“Của để dành” khi về già

Ông Đặng Văn Lý - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định cho hay, mỗi tháng địa phương này có hơn 1.110 trường hợp rút BHXH một lần. Con số này tăng lên so với các năm trước và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng vào thời điểm cuối năm, khi thu nhập của người lao động chưa ổn định.

Ông Lý cho rằng, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định phải tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH và giảm quyền lợi khi rút một lần, là chính sách ưu việt.

leftcenterrightdel
 Ông Đặng Văn Lý - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định trao đổi với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn. Ảnh: Hoài Nam.

“Vấn đề là chúng ta phải thể chế hoá như thế nào để đảm bảo có cơ sở, tính nhất quán. Do vậy mà BHXH tỉnh đề xuất phương án: khi rút BHXH một lần, người lao động được rút phần mình đã đóng, còn phần do cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động đóng được giữ lại cho chính họ", Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định nêu phương án.

Ông Lý nói rằng, mục đích để sau này khi người lao động tiếp tục tham gia BHXH thì đã có sẵn một “khoản để dành”, giúp họ có cuộc sống ổn định hơn sau khi hết tuổi lao động.

Để đảm bảo tính chặt chẽ của phương án này, ông Lý cho rằng cần quy định rõ lộ trình người lao động đóng lại BHXH, theo hướng càng đóng lại sớm thì càng có lợi, nhằm khuyến khích họ tiếp tục tham gia.

Thực tế có nhiều trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích... khiến quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng. Do đó, BHXH tỉnh Bình Định kiến nghị cần có khoản dự phòng rủi ro để bù đắp trong trường hợp bất khả kháng, thiếu hụt trong công tác chi trả bảo hiểm xã hội do nguyên nhân khách quan.

Cơ quan này cũng kiến nghị xem xét Điều 121 Dự thảo Luật BHXH quy định quản lý hoạt động đầu tư như sau: Quỹ BHXH được đầu tư và hạch toán độc lập theo từng quỹ thành phần và trích lập dự phòng rủi ro cho hoạt động thu, chi BHXH.

Ông Đặng Văn Lý nêu quan điểm: “Có trường hợp người lao động không may bị tai nạn, mất khả năng lao động hoặc qua đời, trong khi họ tham gia BHXH thời gian dài; thậm chí có người gần đến tuổi về hưu nhưng không may qua đời mà không nằm trong trường hợp thân nhân được trợ cấp tuất hằng tháng, chỉ có chế độ tử tuất, thì rất thấp. Đề nghị xem xét kỹ nội dung này tương xứng với quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của họ”.

Tạo điều kiện tối đa cho những trường hợp thật sự khó khăn

Sau đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Định đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngành Công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu vốn được xem là thế mạnh của địa phương này song cũng mới chỉ bắt đầu hồi phục trở lại vào những tháng cuối năm 2023.

Ông Đặng Văn Lý - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định tỏ ra thấu hiểu về lựa chọn rút BHXH của nhiều người lao động địa phương. Ông nói, dù biết mất nhiều quyền lợi về sau nhưng nhiều người lao động không còn lựa chọn nào khác.

leftcenterrightdel
 Nhân viên Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định hướng dẫn người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Không ít trường hợp đã đóng bảo hiểm xã hội ở các tỉnh khác nhưng khi về lại địa phương, do nhu cầu cuộc sống nên người dân đành phải rút khoản này, xem như của để dành, lấy ra chi tiêu cho gia đình.

Một mặt, cơ quan này cùng các ngành chức năng tập trung tuyên truyền để người dân không nên rút BHXH một lần; mặt khác nếu người lao động thật sự khó khăn, muốn rút thì vẫn tạo điều kiện tối đa.

"Thậm chí có nhiều trường hợp đến rút BHXH một lần, chúng tôi tăng cường nhân lực để tập trung tiếp nhận hồ sơ và giải quyết”, ông Lý chia sẻ.
Bảo Hân