Thực hiện Kế hoạch 919/KH-BHXH ngày 12/8/2024 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh và Thông báo số 87/TB-BTV và Thông báo số 88/TB-BTV ngày 08/8/2024 của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, BHXH huyện đã chủ động lồng ghép tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện và bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình vào các lớp tập huấn của Hội LHPN diễn ra từ ngày 27 đến ngày 29/8.
Đến dự và chủ trì Hội nghị có bà Huỳnh Thị Sô Phia, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; bà Huỳnh Thị Sô Phi, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện và ông Trần Thanh Tùng, Phó Giám đốc quản lý điều hành BHXH huyện.
|
|
Quang cảnh Hội nghị tại UBND xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. |
Tại Hội nghị, chị em hội viên được BHXH huyện chia sẻ tính nhân văn, tính ưu việt của hai chính sách được coi là trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội (ASXH) là chính sách BHXH và chính sách BHYT; trong đó tập trung chia sẻ những giá trị thiết thực của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình - hai chính sách gắn liền với lợi ích của người dân, người lao động tự do.
Về lợi ích của chính sách BHYT: Những năm gần đây, BHYT được xem là “phao cứu sinh”; là “điểm tựa cho người yếu thế” với quyền lợi thụ hưởng rất lớn, đồng thời còn được nâng quyền lợi hưởng từ 80% lên 100% khi người tham gia từ đủ 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở; góp phần giảm thiểu gánh nặng tài chính cho bản thân và gia đình.
Về lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện, một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, mang lại sự bảo đảm tài chính cho người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Tham gia BHXH tự nguyện, người lao động được hưởng các quyền lợi như chế độ hưu trí và tử tuất, giúp người tham gia an tâm về cuộc sống sau khi hết tuổi lao động. Đồng thời, đây cũng là cách để người lao động tích lũy và bảo vệ thu nhập dài hạn. Việc tham gia BHXH tự nguyện là đầu tư cho tương lai, giúp người lao động có cuộc sống ổn định.
Qua Hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, giúp hội viên hiểu rõ hơn về ý nghĩa cũng như tính nhân văn, tính ưu việt của chính sách đối với bản thân, gia đình và cộng đồng. Trên cơ sở đó, bà Huỳnh Thị Sô Phia, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định đây không chỉ là quyền lợi của người tham gia mà còn là một nhiệm vụ chính trị chung. Vì vậy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh yêu cầu hội viên nâng cao nhận thức về lợi ích của BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội để mở rộng phạm vi tuyên truyền và tiếp cận người dân; đảm bảo mục tiêu phát triển số lượng người tham gia.
Hiệu quả từ truyền thông, bất ngờ những con số
Vừa khui heo đất, bà Trần Thị Hết (xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang) vừa phấn khởi cho biết: “Tôi nuôi heo đất này được hơn 3 năm rồi. Mỗi ngày tôi bỏ vào heo 10 nghìn đồng. Cũng có khi vài ba ngày mới tích góp được hai chục thì tôi bỏ hai chục… Bây giờ làm sao cố gắng dành dụm nuôi heo cho nó “mập lên” và tiếp tục đóng BHXH tự nguyện hằng tháng, sau này không phải phụ thuộc vào con cháu là vui nhất”.
|
|
Ảnh Tạp chí Bảo hiểm xã hội. |
Bà Nguyễn Thị Thu (xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang) năm nay đã 60 tuổi, lại phải nuôi cháu nhỏ, nhưng vẫn phấn khởi tham gia Tổ nuôi heo đất. Mỗi ngày tiết kiệm một chút, bà Thu tự tin sau này sẽ có được “điểm tựa” là khoản lương hưu hằng tháng để trang trải cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Tham gia buổi tuyên truyền do BHXH và Hội LHPN huyện Càng Long tổ chức tại ấp Rạch Rô 2 (xã Nhị Long), chúng tôi càng bất ngờ, vì sự quan tâm của người dân nơi đây dành cho chính sách BHXH tự nguyện.
Nay đã xấp xỉ 50 tuổi, mỗi ngày chị Thạch Thị Kha (ấp Rạch Rô 2) lại bỏ heo 10-20 nghìn đồng để tham gia BHXH tự nguyện. Qua những lần được tư vấn, dù cuộc sống không mấy dư dả, nhưng chị Kha đã hiểu rõ ý nghĩa của lương hưu, nên rất tự tin đăng ký tham gia. “Ở vùng nông thôn này, buôn bán không được là bao, nhưng cũng đủ để đảm bảo cuộc sống gia đình, nuôi trẻ ăn học. Vì vậy, việc bỏ ống heo tiết kiệm mỗi ngày 10- 20 nghìn đồng cũng không phải là vấn đề quá khó khăn với mình”- chị Kha chia sẻ.
