Cao Sơn (thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) chính là tên gọi chung cho 3 bản Son, Bá, Mười, nằm trên đỉnh của dãy núi Phà Hé thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Ai đó đã không ngoa ngôn mà ví rằng đây chính là Sa Pa hay Đà Lạt của xứ Thanh, bởi mảnh đất đậm nét nguyên sơ ấy gần như quanh năm sương mù bao phủ như một bức tranh phong cảnh hùng vĩ mà nên thơ với những nếp nhà sàn đơn sơ của đồng bào Thái ẩn mình giữa núi rừng bạt ngàn. 

Xã Lũng Cao là xã vùng cao thuộc diện khó khăn nhất của huyện Bá Thước, cơ sở hạ tầng phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Cao Sơn nằm tách biệt riêng lẻ trên đỉnh núi nên được xem như "khu biệt lập" của huyện, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. 

leftcenterrightdel
Trước khi có con đường 521B, các thầy giáo phải đi bộ nửa ngày mới đến trường.

Để vào được Cao Sơn chỉ có hai con đường, một là đi từ tỉnh Hòa Bình, vượt “cổng trời” để sang. Hai là vượt qua đỉnh Phà Hé. Trước năm 2016 đây chỉ là con đường rừng, để đi từ trung tâm xã lên đến bản cũng phải đi bộ mất nửa ngày. Đường xá đi lại hết sức khó khăn nên nhiều người ở đây cả đời không ra khỏi bản và trong con mắt của họ Cao Sơn đã là cả thế giới. 

Khi ấy, mảnh đất này còn được gọi là “3 không”, không điện, không đường, không chợ; tỷ lệ đói nghèo lên đến 90%. Nhiều gia đình không có điều kiện thì cả năm mới đi chợ được 1 lần. Đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, rau quả rất dễ trồng nhưng bà con cũng không trồng nhiều vì chẳng biết mang đi đâu để bán. Vì thế, đời sống chủ yếu là tự cung tự cấp, thiếu thốn đủ đường.

Trường Phổ thông Cao Sơn nằm vắt vẻo trên điểm cao ngất ngưởng của Son Bá Mười, thành lập từ năm 2008 chỉ bằng tranh tre nứa lá và được gộp bởi 2 điểm trường, tiểu học và THCS Cao Sơn; học sinh của nhà trường 100% là dân tộc Thái. Đây là ngôi trường chưa từng có giáo viên nữ, hiện 15 cán bộ, giáo viên của nhà trường đều là các thầy giáo.

leftcenterrightdel
Những món quà đầu năm học mới đến với em nhỏ vùng cao.

Thầy Vi Văn Hoan (61 tuổi), người có đôi bàn tay trai sạn vì đã hàng trăm lần chống gậy leo núi, băng rừng để đến trường, bám trụ với học sinh nơi đây ngay từ những ngày ở điểm trường lẻ, tâm sự: “Tôi vừa nghỉ hưu, rất nhớ ngôi trường này, mặc dù kí ức về nó thì muôn vàn điều khổ cực, nhất là con đường từ nhà đến trường. Không biết bao phen hú vía, thoát chết vì cây cối đổ, đất đá lăn xuống đường, có lần tôi bị cây đổ vào dập nát cả đầu xe máy, rất may mà người chỉ bị thương nhẹ. Ở đây học sinh nhiều em còn chưa sõi tiếng kinh, hay rụt rè khi tiếp xúc với người lạ. Thiệt thòi cho các thầy giáo của nhà trường là toàn lấy vợ muộn, có người 40 tuổi mà còn chưa yên bề gia thất.” .

Gần 40 năm trong nghề, thầy Hoan chứng kiến nhiều đồng nghiệp không chịu được những khó khăn, gian khổ của vùng này đã phải bỏ nghề “xuống núi”.

Thầy Nguyễn Ngọc Đỉnh, giáo viên dạy toán - lý, người đã dạy học ở Cao Sơn 8 năm, chia sẻ: Cách đây chỉ mấy năm thôi, để đến được trường, các thầy phải gửi xe máy dưới chân đèo rồi leo bộ lên. Vào những hôm trời mưa, đường lầy lội phải “cuốc bộ” cả ngày mới đến nơi, nhà cách trường có hơn 30 km nhưng cả tháng thầy mới về thăm nhà được 1 lần. 

“Thời tiết trên này lạnh lắm, quanh năm phải dùng đến chăn bông. Mùa đông rét cắt da cắt thịt, rất khắc nghiệt, có lúc xuống âm 3-4 độ C. Vì vậy không có cô giáo nào có thể lên đây “bám trụ” được. Nhiều lúc, học sinh nữ bị đau bụng hay gặp những vấn đề tế nhị về tâm sinh lý là các thầy rất lúng túng trong cách xử lý nhưng vẫn phải khắc phục. Trường không có giáo viên nữ nên thầy nào cũng là những “y tá, đầu bếp” thực thụ.”, thầy Đỉnh tâm sự.

Từ khi thành lập trường đến nay đã 15 năm, tính cả lớp học ở khu lẻ là 18 năm. Gần 20 năm qua đã có 42 lượt giáo viên về giảng dạy. Hiện nhà trường có 13 giáo viên và 2 nhân viên, nhưng tuyệt nhiên chưa hề có giáo viên nữ.

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng gần 20 năm qua, những chàng “ngự lâm” trường Cao Sơn vẫn bám lớp, bám trường trên con đường gian nan giúp các em đi tìm con chữ. Họ vừa làm thầy, vừa “làm mẹ” để chăm lo, dạy bảo các em. 

leftcenterrightdel
 Khu vui chơi của trẻ ở đây rất sơ sài.

Bên góc học tập đơn sơ, em Nguyễn Hồng Nguyên, ngồi ngắm nghía những món quà mới được nhận, nào cặp, nào sách vở, bút thước…em hào hứng: “Mọi năm em phải học lại sách cũ của chị gái, có nhiều trang bị rách và nhòe vì vết bẩn và mực, năm nay em được bộ sách mới nguyên, em rất vui. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để sang năm được xuống phố đi học trường nội trú giống chị và còn đi xa hơn nữa để có thể tìm được bố…” 

Em Nguyễn Hồng Nguyên, học sinh lớp 9 trường Phổ Thông Cao Sơn là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố em bỏ bản đi từ khi em chưa đầy 2 tuổi, mẹ em cũng đi làm ăn xa vài năm mới ghé qua nhà một lần, chị gái đi học dưới trường nội trú ở thị trấn nên cũng ít khi về nhà. Một mình Nguyên tự chăm lo cho cuộc sống của mình. Lâu rồi cũng thành quen, 4 năm qua em  lầm lũi sống một mình dưới căn nhà cô đơn ấy.

Chuyến đi lần này, Son Bá Mười đón chúng tôi bằng một trận mưa rào như trút nước. Cuối cùng con đường nhỏ ngoằn nghèo giữa những vách núi cũng đưa chúng tôi lên tới bản khi trời đã nhá nhem. Đêm hôm ấy, bản Son rộn rã hẳn lên, các thầy giáo, học sinh và bà con đón đoàn dưới nếp nhà sàn xinh xắn.

Bảo Châu