Bất cập từ quy định không rõ ràng
Tại Điểm c Khoản 1 Điều 20 Luật PCBLGĐ hiện hành quy định điều kiện để áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là “Người có hành vi BLGĐ và nạn nhân BLGĐ có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc”. Song, Luật không quy định rõ ai là người phải ra khỏi nhà, vì thế khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì người phải ra khỏi nhà là nạn nhân bạo lực gia đình.
Trường hợp của chị Vũ Thị P tại một huyện ngoại thành Hà Nội là một ví dụ. Chị bị người chồng bạo lực đến mức phải nhập viện chỉ vì lý do chị không đồng ý kí vào đơn vay tiền. Sau khi được điều trị tại bệnh viện, chị và con phải tạm lánh ở nơi khác. Sáu tháng sau, mẹ con chị trở về thì căn nhà đã bị người chồng bán. Vì thế, hai mẹ con chị phải đi thuê nhà, lần hồi mưu sinh với hai bàn tay trắng.
Báo cáo tổng kết 12 năm thi hành Luật PCBLGĐ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong gia đoạn này đã xảy ra 297.498 vụ bạo lực gia đình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc 4.200 vụ. Báo cáo cũng chỉ ra một trong những bất cập là việc đưa nạn nhân ra khỏi nhà khi thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc vô hình đã tạo điều kiện thuận lợi cho người có hành vi bạo lực chiếm đoạt tài sản chung của gia đình.
Áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là một giải pháp mạnh, ngăn chặn tức thời những nguy cơ có thể làm tổn hại đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của nạn nhân. Tuy nhiên, cách thức áp dụng nếu không đúng có thể làm mất đi giá trị của biện pháp này. Kinh nghiệm của một số nước như Úc cho phép quy trình xét xử ngoại lệ trong xét xử các vụ bạo lực gia đình, nạn nhân được ở tại nhà và người gây bạo lực bị yêu cầu tìm nơi ở khác nhằm giúp nạn nhân được nhận những hỗ trợ tốt nhất từ cộng đồng cũng như đảm bảo cơ hội học tập và chăm sóc cho con cái của họ (Quốc hội Úc, 2011).
Việc sửa đổi bất cập trong quy định về điều kiện chỗ ở sẽ tăng cường cơ hội trong bảo vệ khẩn cấp nạn nhân bạo lực gia đình. Mặt khác, ngăn chặn những đối tượng cố tình lợi dụng chính sách để thực hiên hành vi bạo lực nhằm chiếm đoạt tài sản như trường hợp của chị P ở một huyện ngoại thành Hà Nội.
Điều kiện còn mang nặng thủ tục hành chính
Điểm a, Khoản 1 Điều 20 quy định nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu, trường hợp cơ quan hoặc tổ chức có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân. Đây là quy định khá phức tạp, quá thiên về quy trình thủ tục hành chính dẫn đến sự chậm trễ trong áp dụng biện pháp bảo vệ nạn nhân. Kinh nghiệm của Úc trong xử lý các vụ việc bạo lực gia đình, theo đó, cảnh sát Úc còn khuyến khích bắt giữ khẩn cấp người gây bạo lực gia đình như là môt biện pháp cơ bản để bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân bạo lực gia đình. Vụ việc bạo lực gia đình sau đó được chuyển đến Tòa án mà không phải qua quy trình thông thường. Như vậy, thay vì việc yêu cầu nạn nhân phải có đơn thì việc quyết định vụ việc xử lý như thế nào thuộc về Tòa án.
Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, nạn nhân bạo lực gia đình thường có tâm lý e ngại khi phải viết đơn tố cáo người thân có hành vi bạo lực gia đình, một số khác thì không biết phải viết đơn như thế nào. Yêu cầu này cũng được một điều tra quốc gia năm 2019, công bố năm 2020 cho biết là một trong số nguyên nhân chính dẫn đến trên 90% nạn nhân bạo lực gia đình không tìm đến sự hỗ trợ của chính quyền và tổ chức đoàn thể.
Mặt khác, các thủ tục hành chính và các điều kiện khác để cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở ra quyết định cấm tiếp xúc cũng bó buộc sự chủ động khi áp dụng biện pháp bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình. Có thể nói, nếu Tòa án áp dụng biện cấm tiếp xúc giữa bị đơn và nguyên đơn trong quá trình xét xử án hôn nhân gia đình có dấu hiệu của bạo lực gia đình thì đã không xảy ra vụ người chồng đã đâm chết vợ tại Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.
Thủ tục hành chính trong áp dụng biện pháp bảo vệ khẩn cấp nạn nhân bạo lực gia đình không chỉ cản trở nạn nhân tiếp cận dịch vụ bảo vệ của cơ quan có thẩm quyền mà còn khiến chính những người thực thi công vụ cũng bị động trong áp dụng biện pháp bảo vệ. Vì vậy, quy định về điều kiện phải có đơn cũng nên xem xét sửa đổi để tăng cơ hội bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình. Cách xử lý vụ việc bạo lực gia đình của Úc có thể là một kinh nghiệm hay cho chúng ta tham khảo trong sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sắp tới.
Ngày 12 tháng 12 năm 2020, tại Nghị quyết số 178/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2020, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được Chính phủ thông qua. Theo lộ trình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ thì năm 2021 đưa vào chương trình xây dựng Luật và pháp lệnh của Quốc hội; trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ nhất năm 2022 và thông qua tại kỳ họp thứ hai trong năm 2022. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được đề xuất sửa đổi toàn diện thay thế Luật hiện hành. Như vậy, theo lộ trình nêu trên thì năm 2023, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình mới sẽ có hiệu lực thi hành. Khi đó, chúng ta hy vọng những bất cập trong áp dụng biện pháp bảo vệ khẩn cấp nạn nhân bạo lực gia đình và xử lý người có hành vi bạo lực gia đình được sửa đổi. Nạn nhân có nhiều cơ hội tiếp cận dịch vụ công lý hơn, còn người gây bạo lực bị xử lý nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe, giáo dục hơn./.