi không được vào biên chế.

Cần xem xét trách nhiệm các phòng ban chuyên môn

Chỉ từ năm 2010-2016, UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã liên tục ồ ạt ký hợp đồng lao động, tuyển dụng dôi dư hơn 600 giáo viên về giảng dạy tại các cấp học từ mầm non đến THCS trên địa bàn, khiến nhiều trường học tại huyện Krông Pắk xảy ra tình trạng dư thừa giáo viên nghiêm trọng.

leftcenterrightdel
Hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế của hai vợ chồng chị Nga đều do chủ tịch UBND huyện ký. Ảnh: Chính Cương 

Đến khi vụ việc được các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh tra, kiểm tra phát hiện yêu cầu làm rõ và giải quyết dứt điểm vụ việc trên, thì đến ngày 9/3/2018, UBND huyện Krông Pắk tổ chức cuộc họp và thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động đối với 200 giáo viên đang hợp đồng giảng dạy các môn học không thuộc diện phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017 và trong năm 2018, UBND huyện sẽ tổ chức thi tuyển dụng viên chức giáo viên nhưng chỉ lấy 83 chỉ tiêu giáo viên.

Như vậy sau khi có kết quả kỳ thi, huyện sẽ chấm dứt hợp đồng đối với những giáo viên không trúng tuyển và trong số hơn 600 giáo viên được tuyển dụng dư thừa nói trên, sẽ có hơn 500 giáo viên có nguy cơ mất việc làm.

Qua sự việc này, nhiều câu hỏi được đặt ra: Khi tuyển dụng giáo viên cho các trường trên địa bàn, thì lãnh đạo huyện Krông Pắk và các cơ quan chuyên môn của huyện phải là người nắm rõ nhu cầu công việc của các trường là thiếu bao nhiêu giáo viên, cần tuyển bao nhiêu người, thì việc đó cán bộ chuyên môn của huyện không thể không biết? Phải chăng có việc “đi đêm” nên cứ trình lên là lãnh đạo ký?...

Nếu có tuyển dư thừa cũng không thể dư tới hơn 600 con người như vậy được. Do vậy, khi xem xét “chấm dứt hợp đồng lao động” với hàng trăm giáo viên trên cũng mong cơ quan chức năng sớm làm rõ vấn đề, để quy trách nhiệm và xử lý nghiêm minh những cán bộ cố tình làm sai trái trong vụ việc phức tạp này.

Hai vợ chồng trẻ bỏ nghề giáo đi làm rẫy

Chị Nga (SN 1986) chia sẻ, năm 2010 sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm chuyên ngành Tiếng Anh, gia đình chị cũng “vay mượn cật lực” cố gắng xin được cho chị về dạy hợp đồng tại trường THCS Vụ Bổn, huyện Krông Păk (Đăk Lăk).

leftcenterrightdel
Ngôi trường hai vợ chồng đã gắn bó dạy học hơn 7 năm, chờ biên chế mãi không được, đành xin nghỉ dạy không lương, cùng hai con nhỏ khăn gói đi thuê đất làm rẫy ở tỉnh Gia Lai. Ảnh: Chính Cương 

Chị Nga cho biết thêm “Được giảng dạy, đó là nơi tụi em gửi gắm cả tâm huyết, trí tuệ và cả tuổi thanh xuân của mình.  Khi biết tin huyện chuẩn bị chấm dứt hợp đồng nghe đơn giản nhưng nó sẽ chôn vùi bao niềm tin, ước mơ, hoài bão và cả tương lai của hàng trăm giáo viên như vợ chồng em. Khi chúng em xin được vào dạy học là vui mừng lắm rồi, chứ  đâu biết huyện lại tuyển dư thừa nhiều giáo viên đến như vậy”.

Còn anh Tâm (SN 1981, giáo viên Tin học THCS Vụ Bổn) chồng chị Nga chia sẻ. Sau khi gia đình anh cũng “ngược xuôi tất bật” mới xin được vào dạy hợp đồng tại trường THCS Vụ Bổn cả hai vợ chồng cùng dạy hợp đồng ở ngôi trường này, tuy dạy ở vùng 3 nhưng không có chế độ gì cả. Với mức lương của hai vợ chồng thu nhập chỉ xấp xỉ 3.000.000đ/tháng, không đủ trang trải chi phí cuộc sống gia đình và nuôi hai con nhỏ.

