leftcenterrightdel
Giáo dục mầm non vùng khó khăn luôn là chính sách được quan tâm hàng đầu của tỉnh Thanh Hóa.

Cụ thể, mục tiêu của Kế hoạch sẽ phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 20% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 40% trẻ nhà trẻ và 80% trẻ mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi; có ít nhất 70% các huyện tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.

Đến năm 2030, có ít nhất 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 60% trẻ nhà trẻ và 100% trẻ mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi; có ít nhất 80% các huyện tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.

Hằng năm, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện vùng miền, dân tộc và đặc điểm riêng của trẻ.

Đối với giáo viên, đến năm 2025 sẽ bồi dưỡng 30% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ. Đến năm 2030 sẽ bồi dưỡng 60% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; phấn đấu bảo đảm định mức giáo viên/nhóm, lớp theo quy định.

Đối với cơ sở giáo dục mầm non, đến năm 2030 phấn đấu xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non của các địa phương; bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới và phòng học mới./.

Bình Minh