Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Đề cập đến các vấn đề cử tri kiến nghị, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo và sớm đề xuất phương án giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri đối với tình trạng thu BHXH bắt buộc không đúng quy định của pháp luật đối với chủ hộ kinh doanh cá thể.

Đại biểu Ma Thị Thúy nêu rõ, theo quy định của pháp luật về BHXH, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, trên thực tế, từ năm 2003, do thiếu hiểu biết về chính sách, việc thu BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh đã diễn ra tại BHXH một số địa phương.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Sau khi có chỉ đạo của BHXH Việt Nam, các địa phương đã dừng thu BHXH bắt buộc đối với nhóm đối tượng này và chuyển hướng sang đóng BHXH tự nguyện.

Tính đến ngày 30/9/2016, cả nước có hơn 4.200 chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng BHXH, trong đó có nhiều trường hợp đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định nhưng chưa được giải quyết nghỉ hưu đã gửi đơn khiếu kiện. “Đây là vấn đề được dư luận xã hội, cử tri rất quan tâm, bức xúc và cũng đã nhiều lần gửi đơn thư đến các cơ quan có thẩm quyền” - đại biểu Thúy nói.

Trao đổi về vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại Phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Quốc hội có Nghị quyết số 100/2023/QH15 giao Chính phủ để tập trung xử lý vấn đề này.

Chính phủ đã có Nghị quyết 88 giao cho BHXH Việt Nam thống kê, đánh giá tình hình và đề xuất các giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề này. Ngày 23/4 vừa qua, BHXH Việt Nam cũng đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ sau khi tiếp thu ý kiến các ngành.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, về tinh thần, phải khẳng định luật pháp hiện nay không cho phép thu BHXH đối với đối tượng hộ kinh doanh cá thể. Việc thu vừa qua của một số BHXH địa phương là sai và cơ quan Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sau khi phát hiện ra đã có văn bản chấn chỉnh vấn đề này.

Tuy nhiên, sau công văn chấn chỉnh thì một số địa phương do đã thu và cũng tiếp tục thu một số trường hợp. Vì vậy, sau khi kiểm toán năm 2022, tiếp tục phát hiện câu chuyện này và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã yêu cầu dừng thu và tập trung xử lý sự việc.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, để xử lý vấn đề này, tinh thần chung, BHXH Việt Nam đề xuất 3 giải pháp.

Thứ nhất, Ban soạn thảo Dự án Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất, báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý phương án, đối với những hộ kinh doanh cá thể có đăng kí kinh doanh xin được đề xuất bổ sung, quy định điều khoản chuyển tiếp sang bảo hiểm bắt buộc.

Những hộ kinh doanh này được hưởng đầy đủ chính sách như tham gia BHXH bắt buộc. Việc này sẽ được Quốc hội xem xét trong thời gian tới.

Thứ hai, đối với đối tượng không đủ điều kiện, nói cách khác là không có đăng ký kinh doanh được chuyển sang bảo hiểm tự nguyện.

Thứ ba, trường hợp những người không đồng ý chuyển sang BHXH tự nguyện thì cơ quan BHXH có trách nhiệm thực hiện thoái thu. Việc thoái thu phải đảm bảo chính sách như thế nào cho thỏa đáng.

“Tinh thần chung, trong tháng 5 này Chính phủ sẽ nghe BHXH Việt Nam báo cáo lại và sẽ có giải pháp cuối cùng cho vấn đề này” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Bảo Hân