Đặc biệt, gia đình bà Nguyễn Thị Tư thuộc diện có điều kiện ở xã Nhị Long. Được cán bộ Hội LHPN xã tuyên truyền, bà Tư không chỉ đăng ký tham gia cho mình, mà còn vận động con gái, con trai, con dâu cùng tham gia. Đến nay, nhà bà Tư đã có 5 người tham gia BHXH tự nguyện. “Mức đóng hiện nay vừa túi tiền của hộ nông dân như chúng tôi. Mỗi quý, tôi tích lũy đóng 1,2 triệu đồng. Sau này khi lớn tuổi, mình cũng dành dụm được một khoản, có lương ổn định. Vì vậy, tôi động viên các con cùng tham gia” - bà Tư chia sẻ.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Kiên Thị Minh Nguyệt- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trà Vinh cho biết, mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện” của Hội LHPN tỉnh hình thành từ năm 2020, đến nay đã được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh với hàng ngàn hội viên tham gia. “Tham gia mô hình nuôi heo đất, mỗi chị em sẽ tích góp một khoản tiền trong chi tiêu hằng ngày bỏ vào con heo đất. Đến kỳ sinh hoạt của Chi hội, số tiền này được chị em dùng để đóng BHXH tự nguyện…” - bà Nguyệt chia sẻ.
|
|
Mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện” đang thu hút nhiều người dân tham gia. |
Ông Thái Văn Tần- Giám đốc BHXH huyện Càng Long cho biết thêm, mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện” đang thu hút nhiều người dân tham gia, tiêu biểu như ở ấp Rạch Rô 2 (xã Nhị Long). Để thực hiện mô hình này, BHXH huyện và Hội LHPN huyện đã tổ chức các buổi tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa của chính sách, đặc biệt là chính sách BHXH tự nguyện cho những lao động tự do, nông dân.
Đề cập đến kết quả phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình của các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh, bà Kiên Thị Minh Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trà Vinh tỏ rõ sự đam mê của mình dành cho chính sách an sinh xã hội. Theo bà Nguyệt, nếu lấy dấu mốc từ năm 2020, thì con số phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình do các cấp Hội LHPN của tỉnh thực hiện rất lớn, đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu gia tăng số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn.
Nổi bật trong công tác phối hợp của hai đơn vị, đó là đã ra mắt nhiều mô hình hay và hiệu quả như: Mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình”; mô hình “1+1”; mô hình “Góp vốn mua BHYT”; mô hình “Ngôi nhà tiết kiệm”… Các mô hình này phát triển mạnh những năm 2020-2021, hiện nay vẫn đang tiếp tục được duy trì, mang lại kết quả đáng khích lệ trong việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Cụ thể: Năm 2022, thông qua các mô hình này, toàn tỉnh Trà Vinh đã phát triển được 2.296 người tham gia BHXH tự nguyện và 18.349 người tham gia BHYT hộ gia đình. Năm 2023, toàn tỉnh phát triển được 415 người tham gia BHXH tự nguyện và 1.784 người tham gia BHYT hộ gia đình. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh phát triển được 1.294 người tham gia BHXH tự nguyện và 9.994 người tham gia BHYT hộ gia đình. “Hiện nay, các mô hình này đã được nhân rộng với trên 100 Tổ tiết kiệm và trên 1.500 thành viên tại 9/9 địa phương trong toàn tỉnh” - bà Nguyệt thông tin.
Cũng theo bà Kiên Thị Minh Nguyệt, từ tháng 11/2022 đến tháng 6/2024, Hội LHPN và BHXH các cấp của tỉnh Trà Vinh đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phát triển được 4.005 người tham gia BHXH tự nguyện và 30.127 người tham gia BHYT hộ gia đình. “Tiếp tục phát huy kết quả đạt được thời gian qua, BHXH tỉnh và Hội LHPN tỉnh đã ký kết Kế hoạch liên tịch phối hợp vận động hội viên phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình 6 tháng cuối năm 2024, nhằm thực hiện chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 9/1/2024 của Tỉnh ủy Trà Vinh về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng hệ thống chính trị năm 2024, với tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94,95% dân số, tỷ lệ tham gia BHXH đạt 27,77% lực lượng lao động, trong đó BHXH tự nguyện đạt 5% lực lượng lao động” - bà Nguyệt nhấn mạnh.