Theo đó, Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện chính sách BHXH, BHYT TP Cần Thơ vừa yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Theo đó, xác định công tác này là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình của người dân; đặc biệt cần tăng cường vai trò của các cấp ủy Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu.

Ông Đặng Văn Nở - Giám đốc BHXH TP Cần Thơ cho biết, ngay từ đầu năm, BHXH Thành phố đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kịch bản phát triển người tham gia BHXH, BHYT đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù mỗi địa phương; đồng thời giao dự toán thu cho BHXH các quận, huyện, cũng như giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT cho các tổ chức dịch vụ thu. Bên cạnh đó, BHXH TP.Cần Thơ cũng đẩy mạnh rà soát dữ liệu đơn vị SDLĐ và NLĐ chưa tham gia BHXH, BHYT; gửi thông báo đến từng đơn vị để thực hiện trích đóng cho NLĐ.

Thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn TP.Cần Thơ luôn coi chính sách BHXH, BHYT là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Do đó, đã sâu sát tổ chức chỉ đạo, triển khai đến tất cả các đơn vị SDLĐ, NLĐ và người dân trên địa bàn. Đặc biệt, xác định nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH, BHYT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; từ đó chủ động tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với chính sách BHXH, BHYT.

leftcenterrightdel
 Tính đến tháng 6 năm 2024, BHXH TP Cần Thơ đạt số người tham gia BHXH bắt buộc có 145.077 người tham gia, đạt 93,82% kế hoạch, còn phải phát triển trên 9.500 người để đạt chỉ tiêu năm 2024.

Đặc biệt, BCĐ TP Cần Thơ đã tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đưa chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; ban hành văn bản chỉ đạo kiện toàn BCĐ từ cấp thành phố cho đến cấp phường. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng và Chính phủ. Ngoài ra, BHXH TP.Cần Thơ còn chỉ đạo BHXH các quận, huyện xây dựng kế hoạch phối hợp giữa BHXH cấp huyện với BCĐ cấp phường và các tổ chức dịch vụ thu.

Với những nỗ lực trên, đến hết tháng 6/2024, trên địa bàn Cần Thơ có 1.069.082 người tham gia BHYT, phấn đấu đến cuối năm 2024 phát triển thêm 110.000 người để đạt chỉ tiêu. Về BHXH tự nguyện có 19.140 người tham gia, đạt 60,17% kế hoạch, còn phải phát triển trên 12.600 người để hoàn thành chỉ tiêu năm 2024. Về BHXH bắt buộc có 145.077 người tham gia, đạt 93,82% kế hoạch, còn phải phát triển trên 9.500 người để đạt chỉ tiêu năm 2024.

Tuy nhiên, theo nhận định của BCĐ TP Cần Thơ, việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa có ý thức phòng xa, còn tâm lý trông chờ chính quyền địa phương hỗ trợ tham gia BHXH, BHYT; người dân chưa quan tâm nhiều đến tham gia BHXH tự nguyện để tích lũy lâu dài, đời sống của người dân còn khó khăn, thu nhập không ổn định. Đáng chú ý, sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể ở xã, phường, ấp đôi lúc chưa thường xuyên; chất lượng hoạt động của một số nhân viên thu chưa hiệu quả.

4 nhóm giải pháp trọng tâm

Trong năm 2024, BCĐ TP Cần Thơ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch về phát triển người tham gia; tăng số thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT. Trong đó, tập trung khai thác và phát triển người tham gia BHXH bắt buộc tại các DN mới thành lập; vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; hoàn thành mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,69% dân số.

Ông Nguyễn Thực Hiện- Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng BCĐ TP Cần Thơ yêu cầu BCĐ các cấp thời gian tới cần nỗ lực phấn đấu hơn nữa để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra. Đồng thời, ông Hiện cũng nêu rõ 4 nhóm giải pháp trọng tâm cần thực hiện:

Thứ nhất, xác định công tác phát triển BHXH, BHYT là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành và sự đồng tình của người dân để quyết tâm đạt chỉ tiêu đề ra theo tinh thần Nghị quyết của Thành ủy, HĐND và kế hoạch của UBND Thành phố. Đồng thời, tăng cường vai trò của các cấp ủy Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu.

Thứ hai, các thành viên BCĐ Thành phố tăng cường đi cơ sở theo phân công, gắn liền với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ban ngành. Qua đó, các thành viên BCĐ phải lắng nghe ý kiến về những khó khăn và đề xuất của cơ sở, để kịp thời tháo gỡ, phản ánh kiến nghị về Trung ương; bám sát chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các địa phương từ nay đến cuối năm.

Thứ ba, tăng cường quan tâm, phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội về tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra, giám sát trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Trong đó: BHXH Thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội khẩn trương triển khai đánh giá và thực hiện sơ kết, tổng kết công tác phối hợp giữa các đơn vị; phối hợp chặt chẽ, kiện toàn hệ thống tổ chức dịch vụ thu; tăng cường công tác quản lý các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT.

Sở LĐ-TB&XH có kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và đột xuất các đơn vị đúng theo trình tự pháp luật; hướng dẫn các quận, huyện xác định, quản lý, rà soát người tham BHXH, BHYT. Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các giải pháp đảm bảo nguồn quỹ BHYT đúng tiêu chuẩn, tiêu chí. Công an Thành phố chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố về hỗ trợ thành viên Tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở tham gia BHXH, BHYT; phối hợp với BHXH Thành phố rà soát, đồng bộ, số hóa dữ liệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn.

Thứ tư, lãnh đạo UBND các quận, huyện căn cứ tình hình thực tế của địa phương để có giải pháp cụ thể. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tinh thần Nghị quyết của các cấp ủy Đảng tại địa phương./.

Xuân Bách