Theo Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 31/01/2023 của UBND tỉnh về GPMB các dự án đầu tư có sử dụng đất năm 2023, toàn tỉnh cần GPMB 730 dự án, với với diện tích phải GPMB là 2.322,43ha (trong đó: 584 dự án đầu tư công, với diện tích cần GPMB là 1.370,57ha và 146 dự án đầu tư của doanh nghiệp, với diện tích cần GPMB là 951,86ha).

leftcenterrightdel
Thanh Hóa chuẩn bị về đích GPMB các dự án đầu tư có sử dụng đất.

Đến nay, toàn tỉnh đã ký cam kết GPMB được 2.184,74ha (đạt 94,07%); đo đạc, kiểm kê 2.468,15ha (đạt 106,27%); phê duyệt phương án bồi thường GPMB 1.796,61ha (đạt 77,35%); chi trả tiền bồi thường GPMB được 1.652,50ha (đạt 71,15%); 7 địa phương có tỷ lệ GPMB đạt trên 80%, gồm: huyện Thọ Xuân, huyện Yên Định, huyện Đông Sơn, huyện Như Xuân, TP Sầm Sơn, huyện Nga Sơn, huyện Bá Thước; 16 địa phương có tỷ lệ GPMB đạt từ 50% - 80% và cá biệt vẫn còn 4 địa phương (thị xã Nghi Sơn, huyện Quan Hóa, huyện Mường Lát, huyện Thạch Thành) có tỷ lệ GPMB dưới 50%; Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao, biểu dương tinh thần nỗ lực, cố gắng của các địa phương có tỷ lệ GPMB đạt trên 80%; đồng thời, nhắc nhở các địa phương có tỷ lệ GPMB đạt đạt từ 50% - 80% và phê bình, yêu cầu các địa phương có tỷ lệ GPMB dưới 50% nghiêm túc kiểm điểm.

Để đảm bảo hoàn thành thắng lợi kế hoạch GPMB năm 2023, đáp ứng tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư các dự án, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành là Trưởng các Đoàn kiểm tra công tác GPMB được thành lập theo Quyết định số 593/QĐ-UBND ngày 23/02/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh, tập trung cao độ nhân lực, thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác GPMB đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để các cấp, các ngành, nhân dân đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động với quyết tâm chính trị cao nhất trong chỉ đạo, điều hành, đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để thực hiện dự án. Phấn đấu đến trước ngày 31/12/2023 hoàn thành 100% diện tích phải GPMB năm 2023 theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Kiên quyết cưỡng chế thu hồi đất đối với những trường hợp đã được giải quyết đầy đủ chính sách khi Nhà nước thu hồi đất nhưng không chấp hành quyết định thu hồi đất; xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chính sách của Nhà nước để chây ỳ, trục lợi.

Đối với khó khăn, vướng mắc trong GPMB do thay đổi chế độ, chính sách, đơn giá: yêu cầu các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư dự án nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật để chủ động tổ chức thực hiện theo thẩm quyền; đồng thời, tham khảo phương pháp, cách thức giải quyết của các địa phương, đơn vị có vướng mắc tương tự để áp dụng, tháo gỡ và triển khai đảm bảo các quy định của pháp luật.

Đối với các vướng mắc cụ thể trong công tác GPMB, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, khẩn trương rà soát, tổng hợp để chủ động xử lý theo thẩm quyền; trường hợp khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương có văn bản báo cáo, đề xuất (kèm đầy đủ hồ sơ) gửi các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng để tham mưu, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xử lý theo quy định.

Thanh tra tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch GPMB; tiến độ GPMB các dự án; khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; phản ánh, kiến nghị của chủ đầu tư.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động hướng dẫn, giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường GPMB để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án; kịp thời tham mưu, đề xuất, báo cáo những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh./.

Bình Minh