Không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân

Chánh án TAND tối cao vừa ban hành Quy chế tiếp công dân của TAND tối cao. Theo đó, việc tiếp công dân của TAND tối cao phải tuân thủ các quy định của Luật Tiếp công dân, các quy định khác của pháp luật có liên quan và Quy chế này. Việc tiếp công dân phải được tiến hành công khai, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện tại nơi tiếp công dân. 

Đồng thời, giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân; tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

Đối với việc tiếp công dân của Chánh án TAND tối cao, Quy chế quy định: Chánh án TAND tối cao trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng, không kể các trường hợp đột xuất phải tiếp theo yêu cầu khẩn thiết. 

Cụ thể đó là các trường hợp: Vụ việc có tính chất gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau.

Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Cụ thể các trường hợp từ chối tiếp công dân

Cũng theo Quy chế quy định, người tiếp công dân từ chối tiếp công dân trong các trường hợp sau: Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân.

leftcenterrightdel
 Cán bộ Tòa án cấp tỉnh tiếp nhận đơn thư của công dân. (Ảnh minh hoạ)

Người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài.

8 hành vi bị nghiêm cấm tại nơi tiếp công dân

Cùng với việc quy định về việc từ chối, Quy chế cũng đã nêu rõ 8 hành vi bị nghiêm cấm tại nơi tiếp công dân. Cụ thể đó là các hành vi gồm: Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân, làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp; phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.

Lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để gây rối trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân; vi phạm các quy định trong Nội quy, Quy chế tiếp công dân.

P.V