Thế nhưng, cả hai vợ chồng vẫn ráng bám trụ với lớp với trường. Sau hơn 7 năm giảng dạy cống hiến của hai vợ chồng, cùng dạy ở một ngôi trường THCS Vụ Bổn (thuộc vùng 3) vùng đặc biệt khó khăn, với đồng lương ít ỏi nhưng vẫn mõi mòn hy vọng và chờ đợi được xét tuyển vào biên chế. Nhưng hy vọng bao nhiêu năm đó, bỗng vụt tắt khi biết tin UBND huyện sẽ chấm dứt hợp đồng lao động, khiến hàng trăm giáo viên trên địa bàn có nguy cơ mất việc làm.

leftcenterrightdel
Anh Tâm xót xa khi bỏ nghề giáo đi làm rẫy. Ảnh: Chính Cương 

Đến ngày 02/2017, cả hai vợ chồng làm đơn gửi ban giám hiệu nhà trường xin nghỉ việc không lương, đành bỏ dở ước mơ giảng dạy để tìm công việc khác, sau đó cả hai vợ chồng cùng hai con nhỏ khăn gói lên đường sang tận tỉnh Gia Lai thuê đất trồng trọt mưu sinh, còn chị Nga ngoài công việc phụ chồng làm rẫy chị còn tranh thủ thời gian dạy kèm cho các cháu nhỏ của những hộ gia đình sống xung quanh mình để kiếm thêm thu nhập.

Nhiều lãnh đạo bị kỷ luật, bị khởi tố, cách chức để điều tra

Liên quan đến sự việc nghiêm trọng này, ngày 28/3, Cơ quan Công an huyện Krông Păk đã khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Huỳnh Bê (Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây, xã Vụ Bổn, huyện Krông Păk, Đăk Lăk) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiểm đoạt tài sản” đã nhận hàng trăm triệu đồng để chạy việc cho nhiều người.

Đến ngày 30/3, cơ quan chức năng của huyện Krông Păk cũng đã ban hành quyết định cách hết chức vụ đối với ông Phan Xuân Hạnh (hiệu trưởng Trường THCS Êa Phê xã Ea Phê, huyện Krông Pắk) cũng có hành vi do nhận hàng trăm triệu đồng của một cấp dưới để xin việc giáo viên cho chị này vào biên chế. Thế nhưng, không thực hiện được như lời hứa rồi chiếm đoạt luôn số tiền trên của chị.

Tiếp đến ngày 2/4, cơ quan Viện KSND huyện Krông Pắk (Đăk Lăk) cũng đã ký văn bản yêu cầu cơ quan Công an huyện thụ lý điều tra đối với ông Hạnh về hành vi nhận hàng trăm triệu đồng để chạy việc.

Và đến ngày 4/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đăk Lăk quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Thành Dũng (Bí thư Huyện ủy Krông Pắk) bằng hình thức “Khiển trách” do để xảy ra nhiều sai phạm trong việc chỉ đạo và điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát để UBND huyện bổ nhiệm không có quy hoạch và bổ nhiệm thừa 27 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công lập (2015), ký hợp đồng giáo viên, nhân viên ngoài chỉ tiêu biên chế với số lượng lớn, kéo dài trong nhiều năm gây bức xúc dư luận.

Còn đối với ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk) cũng bị kỷ luật “Khiển trách” do thiếu chỉ đạo kiểm tra đôn đốc, thiếu kiên quyết trong việc thực hiện các kiến nghị của Chánh Thanh tra tỉnh, tiếp tục ký các quyết định cho chủ trương các cơ sở giáo dục công lập thuộc UBND huyện quản lý hợp đồng giáo viên, nhân viên vượt chỉ tiêu biên chế 197 lao động (ký mới 176 trường hợp, ký lại 21 trường hợp) gây bức xúc dư luận trong nhiều tháng qua.

Chính Cương