- Căn cứ theo Điểm a, b, Khoản 1, Điều 8, Nghị định 115 ngày 11/11/2015 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc và Điều 60 Luật BHXH năm 2014, để được hưởng BHXH một lần, người lao động (NLĐ) phải thuộc một trong các trường hợp sau: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH; lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đã đủ tuổi nghỉ hưu mà khi nghỉ việc chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; ra nước ngoài để định cư; người đang bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu; người tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc hoặc tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH (theo Điều 1 Nghị quyết 93 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với NLĐ).

leftcenterrightdel
 Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều nội dung sửa đổi quan trọng theo hướng gia tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH. Ảnh minh họa

Đối với NLĐ mới bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành trở đi, quy định điều kiện hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH; ra nước ngoài để định cư; người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, lao nặng, AIDS; người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, người khuyết tật đặc biệt nặng.

- Xin bà phân tích rõ hơn những thiệt thòi khi người lao động nhận BHXH một lần?

- Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều nội dung sửa đổi quan trọng theo hướng gia tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH. Trong đó, tại Khoản 9 Điều 141 quy định, người tham gia BHXH tự nguyện trước ngày 1/1/2021 và đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ, trừ trường hợp NLĐ có nguyện vọng hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 của luật này. Như vậy, người tham gia BHXH tự nguyện trước ngày 1-1-2021 có cơ hội được hưởng lương hưu sớm hơn khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ mà không tăng tuổi nghỉ hưu theo quy định. Do đó, NLĐ không nên chọn hưởng BHXH một lần mà thay vào đó nên bảo lưu và tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu sớm.

Bên cạnh đó, Luật BHXH (sửa đổi) không còn quy định người tham gia BHXH bắt buộc sau ngày luật có hiệu lực sẽ được hưởng mức lương hưu bằng mức tham chiếu (hiện nay là mức lương cơ sở) nếu mức lương hưu thấp hơn mức lương tham chiếu. Trong khi đó, người tham gia BHXH khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu sẽ được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Điều đáng nói, sau khi nhận BHXH một lần, nếu NLĐ tiếp tục quay lại tham gia BHXH bắt buộc sau ngày 1/7/2025 sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH trước đó, dẫn đến NLĐ có thể không đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động hoặc nếu đủ điều kiện thì mức lương hưu cũng không cao, trong trường hợp mức lương hưu thấp hơn mức lương tham chiếu cũng không được hưởng mức lương hưu bằng mức tham chiếu. Ngoài ra, trong trường hợp người tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc hoặc tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH như người có thời gian tham gia BHXH trước ngày 1/7/2025 thì cũng sẽ không được hưởng BHXH một lần.

Do đó, BHXH Việt Nam khuyến cáo NLĐ nên bảo lưu thời gian đóng BHXH, khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện để được cộng nối thời gian tham gia BHXH trước đó và hưởng chế độ hưu trí với mức hưởng lương hưu cao hơn, bởi thời gian đóng BHXH càng nhiều thì mức hưởng càng cao.

Thực tế cho thấy, khi nhận BHXH một lần, NLĐ đã bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng, không có điều kiện vật chất đảm bảo ổn định cuộc sống lúc tuổi già; cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi tuổi già và khi qua đời người thân được hưởng chế độ tử tuất (như tiền mai táng phí, trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hàng tháng). Do vậy, để tránh phải rút BHXH một lần do những khó khăn trước mắt (do mất việc làm, giảm sút thu nhập gây nên), NLĐ hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH. Khi có điều kiện, NLĐ có thể tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện để thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi sau này.

- Xin cảm ơn bà!

Bảo Hân