leftcenterrightdel
 Trường THCS Vụ Bổn nơi anh N.H.T đã từng dạy học hơn 7 năm. Ảnh: Chính Cương

Muốn được dạy phải chi tiền?

Theo đơn tố cáo, anh N. H. T (nguyên là thầy giáo dạy môn Tin học trường THCS Vụ Bổn – xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, Đắc Lắk), cho biết: “Vào đầu năm 2010 anh T. có gặp thầy Huỳnh Bê là hiệu trưởng trường THCS Vụ Bổn để xin vào làm giáo viên biên chế tại trường THCS Vụ Bổn với số tiền phải “đi đêm” là 60.000.000 đ (Sáu mươi triệu đồng) có viết "Giấy biên nhận vay tiền", nhưng mãi đến ngày 20/10/2010 anh T. mới nhận được quyết định hợp đồng lao động có thời hạn đến ngày 30/5/2011 với mức lương 3.800.000đ/tháng. Sau đó, từ tháng 1/2011 anh T. chỉ nhận được mức lương 1.600.000đ/tháng. Thầy Bê an ủi nói chờ thêm 1 năm nữa là sẽ có biên chế, thế nhưng đến ngày 07/09/2011 anh T. lại nhận được quyết định hợp đồng lao động cũng có thời hạn đến hết ngày 31/5/2012 với mức lương dưới 2.000.000đ/tháng”.

leftcenterrightdel
 Theo ông Hiếu, Giấy biên nhận vay tiền của thầy Bê nhưng thực chất là nhận tiền để chạy việc. Ảnh: Chính Cương

“Đến ngày 26/6/2012 anh T. nhận được quyết định hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế và được thầy Bê giải thích là được hưởng mọi quyền lợi như một giáo viên thuộc biên chế, nên cứ yên tâm mà giảng dạy. Nhưng đến tháng 01/2016 trở đi anh T. chỉ  nhận được mức lương nhà trường chi trả 1.500.000đ/tháng”, anh T cho biết.

Anh T. chia sẻ thêm, được giảng dạy là mơ ước của vợ chồng từ hồi bé nên mới ráng xin về dạy học tại trường THCS Vụ Bổn, huyện Krông Păk. Nhưng với mức lương của hai vợ chồng thu nhập chỉ xấp xỉ 3.000.000đ/tháng, không đủ trang trải chi phí cuộc sống gia đình. Thế nên anh T. đành bỏ dở ước mơ giảng dạy để tìm công việc khác.

Sau khi chờ đợi nhiều năm mà không được xét tuyển vào biên chế, tháng 02/2017 anh T. làm đơn gửi ban giám hiệu nhà trường xin nghỉ việc không lương. Sau đó anh N.H.T khăn gói lên đường sang tận tỉnh Gia Lai (cách xa gia đình hơn 200 cây số) thuê đất trồng trọt mưu sinh. Vợ anh T. (Giáo viên dạy Tiếng anh cùng trường với chồng) cũng làm đơn xin nghỉ không lương để về phụ chồng làm rẫy, chăm nom con cái.

Anh T. chia sẻ, dù đã xin nghỉ dạy hơn 1 năm nay nhưng vẫn hy vọng một ngày gần nhất sẽ được vào biên chế, để quay lại với mái trường xưa để tiếp tục sự nghiệp trồng người…

Điều tra về hành vi “chạy việc" của Hiệu trưởng

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Hiếu (68 tuổi, bố ruột của anh N.H.T) bức xúc: “Số tiền thầy Bê nhận 60 triệu bằng hình thức “Giấy biên nhận vay tiền” nhưng thực chất tiền lo “chạy việc” cho cháu. Hơn 7 năm dạy học ở trường vùng 3 nhưng do dạy theo hợp đồng nên không có chế độ gì cả? Chờ đợi mãi cũng không thấy được vào biên chế nên cả hai vợ chồng nó mới làm đơn xin nghỉ. Không chỉ tội cho chúng nó ngay cả vợ chồng tôi cũng vậy cực lắm, mặc dù tuổi đã cao nhưng mấy năm mòn mỏi tới lui nhà thầy Bê để hỏi công việc cho con. Mỗi lần gặp thì thầy hiệu trưởng đều nói “sắp có quyết định, quyết định sắp về đến nơi”- Ông Hiếu thở dài.

leftcenterrightdel
 Ông Hiếu bức xúc vì Hiệu trưởng khất nhiều lần chuyện "lo" cho con ông vào biên chế 

Được biết, không chỉ bị giáo viên “tố” nhận tiền “chạy việc” cho nhiều người, ông Huỳnh Bê (nguyên Hiệu trưởng trường THCS Vụ Bổn, từ năm 2014 chuyển về làm hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây cùng xã Vụ Bổn, huyện Krông Păk) còn bị cấp dưới tố cáo “ăn chặn, bớt xén” tiền lương của giáo viên gây bức xúc cho xã hội nhiều tháng qua.

Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Nguyễn Văn Dân, Phó trưởng Công an huyện Krông Păk (Đăk Lăk) cho biết, Cơ quan Công an cũng đã nhận được đơn thư tố cáo sự việc liên quan đến ông Huỳnh Bê, nguyên Hiệu trưởng trường THCS Vụ Bổn nhận hàng trăm triệu đồng để chạy việc. Hiện vụ việc đang được Cơ quan công an huyện tiến hành xác minh, điều tra theo quy định.

Chính Cương