Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:
|
|
Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng. |
Theo Báo BVPL phản ánh: Những ngày qua dư luận không khỏi xôn xao trước việc một con đường 2km trái phép chạy quanh lòng hồ thuỷ điện Đắk R’Tih (thuộc thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’Moan, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) được mở ra khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, ảnh hưởng tới khoảng 5000m2 rừng bán ngập. Không chỉ vậy, phóng viên còn phát hiện 1 khu nhà vườn mọc lên ngay trên đất rừng bán ngập của lòng hồ thủy điện Đắk R’Tih.
Theo Điều 12 Luật Đất đai 2013 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể:
“Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.
2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.
3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.
…”
Do đó, hành vi xâm lấn, hủy hoại và xây dựng công trình trái phép trên đất là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ của hành vi sai phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
1. Đối với hành vi xâm lấn, hủy hoại rừng.
Theo Điều 9 Luật Lâm nghiệp 2017, quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lâm nghiệp, cụ thể:
“Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp
1. Chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật.
…
4. Hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng…”.
Hành vi xâm lấn, hủy hoại tài nguyên rừng của những đối tượng là hành vi bị nghiêm cấm và hậu quả đã gây ảnh hưởng tới hơn 5000m2 rừng phòng hộ bán ngập. Do đó nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý hình sự về Tội hủy hoại rừng theo quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, cụ thể:
“Điều 243. Tội hủy hoại rừng
1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
…
c) Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2);
…
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Tái phạm nguy hiểm;…
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;…
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Ngoài ra, còn có thể bị xử lý hành chính về hành vi hủy hoại đất theo quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP với mức phạt cao nhất lên đến 150.000.000 đồng. Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, còn buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
2. Đối với hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất rừng
Hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất rừng trong trường hợp không phải là chủ sở hữu sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, cụ thể:
“Điều 14. Lấn, chiếm đất
…
3. Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,02 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
e) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.
..
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 của Điều này và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; trừ trường hợp trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này;
…
d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này”.
Hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất rừng trong trường hợp là chủ sở hữu rừng là hành vi tự ý chuyển mục đích trái phép đất rừng thành đất phi nông nghiệp. Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP có quy định:
“Điều 10. Sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm c và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai
…
2. Chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 05 héc ta;
g) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 05 héc ta trở lên
3. Trường hợp chuyển đất rừng đặc dụng là rừng tự nhiên, đất rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang mục đích khác thì hình thức và mức xử phạt được thực hiện bằng 02 lần mức phạt tương ứng với từng trường hợp chuyển mục đích quy định các khoản 1 và 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này”.
Theo đó, hành vi tự ý chuyển mục đích trái phép đất rừng sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền lên đến 250.000.000 đồng. Đồng thời nếu đất rừng phòng hộ là rừng tự nhiên thì hình thức và mức xử phạt được thực hiện bằng 02 lần mức phạt tương ứng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.