Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 8105/VPCP-V.I ngày 5/11/2021 gửi Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện kiến nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021.

Công văn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Báo cáo số 55/BC-UBTVQH15 ngày 15/10/2021 về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021. Để thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này.

Cụ thể, đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan trên cơ sở nhận xét, đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có các biện pháp cụ thể chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tổ chức thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả thực hiện, gửi Thanh tra Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Thanh tra Chính phủ, cơ quan này chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành quy định điều kiện xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại về hành chính đã có hiệu lực pháp luật, đã hết thời hiệu khởi kiện ra TAND nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại.

Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum tiếp công dân định kỳ. (Ảnh minh hoạ)

Nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo.

Tổng kết, đánh giá việc thực hiện kiểm tra, rà soát lại các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài để có lộ trình giải quyết dứt điểm từng vụ việc và đề xuất cấp có thẩm quyền có giải pháp phù hợp đối với những vụ việc tồn đọng, kéo dài có nguyên nhân vướng mắc do chính sách, pháp luật.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng cơ chế tiếp công dân trực tuyến đối với những vụ việc phức tạp, đông người để hạn chế tình trạng công dân tập trung đông người lên các cơ quan Trung ương và góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như bảo đảm công tác an toàn về phòng, chống dịch COVID-19; nghiên cứu kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật tiếp công dân quy định việc ủy quyền tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp. 

Đồng thời, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Ngoài ra, yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, trong đó cần quan tâm hơn đến việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, tách biệt mục đích thu hồi đất vì lợi ích công cộng và mục đích kinh tế - xã hội, thương mại để có cơ chế bồi thường, hỗ trợ riêng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư, Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi; hoàn thiện cơ chế định giá đất bảo đảm khách quan, minh bạch, sát với giá thị trường; tính đúng, tính đủ các giá trị tăng thêm từ các yếu tố lợi thế và chính sách về kinh tế đất đai.

P.V